Lịch sử Champa ít cho ta thấy tinh thần đồng đội, các gương cá nhân hi sinh vì đồng đội. Hay có mà không được ghi nhận? Ở thời cận đại cũng hệt: không ai ghi, ta không thấy đâu là gương sáng. Mà tinh thần Bà-la-môn và cả Phật giáo tiếp đến sau đó lại nhấn về cá thể, tu cá thể, giác ngộ mang tính cá nhân, thế nên Cham dễ bị cho là dân tộc mang tinh thần anh hùng cá nhân.
Có phải thế không?
Trường Pô-Klong, dù quý thầy được xem là “làm công ăn lương”, ở nhiều công tác, tinh thần đồng đội vẫn để lại trong kí ức chúng tôi nhiều dấu ấn đậm. Điều này có thể nói lên: Cham có tinh thần đồng đội tự nguyện.
Thử lấy tôi ra mổ xẻ, xem xét.
Trong gia đình, tôi luôn đưa cho vợ con xem kế hoạch làm việc. Riêng bà xã luôn hỏi thăm sắp tới anh sẽ có tác phẩm nào. Vào Sài Gòn, lập kế hoạch 10 năm, tôi in ra gửi anh Phú Đạm và anh Hàm Bộ, cho hai anh dõi theo bước đi của mình.
Về tác phẩm, cuốn sách đầu tay Văn học Cham khái luận được chú Phú Văn Thiệt đọc và ca tụng hết lời, chú Phú Vận học chữ Akhar thrah qua tác phẩm Tự học tiếng Cham của tôi, còn cha đã nở cười hiền khi tôi cho xem cuốn Trường ca Cham.
Tôi gọi tất cả là đồng đội của tôi. Là đặc ân lớn của đời tôi. Tại sao người thân cận nhất không là đồng đội của mình chứ nhỉ?
Làm Tagalau, đồng đội tôi là: thầy Nguyễn Văn Tỷ, Trà Vigia, anh Phú Đạm, yut Lưu Văn Đảo, Trầm Ngọc Lan…
Lên tiếng về Ghur Raneh, tôi có đồng đội mới, khác: Imưm Đạo Văn Tý, anh Quyển, anh Nhung, anh Sung, Maily… Còn về Dự án Nhà máy Điện hạt nhân, xung quanh tôi là vô số đồng đội.
Vài sinh linh ở đồng đội có thể không đồng ý với tôi, ngộ nhận mà nói xấu tôi sau lưng hay thậm chí, xuyên tạc tôi, rời bỏ tôi. Riêng tôi: Tuyệt không bao giờ chống đồng đội, phê bình – càng không. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch!
Hôm qua trước bàn thờ người bạn thân nhất, tôi đứng và nói chuyện thật lâu với anh linh bạn. Sáng nay cũng vậy, tôi quỳ trước anh linh dì. Tôi không cúng tế, mà tuyệt đối tin vào Pô Yang, và phó thác mình cho Pô Yang.