[tiếp bài: Vấn đề Cham hôm nay. ĐỨT KẾT NỐI]
Thế hệ Jaka, Ikan, Nha Trang… xin lỗi, có vẻ hơi bị “qua” rồi. Thế hệ mới, sau vô số chuyến đi và gõ tìm “mạch nước ngầm”, “dòng sông ẩn” cho tương lai Cham [và Việt Nam], tôi hé thấy các bạn trẻ sau có vài tố chất cần thiết cho kết nối: Kim Thanh, Lộ Minh Kiên, Bích Hiên, Baoh Keo, Nguyễn Gin, Lựu Hoàng Điệp, Út Mén, và nhiều nữa… Các bạn có thể liên hệ với nhau, hay với Trà Kha, Phú Minh Tâm để tạo cơ hội giao lưu.
[Xin tap các bạn ở đây, nếu nghe bất tiện, thì rất mong được một lần ‘ampun’]
[1] Đặc san Tagalau & Bài học khủng [đã kể, xin tóm].
Tagalau-1 ra đời vào mùa Katê 2000!
Sau Tết 2000, ở Hà Nội, tôi gợi ý ra đặc san cho Cham với quý thầy BBS ra soạn sách ngoài đó, phần thì khuyên: cẩn thận; phần còn lại: sau 2 kì “chắc chết và chết chắc”.
Dẫu sao trước đó, Katê 1996 tôi đã thử nghiệm số đặc biệt về Cham ở Văn nghệ DT&MN [xin nói tiếng karun anh Đăng Bẩy, Quang Cẩn]. Và phải qua 4 năm thử lửa để hiểu cây bút, độc giả và sự tiếp nhận của bà con Cham thế nào, tôi mới tự tin ra Tagalau.
Các bạn văn: Trà Vigia, Trầm Ngọc Lan, Jaya Hamu Tanran nghe tin hào hứng phải biết. Thế là vào Sài Gòn, tôi chờ: vắng hoe; tôi phon thúc: hẹn. Không thể đợi, tôi hú Trà và Trầm lên xe đò vào, còn xách theo gà vườn.
– Mỗi ông nộp 5 bài thơ và 1 truyện ngắn mới được về – tôi khích.
Tự tin là bài học thứ nhất. Bài học-2: Chủ xị là kẻ chủ động và tới cùng; Bài học-3: Biết hi sinh. Tốn thời gian thì miễn, mỗi kì từ 1-6 [ngoài số 5] tôi còn chịu lỗ bình quân cây vàng; Bài học-4: Dám chơi dám chịu. Sau 2 kì, Tagalau bị chặn khắp chốn [số 8 tiếp tục bị chơi], tôi mang thẻ Hội Nhà văn [duy nhất của Cham] ra đánh cược, khơi khơi vậy thôi mà được.
[2] Chất trụ
Muốn thế Tagalau cần có kẻ trụ, là tôi.
Về chuyên môn, tôi lo từ A-Z: Kêu gọi bài, đánh máy, thư từ qua lại, chỉnh và duyệt bài cả xin giấp phép. Về kĩ thuật: In, phát hành, thu tiền với mấy món ngoài lề: PR, đối phó với “trên” và dư luận Cham…
Sau cùng, khi Tagalau đã ổn, tôi còn lo vụ chuyển giao thế hệ nữa. Ai có thể chịu nổi bao nỗi ấy?!
[3] Muốn trụ và kết nối được, chủ xị cần sự hiểu biết, tâm ý tốt và tâm thế phục vụ vô vị lợi.
Bàn về Cộng đồng Bà-ni thiếu người trụ, tôi nêu 5 điểm: Hiểu biết tôn giáo Bà-ni, Hòa đồng với chức sắc, Thế hệ trẻ tin tưởng, Có thể trao đổi sòng phẳng với chính quyền, cuối cùng Đủ bản lĩnh và kinh lịch đứng trụ để là tiếng nói được chờ đợi. Hiện, Bà-ni chưa xuất hiện nhân vật đó – là một quan sát và nhận định, chả liên can gì đến đạo đức. Thế thôi, có vị kêu tôi thiếu… khiêm tốn. Trong khi ta:
Tự phong Thủ tướng Champa lưu vong; họp hành có mươi sinh linh Cham mà kêu Hội thảo khoa học quốc tế; lập hội cho ta chủ tịch, bà vợ sắm vai phó, lượm đâu chân thư kí nữa, rồi hô: “Hội… Champa quốc tế”.
Khiêm tốn ghê lắm!
[4] Cuối cùng – xin lặp lại, chính chủ xị phải là kẻ ‘tapoh tapai’ đập chà cho thỏ nhảy ra, chứ không là/ đợi ai khác.
Nhiều năm tôi gợi ý, hứa hỗ trợ cả tài liệu lẫn phương tiện vật chất để đứa con Cham viết về palei của mình – không hồi đáp. Năm ngoái tôi tiếp tục thông báo hỗ trợ chương trình Rau sạch cho làng Cham: im ắng. Mới nhất, tôi viết thư chung gửi 3+1 nữ cùng 2 vợ chồng trẻ, hẹn cà-phê bàn về kết nối làm V-A-C, sau đó có thể nhân rộng. Đó là một cách ‘tapoh tapai’ đập chà, và cho dù không ai nhập cuộc, tôi vẫn cứ tiếp tục!
Trì trì ngô hành dã… là vậy.
Cham hôm nay thiếu tinh thần HỢP TÁC chăng?
Tôi đã, các bạn – tại sao không?!