Văn nghệ Việt Nam, điểm danh vài con bệnh-05. THÓC MÁCH

Thóc mách là tật xấu nhất của giới văn nghệ, xấu kéo dài đến lậm thành bệnh, khó trị. Tôi hay nói vui:

– Tụm bốn tụm năm, văn nghệ sĩ Việt Nam chưa bao giờ việt vị khỏi 3 thứ: Nói xấu chính quyền, nói xấu nhau, và nói tục tĩu. Chú ý, nói xấu, chứ không [dũng cảm] đối mặt hay [khả năng] đối thoại. Rồi khi nói xấu kia hóa thân thành hỏi & trả lời, nó lên đỉnh.

Trên Litviet, 3-12-2011, Phan Nhiên Hạo hô:

“… Inrasara là người xiển dương cách tân thơ, đặc biệt tích cực truyền bá chủ nghĩa Hậu Hiện Đại. Nhưng Hậu Hiện Đại thì không thể nào đi cùng với Hội Nhà Văn, vốn là một tổ chức được tạo ra để thực hiện chủ trương chính trị chuyên chế, đi ngược lại tinh thần đa phức Hậu Hiện Đại.

Inrasara là người có vai vế trong hội này, đã ẵm nhiều giải thưởng của hội. Vậy Inrasara làm cách tân bằng cách nào? Bằng cách chế ra cái gọi là “phê bình lập biên bản.” Một loại phê bình nước đôi, vừa ve vuốt giới văn nghệ ngoài lề vừa làm chức năng cố vấn cho giới văn nghệ chính thống”.

Nguyễn Quốc Chánh ủng: 

” Đằng này họ cứ giả tưởng Hội Nhà Văn là hội nghề nghiệp, nhưng tội nghiệp là khi hành nghề mà trái ý ma cô Ban Tư Tưởng là bị quở mắng hoặc ăn đòn ngay. Inrasara là một người hô khẩu hiệu lớn giọng nhất của cách tân mà không biết có bị quở mắng hay ăn đòn chưa hay chỉ toàn ẵm giải thưởng của ma cô?”

Chuyện mười năm tình cũ lẽ ra nên cho qua, nay nhân loạt bài “bắt mạch bốc thuốc” cho bệnh hoạn văn nghệ Việt Nam, thử điểm lại:

[1] “hành nghề mà trái ý ma cô Ban Tư Tưởng”, tôi có “bị quở mắng hay ăn đòn chưa”?

“Lớn giọng cách tân” thơ mà nhằm nhò gì! Từ 1982, nhập cuộc cộng đồng, tôi lên tiếng hơn 30 vụ, từ vụ cá thể như “Sự cố án mạng KMV” cho đến việc chung như “Xâm hại đất Ghur Raneh”, từ nỗi nhỏ như tiêu cực tại “Trường Dân tộc nội trú Ninh Phước” đến sự đại to cồ là “Dự án Nhà máy Điện hạt nhân”, có đến 95% lên tiếng ấy của tôi mang lại lợi ích cho cộng đồng được bà con cảm ơn. Ở đó, dù “tới cùng”, chưa có ai mời tôi “uống cà phê” nói chi “ăn đòn”!

[2] “hay chỉ toàn ẵm giải thưởng của ma cô?”

“Ẵm giải”, đúng! Còn “toàn của ma cô” – là hỏng. 20 giải từ 4 nước. Riêng trong nước, từ 3 tổ chức khác nhau: chính thống [Hội Nhà văn VN], phi chính thống [Văn hóa Phan Châu Trinh] và cả “phản động” [Văn đoàn Độc lập]; nước ngoài là CHCPI-Sorbonne (Pháp), Tiền Vệ (Úc), Thái Lan… Chớ họ “toàn ma cô” hết à?

[3] “Inrasara là người có vai vế trong hội” – trật.

Ẵm “giải ma cô” lần đầu Tháp nắng-1997, khi tôi chưa biết Hội là gì; lần hai Lễ Tẩy trần tháng Tư-2003, tôi là hội viên chay. Mãi năm 2011, tôi mới ngồi phó Chủ tịch Hội đồng Thơ, một “vai vế” không quyền hành không lương bổng.  

[4] Inrasara “làm chức năng cố vấn cho giới văn nghệ chính thống”, hô vậy là chưa hiểu gì Cộng sản. Bạn tự nhận phe bên kia, thế mà giáo điều quá cha CS luôn!

Kẻ 3 không: đảng viên, bằng cấp, chức vụ, CS có khờ mới cho “giới văn nghệ chính thống” đi nghe hắn cố vấn.

