Ghi chép tháng 10-2011: Hội thảo Đại học Thái Nguyên, Nói chuyện văn chương…

Về từ Đại học An Giang, amidal hành đến há họng hết nổi. Không thể đi Hội thảo về Chương trình xây dựng phần mềm chữ Chăm ở Huế. Jaka và Yatrang đi. Nghỉ lấy sức để du hành ra Bắc.

1. Ra Bắc. Nhân tiện, tối 21-10-2011, Chế Linh mời dự live show đầu tiên của anh tại Hà Nội. Vui

. Sẽ kể kì sau.

2. Tiểu thuyết Hàng mã kí ức được nghiên cứu sinh chọn làm Luận văn Thạc sĩ. Giảng viên hướng dẫn nửa đùa nửa thật: – Em đã đợi từ ba khóa, nay mới chọn được sinh viên xuất sắc để có thể làm về văn xuôi Inrasara. Qua mấy nghiền ngẫm, cô sinh viên này mới đọc thủng anh đó.

Đại học Thái Nguyên và Hội Văn học – Nghệ thuật Thái Nguyên làm hội thảo Văn xuôi dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ trên hành trình hội nhập, 23-10-2011.

Đây là chương trình:

  1. PGS.TS. Đào Thủy Nguyên: Báo cáo đề dẫn Hội thảo
  2. NPB. Lâm Tiến: Văn xuôi Tây Nguyên đương đại
  3. TS. Cao Thị Hảo: Phác thảo diện mạo văn học DTTS Việt Nam
  4. TS. Nguyễn Đức Hạnh: Bản sắc dân tộc trong văn xuôi Y Điêng
  5. TS. Dương Thu Hằng: Đôi điều về việc tiếp nhận tiểu thuyết Chăm (nhân đọc Hàng mã ký ức của Inrasara)
  6. Học viên Trần Thị Bình: Bản sắc dân tộc trong văn xuôi Inrasara
  7. Nhà văn – Nhà nghiên cứu & phê bình văn học Inrasara: Thực trạng văn xuôi DTTS khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ – Cái nhìn của người trong cuộc về bản sắc dân tộc trong văn xuôi DTTS hiện nay.

Tại Hội thảo, tôi nói: Tây Nguyên có may mắn được nhiều nhà dân tộc học nổi tiếng nghiên cứu và viết sách về, từ đó bao nhiêu tác phẩm sáng giá ra đời(*). Đó là điều người Chăm không có được. Tây Nguyên lại sinh ra 4 nhà viết văn xuôi. Nhưng rất tiếc, đọc văn xuôi Tây Nguyên, ta không thấy bật lên chiều sâu văn hóa vùng miền. Có lẽ nhà văn ở đây chưa tiếp cận được với thành tựu nhà nghiên cứu Tây phương. Lối viết của các nhà văn dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên vẫn là lối viết truyền thống.

Chăm thì khác hơn. Trà Vigia, sau đó Inrasara có lối viết và thể nghiệm nhiều thủ pháp khác và mới hơn. Ở đây, tôi không đề cập khía cạnh hay hay dở, mà là dám đi bước mới. Tôi cũng tranh thủ nói về các bước tiến mang tính mĩ học trong sáng tác văn chương Việt Nam, để đánh bạt mấy ngộ nhận dằng dai về quan niệm văn học.

Hội thảo tập hợp khoảng 40 nhà văn, nhà thơ và nghiên cứu sinh cùng dự trong một hội trường nhỏ. Ấm áp, thân tình và nhất là khá chuyên nghiệp.

3. Từ Thái Nguyên đi xe đò qua Vĩnh Yên. Bạn văn đến đón. Lang thang và thăm thú các nơi. Xuống Hà Nội chấm giải và xét đầu tư Hội Văn học – Nghệ thuật các DTTS Việt Nam hằng năm. Dự tính qua Bắc Ninh điền dã xem xét về địa dư cho cuốn tiểu thuyết 25 năm làm nên một Quan họ Bắc Ninh sắp tới, nhưng bất thành. Thôi thì chạy xe sang Quảng Ninh vậy.

– Bãi Cọc – Bạch Đằng 1288, lần thứ ba. Bảo quản và quy hoạch quá sơ sài.

– Đền Trần Hưng Đạo – miếu Vua Bà (bà bán nước chỉ dẫn cho đóng cọc). Hai cây gỗ lim vẫn còn ở đầu rừng cũ có tuổi thọ đến 700 năm.

