Tôi có bạn người Mỹ gốc Do Thái, dịch giả một tác phẩm của tôi. Một bận, tôi vừa nhắc đến dân tộc Do Thái với sự nể phục cố hữu, anh lắc đầu quầy quậy: Tệ lắm, Sara à.
Tôi thoáng ngạc nhiên, rồi đã biết khựng lại: Đúng rồi, trí thức là luôn ở tư thế… chê. Dù bộ máy chính phủ đó có vận động trơn tru tới đâu, loài công dân này vẫn tìm ra món gì đó, để chê. Dẫu sao không có sinh linh Do Thái nào đang sống ở Israel kêu: Ông ở Mỹ, hãy lo chuyện của Mỹ đi, chớ xía vô đây mà lên giọng dạy đời.
Tôi cũng có người bạn Do Thái khác công dân Israel chính hiệu. Anh này tánh nào tật nấy, vẫn cứ chê bai tất tần tật chính sách của chính phủ đất nước mình. Lạ nữa, ở đó chả có mống nào đòi tống cổ anh theo kiểu: Có thần tượng Mỹ thì hãy cút qua đó mà sống.
Barak Obama lần qua Việt Nam, đã phát biểu một câu nổi tiếng, đại ý: Suốt ngày tôi bị báo chí Mỹ phê phán, chính điều đó làm cho nước Mỹ hùng mạnh.
Giai thoại kể rằng, ở Israel một luận điểm đưa ra dẫu chuẩn không cần chỉnh tới đâu, thế nào cũng có một cánh tay đưa lên phản đối. Từ quyết sách của chính phủ cho tới sinh hoạt một nhóm nhỏ lẻ. Phản đối theo kiểu: Nếu Chúa cho quả đất vuông, tôi nói nó tròn cái đã; cả thế giới chắc như vôi quệt tường rằng mặt trời xoay quanh trái đất là chân lí, tôi nói ngược lại; hay dẫu bao nhiêu vĩ nhân đi trước khẳng định thời gian đi theo đường thẳng, tôi nói nó cong…
Làm gì nhau nào. Mà nếu có đánh đòn, có đặt trước mặt tôi li thuốc độc hay ném tôi lên giàn lửa, tôi vẫn cứ nói theo kiểu tôi.
Chính điều đó làm cho tinh thần con người [triết lí] phát triển, khoa học tiến bộ, nhân loại văn minh…
Bao giờ Việt Nam ta biết chấp nhận và khuyến khích làm thứ ngược ngạo đó?