Còn “định hướng” ư? Tôi tham gia 7 tổ chức các loài. Ai mò thấy dấu vết tôi bị định hướng ở đâu, cho điểm 10 luôn.

[5] Kêu tôi “ve vuốt giới văn nghệ ngoài lề”, là tự khai không biết Inrasara là ai.

Văn chương biểu lộ tâm hồn một dân tộc. Muốn hiểu tâm hồn Cham, tôi tiêu hết tuổi trẻ dựng nên bộ Văn học Cham vài ngàn trang.

Muốn hiểu tâm hồn Việt, tôi nghiên cứu thơ, nhấn vào đương đại, nhất là khu vực ngoại vi. Chú ý: ngoại vi theo nghĩa rộng nhất của từ chứ không chỉ “ngoài lề”.

Nhìn toàn cảnh để bàn toàn cục văn chương Việt hôm nay, không thể bỏ qua ngoài lề. Lập biên bản non 200 nhà, đại bộ phận là ngoại vi [gồm 7 bộ phận: Cây bút tỉnh lẻ, dân tộc thiểu số, chưa là hội viên, tác giả ngoài lề (nghĩa hẹp), văn chương mạng, nhà văn Việt hải ngoại, và người Việt ở nước ngoài sáng tác bằng ngoại ngữ].

Hỏi chứ tôi đủ sức vuốt ve xoa bóp tất cả họ không? Mà xoa bóp vuốt ve làm gì cơ chứ!

[6] Inrasara chế ra “phê bình lập biên bản là loại phê bình nước đôi” – đích thị sai TO nhất. Cứ ôn tập 3 giai đoạn phê bình của tôi, đủ biết:

– “Phê bình Lập biên bản” qua 3 hình thức nhằm đặt nền móng khoa học cho phê bình;

– “Hồ sơ Biên bản so sánh” làm nổi bật các đóng góp độc đáo của khuôn mặt mới; cuối cùng là

– “Phê bình khai phóng” tập trung vào tác phẩm mang tư tưởng tự do.

Hầu hết tiểu luận, phê bình của tôi xuất hiện ở ngoại vi và nước ngoài: Tienve, Vanchuongviet, Talawas, Hợp Lưu, BBC, RFA, Vanviet

[7] Cuối cùng, hô “Hậu hiện đại không thể đi cùng với Hội Nhà văn, vốn là một tổ chức được tạo ra để thực hiện chủ trương chính trị chuyên chế, đi ngược lại tinh thần đa phức HHĐ” – là chưa hiểu hậu hiện đại là gì.

Hậu hiện đại phi tâm hóa, đi với mọi mọi mà không ngán ngại. Nó đạp đổ mọi vách ngăn trong với ngoài nước, chính thống với phi chính thống, trung tâm và ngoại vi, nó “Ni Marx ni Jesus”, không Cộng sản không Dân chủ…

Hậu hiện đại dung chứa tất cả đồng thời hóa giải tất cả. Như Nietzsche: “Con người là dòng sông dơ bẩn. Phải là biển cả bao la mới có thể cưu mang những dòng sông dơ bẩn kia, mà không tự làm ô uế mình.”

Hay nói một cách thơ mộng thi nhiên, như phần đề từ cho tập thơ Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài Tân hình thức-2006:

Không bên lề

không trung tâm

tôi trú trên đường biên

Không ngoài luồng

không chánh lưu

sống như thể không đường biên

Cũng chẳng có gì trầm trọng cả!

mỗi các ông cứ dựng chòi

mỗi các ông cứ có mặt như một biên giới.

____

Tài liệu tham khảo:

Inrasara, “Sống, và không để lại dấu vết” và Hay “Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ, tôi đã làm gì?”, http://inrasara.com/2021/03/15/pho-chu-tich-hoi-dong-tho-toi-da-lam-duoc-gi/

[1. Diễn “Chỉ có rác hạt nhân là vĩnh cửu” tại hội thảo khoa học – Đài Loan; 2. Thuyết về ngoại vi ở Sàn Art, 3. Trao đổi với chức sắc Cham giúp tháo gỡ vụ việc cộng đồng.

Đúng với châm ngôn tôi dành cho tôi: “Một nhà văn hậu hiện đại là kẻ, vừa theo dõi các trào lưu triết học mới nhất trên thế giới, đồng thời vẫn có thể đi vào làng quê vùng sâu vùng xa điều tra vụ mất cắp gà để hỗ trợ chính quyền địa phương giải trừ tệ nạn xã hội (“Đối thoại hậu hiện đại,” Tienve.org, 3-2009).]

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *