[với Việt Nam]
Cham giữa lòng Việt Nam trong cộng đồng 54 dân tộc, gắn kết không thể tách rời. Cham sở hữu một nền văn hóa văn minh phát triển cao nay chỉ là những mảnh vụn góp nhặt để làm nên hình hài dù mờ nhạt nhưng cần thiết, cho thế hệ hôm nay nhận diện được những gì ông bà đã làm được. Để trân trọng. Để hãnh diện.
Và gì nữa? Giai đoạn thứ tư, Cham cần truyền thống và hiện đại.
Với văn học, phục dựng nền văn học dân tộc đồng thời sáng tạo cái mới: Tiểu thuyết, truyện ngắn, tùy bút, thơ. Cả tiếng Cham lẫn tiếng Việt.
Vẫn còn là chưa đủ! Làm thơ, viết văn, các cây bút Cham không còn tự bó hẹp trong phạm vi “thế giới” Cham như thế hệ trước nữa, mà biết vươn ra cả nước, khả năng cạnh tranh với khu vực và thế giới. Đó là tinh thần “nhập cuộc về hướng mở” của thế hệ thứ năm.
Xưa, ông bà Cham đã có các sáng tạo sáng giá, nay – ta cần đóng góp phần mình cho nhân loại. Chúng ta đã làm được gì?
Không dừng tại đó, làm văn chương, nghiên cứu hay khoa học… sống với và cùng, bạn không thể làm cụ non đóng cửa phòng văn mà không can hệ với xung quanh. Khi quyền lợi của cộng đồng bị xâm hại, sinh phận họ bị đè nén, bạn dám và biết cất lên tiếng nói của mình, một tiếng nói trí thức.
Không thể khác.
Nhất là khi cộng đồng bạn nằm trong khu vực ngoại vi, kém thế – từ thế đứng đến ngôn ngữ, bạn quyết dẹp bỏ mặc cảm nhỏ yếu, mang tinh thần phi tâm hóa hậu hiện đại vào cuộc.
Cham hết còn mặc cảm với Việt; Phan Rang không phải mặc cảm với Hà Nội, Sài Gòn; Việt Nam cắt đứt mặc cảm với Anh, Mỹ; Đông Nam Á dứt bỏ mặc cảm với thế giới…
Tự tin sống, làm việc và sáng tạo.
Phận sự của luận sư là đốt lên ngọn lửa, giữ lửa và truyền ngọn lửa ấy đến với tất cả.