Cộng đồng nào bất kì ở mỗi giai đoạn lịch sử luôn bị đặt trước câu hỏi lớn, mà sinh mệnh của nó tùy thuộc vào câu trả lời tương thích. Cộng đồng Cham sau đại khủng hoảng Minh Mạng – may mắn thay, luôn bật lên cá nhân hay nhóm người đáp ứng đúng điệu, qua đó hóa giải nút thắt của lịch sử dân tộc. Ở đó 3 chân kiềng chính:
Chân kiềng đầu tiên: Đó là hành động đáp ứng đòi hỏi thực tiễn cuộc sống;
Chân kiềng thứ hai: Lịch sử thành văn, là nhiệm vụ của nhà sử học dân tộc;
Cuối cùng là câu chuyện được kể xuyên thế hệ.
Lịch sử history là câu chuyện quá khứ được kể lại, bởi một hay một số kẻ đại diện cho cộng đồng nào đó. Dù là quá khứ của một dân tộc, một cộng đồng hay một cá nhân, đó chỉ là hi[s-]story, như cách chơi chữ của một tác giả phương Tây.
Năm 2017, ở bài viết dài: “Thông điệp cho Cham: Hôm qua, hôm nay và ngày mai”, tôi phân lịch sử cộng đồng Cham cận và hiện đại thành 3 giai đoạn: [1] Sống sót, [2] Tồn tại đầy bản sắc, và [3] Sáng tạo.
Sống sót thì đã, còn Lịch sử thành văn đã được các sử gia Pháp và Cham đảm nhiệm tốt, riêng Chuyện kể – là thứ làm nên hồn cốt dân tộc, thì thế nào?
Thập niên 1960, thế hệ tôi vẫn còn được nghe kể: Truyện cố, truyền thuyết, giai thoại vua chúa và nhất là lịch sử truyền khẩu Oral history. Ông kể cho cháu, cha kể cho con, anh kể cho em, cả các mẹ các chị cũng kể theo thể điệu khác.
Anh họ tôi Dương Tài Tin mới 9-10 tuổi đầu chẳng hạn, đã kể cho chúng tôi 5-6 tuổi khổi chuyện – trúng trật không cần biết, cuốn hút đáo để. Từ thời Thak Wa đến Hoàng triều Cương thổ, từ Bảo Đại qua Ngô Đình Diệm đến tận Nguyễn Văn Thiệu. Pháp đi và Mỹ đến. Bao biến thiên lịch sử, vậy mà môi trường tự nhiên và tâm thức cộng đồng gần như không đổi.
Tôi gọi đó là chuyện kể xuyên thế hệ.
Thời hiện đại thế nào? Môi trường, tâm thế và cách ứng phó chuyển đổi nhanh đến không kịp thở. Cả với cộng đồng Cham bé nhỏ. Câu chuyện bị đứt gẫy. Các bạn thế hệ mới lo cạnh tranh cho chân đứng trong quan trường, cạnh tranh nghiên cứu để có tiếng nói riêng, khoe ăn ngon mặc sang nhà đẹp, như… Việt!
Không vấn đề gì cả, câu hỏi là: đâu là câu chuyện?
Khi câu chuyện bị bỏ quên, hồn cốt dân tộc bị phai nhạt, tất cả mang nguy cơ dẫn về nghĩa trang kí ức.
Làm gì?
*
P.S.
[1] Tôi là Kẻ kể chuyện Cham Storyteller, từ tuổi 15 mãi đến hôm nay. Ở phần kết cuốn Văn học Cham-1994, tôi viết đại ý, rằng mình không làm khoa học, mà kể chuyện. Bằng tiểu thuyết và truyện ngắn, tùy bút và thơ, diễn thuyết và cả cái được gọi là nghiên cứu khoa học.
[2] Trích “Thông điệp cho Cham: Hôm qua, hôm nay và ngày mai”:
Thông điệp cho giai đoạn [1] Từ câu hỏi lớn của Glơng Anak. Cham cần sống sót.
Thông điệp cho giai đoạn [2] “Làng Cham ơn Bác” của Amư Nhân. Biết mình để tồn tại.
Thông điệp cho giai đoạn [3] Đặc san Tagalau. Nhập cuộc về hướng mở.
Cham hôm nay làm gì? 10 bài học từ dân tộc Do Thái:
1. Dân tộc luôn ghi nhớ lịch sử, 2. Trung thành với dân tộc, 3. Kinh Talmud là linh hồn của người Do Thái, 4. Trong gian khổ vẫn không ngừng tiến về phía trước, 5. Không đổ lỗi thất bại cho ngoại cảnh, 6. Đứng trên lập trường đối phương để xem xét vấn đề, 7. Coi trọng chữ tín là khởi đầu của mối quan hệ, 8. Đầu tư vào giáo dục là đầu tư có tầm nhìn xa nhất, 9. Hoài nghi là chìa khóa của việc học tập, 10. Vượt qua chính bản thân mình.