Trưa ghé chùa Đổng Phúc. Các sư ở đây ăn mặn, là điều lạ. Mình thử hỏi, sư nói: Phật có ăn chay đâu! Cứ xem bất kì kinh Phật, có sách nào dạy phải ăn chay đâu. Tâm ta là chính.

Chiều, bạn đưa qua huyện Đông Triều thăm Đền An Sinh, khu lăng mộ nhà Trần thờ 8 vị vua Trần, 13 ha. Đền Thái hay Thái Miếu nhà Trần ngự trên đồi, là quê gốc nhà Trần. Khu này sau khi được khai quật nghiên cứu nay đã lấp lại. Phía sau ngọn đồi nhỏ này có hồ nước do công trình thủy lợi, nước dâng cao; ở đây có lăng thờ Trần Anh Tông.

Tối, ngủ nhà khách Huyện ủy.

4. Trở về Hà Nội lang thang tiếp. Tránh tối đa các ứng viên thơ của Hội Nhà văn Việt Nam tiếp cận. Ở đó có không ít điều hay, nhưng quá nhiều cái phiền. Và buồn nữa.

Ngủ đất Bắc đúng 8 đêm, mới bay vào Sài Gòn.

5. Về Thực tiễn sáng tác hậu hiện đại ở Việt Nam do Cà phê Thứ Bảy tổ chức, 5-11-2011.

Truyết trình: Inrasara, Nhật Chiêu, Lý Đợi.

Dẫn chương trình: Nguyễn Thị Từ Huy.

Lý Đợi chạy xe qua nhà ăn cơm trưa, bàn trình tự làm như sau:

– Phần tiếp nhận và giảng dạy Hậu hiện đại ở Đại học có thuận lợi và khó khăn thế nào? Do Nhật Chiêu trình bày – 15 phút.

– Có mấy điều kiện thì một phong trào thơ (như Thơ Mới) làm nên được cuộc cách mạng văn học nghệ thuật? Inrasara nói 15 phút về 4 điều kiện của một cuộc cách mạng thơ;

– Hậu hiện đại tại Việt Nam có non yếu như người ta tưởng hoặc chê bai không? Tại sao nó chưa làm nên cuộc cách mạng? Lý Đợi nói trong 5 phút.

Thảo luận:

– Nhận diện điều kiện, hoàn cảnh và tính chất của Hậu hiện đại tại Việt Nam.

– Hậu hiện đại Việt Nam không phải là bản copy của phương Tây.

– Lý đợi đọc một bài, Inrasara đọc ba bài thơ hậu hiện đại Việt Nam. Nhật Chiêu đọc một bài thơ theo hệ mĩ học cũ để đối chiếu.

 

Non 40 người tham dự. Thảo luận bổ ích và vui vẻ. Qua trao đổi, vài đám mây bao quanh vấn đề hậu hiện đại Việt Nam cũng bị xua tan ít nhiều.  Chủ quan thế.

Xong, trưa ra bến, đi xe đò về quê.

Hoạt động chữ nghĩa như điên. Thoát!

 

Sài Gòn, 13-11-2011

 _____

 

(*) Với Henri Maitre: Rừng người Thượng; Georges Condominas: Chúng tôi ăn rừng;… các nhà dân tộc học Pháp đã cho chúng ta nhiều khám phá về về Tây Nguyên. Riêng về Chăm, họ làm về Từ điển và các ghi chép nho nhỏ, sưu tầm các văn bản lẻ,… không đáng kể.

2 thoughts on “Ghi chép tháng 10-2011: Hội thảo Đại học Thái Nguyên, Nói chuyện văn chương…

  1. Đồng ý với nhà thơ Inrasara. Người Pháp đến VN, về Chăm họ làm về kiến trúc và điêu khắc là chính. Họ không quan tâm đến “người” Chăm như họ ng cứu sâu về “người” Thượng. Nên họ không có tác phẩm lớn về dân tộc Chăm mình.
    Cho nên vđề đặt ra là chúng ta phải có nhà văn làm chuyện đó. Hy vọng Sara sẽ làm được, như anh đã làm với cuốn Hàng mã kí ức.

  2. Hội thảo Văn học DTTS vừa qua tại Lạng Sơn, nhà văn Vũ Xuân Tửu đã có viết:
    “Sự đằm thắm của Cao Duy Sơn, trí tuệ của Inrasara, cách viết hiện đại của nhà văn Mã A Lềnh đã làm nên sắc thái dân tộc”.
    Rất hay.
    Trí tuệ của nhà văn Chăm Inrasara luôn được các nhà văn người Kinh và nhà văn DTTS VN nể vì và trân trọng.
    Hay!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *