Chuyện thơ-3. TỪ TÌNH CHÂN THẬT ĐẾN THƠ TÌNH RẺ TIỀN

[hay. Nguyên Sa đã niêm hoa vi tiếu như thế nào?]

Thi sĩ khó tránh lụy tình, lụy tình và làm thơ tình.

Thơ đầy tâm trạng, càng chân thành càng tốt, chuyện tình càng đẹp càng đau càng thật, thơ càng hay – ta ưa nghĩ thế. Có thế đâu!

André Gide: Với tình cảm đẹp, chúng ta chỉ làm ra thứ văn chương rẻ tiền. Loài thơ ấy, kẻ si tình làm xong nên chép tặng riêng người yêu, hay đến trước cổng nhà nàng mà đọc qua cửa sổ, mới hi vọng được nàng hồi đáp.

Người đọc cần thơ tình hay, chứ không cần tâm trạng chân thành ấy của bạn. Thơ tình Việt Nam thời gian qua tỏ rõ nỗi đó.

“Mười hai, tháng sáu” của Vũ Hoàng Chương là bài thơ tình lâm li bi thiết, chứ ở đó không có miếng tình nào tồn tại. Không có nàng Kiều Thu hay Tố nào là thực! Ta nói đó là bài thơ tình hay, chứ không phải thứ tâm trạng chân thành được bộc bạch để mà trân trọng.

Tháng sáu, mười hai, từ đấy nhé

Chung đôi, từ đấy nhé lìa đôi!

Em xa lạ quá, đâu còn phải

Tố của Hoàng xưa, Tố của tôi…

Kiều Thu hề Tố em ơi

Ta đang lửa đốt tơi bời Mái Tây

Vũ Hoàng Chương làm thơ tình, chứ không trải lòng mình trong thơ. Rõ hơn, Nguyên Sa. Ở “Tháng Sáu trời mưa”, người đọc đã lờ mờ nhận ra sự thể:

Tháng sáu trời mưa trời mưa không dứt 

Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa 

Anh lạy trời mưa phong kín đường về

Và đêm ơi xin cứ dài vô tận…

Nó càng rõ hơn với “Nga”:

Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm

Như con mèo ngái ngủ trên tay anh

Ðôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình

Ðể anh giận sao chả là nước biển!…


Tại sao Nga ơi, tại sao…

Ðôi mắt em nghẹn như sát từng lần vỏ hến

Hơi thở trùng như sợi chỉ không căng

Bước chân không đều như chiếc thước kẻ ai làm cong

Ai dám để ở ngoài mưa, ngoài nắng…

Em nhớ không, anh đã van em đừng buồn

Anh đã van em đừng để những nụ cười chắp nối

Mắt anh sẽ mờ vì những vết kim khâu

Và anh buồn, rồi lấy ai mà dỗ nhau

Lấy ai mà dỗ hai con chó ốm!…

Đọc, cứ tưởng là “thật”, là lâm li bi thiết lắm. Nhưng có đâu! Nguyên Sa đang làm thơ [tình], chứ không bộc bạch tình mình, cả vực thẳm khác biệt. Ông cũng không thay mặt để nói giùm nỗi lòng của kẻ si tình nào đó nữa. Ông đang LÀM thơ tình, tôi nhắc lại, và nghịch. Đây là chứng từ không thể cãi:

Không có anh lấy ai đưa em đi học về

Lấy ai viết thư cho em mang vào lớp học

Ai lau mắt cho em ngồi khóc

Ai đưa em đi chơi trong chiều mưa

Những lúc em cười trong đêm khuya

Lấy ai nhìn những đường răng em trắng…

Không có anh nhỡ ngày mai em chết

Thượng đế hỏi anh sao tóc em buồn

Sao tay gầy, sao đôi mắt héo hon

Anh sẽ phải cúi đầu đi về địa ngục…

Ông đùa, mà sinh viên học sinh ngỡ là thật, cứ mua cứ đọc, nước mắt nước mũi bê bết [nhớ, tập Thơ Nguyên Sa được tái bản 8 lần]. Thượng thừa và cao tay ấn, là vậy. Bùi Giáng thấy thế, ông chỉ cần phán một câu, là đủ.

Tôi thấy thế, và luận dài dòng hơn. Để bạn đọc và nhất là người làm thơ hôm nay biết: Làm thơ tình, khác với diễn mối tình trong thơ, dù nó thật tới đâu – cũng nhảm!

+

1. “Thách đấu thơ”, hơi giống bạn Nguyễn Hoàng Đức đó nhé.

2. Cuối tuần này Sara đăng “Bài thơ được cho là hay: Thơ tình Inrasara”.

3. Thông tin vui: Năm 2004, 1 trang mạng ở Úc [không phải Tienve] đăng thơ Inrasara và Trần Thy Thiện Sa [bút danh khác của Sara]. Cuối năm cả hai đoạt giải thơ hay trong năm. Inrasara là “Đứa con của Đất, còn Trần Thy Thiện Sa: chùm thơ tình!

Họ bay về Việt Nam, qua quận 4 tặng thưởng, và hỏi cô nàng Thiện Sa. Tôi nói: Nàng đang nhổ cỏ ở Cam Ranh, xa lắm, Tết về quê tôi chuyển tiền và quà cho nàng ấy. [tặng còm này cho bạn văn @Lê Hồ Quang đọc giải trí]

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *