HẠNH PHÚC Ở ĐÂU?-1,2
Hạnh phúc trong công việc là tạo nên thành quả mà mình và người xung quanh cho là có giá trị, và vui với thành quả đó. Serie này không bàn về “hạnh phúc” theo kiểu sách học làm người, mà ở chiều kích khác…
*
Tút “Tôi là người hạnh phúc nhất?”, bạn văn tôi mừng pha chút ghen tị: Ông là người may mắn. Đúng, tôi từng nói: “May mắn luôn có mặt kịp thời”.
“Tôi là người hạnh phúc nhất?”, kêu thế giữa khốn khổ lan tràn khắp xung quanh, có là biểu hiện lệch pha hay nặng hơn – một sỉ nhục? – Không, bởi tôi đã từng rơi xuống tận cùng của tuyệt vọng, và chạm tới đáy khổ đau – ở tuổi 15, sau đó tôi đã trườn, trồi lên và vượt qua, để nhảy sang bờ bên kia của hạnh phúc. Nhưng tôi đâu có bỏ đi tuốt tuồn tuột, mà đã lên đò quay trở lại. Với sinh linh dưới đáy, và với Cham.
Dẫu sao tôi vẫn cứ là hạnh phúc nhất. Tôi thức nhận điều đó, và muốn nói nó lên. Tại sao phải giả vờ đau khổ ‘bbang ruup bbang pabhaap’ hành thân hoại thể cơ chứ!
Sau bài ấy là tút “Bà xã tôi cảm ơn… tôi”, ở đó tôi kể chữ nghĩa tôi được bà xã trân trọng. Bạn văn hơi ghen, bởi lẽ đó.
– Vợ con chả chú ý tí ti về văn chương mình, ông ơi – anh bạn than.
– Không sai, bởi bạn chưa tạo nên giá trị ở đó, chỉ riêng với họ cũng chưa – tôi nói.
– Này nhé, con người xoay quanh Tình, Tiếng, Tiền – tôi nói lí. Cứ lấy chữ nghĩa của Sara “có giá trị với bà xã” thế nào ra phân tích.
[1] Tình, trường ca “Quê hương” trong Tháp nắng-1996 đã động đến vùng sâu thẳm tâm khảm bà xã, bà đọc mà nước mắt cứ chực trào. Tùy bút Những cuộc đi & cái Nhà-2015 và Chakleng, Từ mảnh ghép kí ức-2021 khơi gợi vô số kí ức của bà. Không “cảm ơn” ông xã thì ai vào trồng khoai đất này!
[2] Tiếng, mình nổi tiếng thì rõ rồi. Nhà làm thổ cẩm, tiếng ấy đã quến khách hàng đến với Công ty TNHH Dệt may Thổ cẩm Inrahani, là cách đóng góp công điểm.
[3] Tiền, mình từng nói, Inrasara thuộc nhóm nhà văn có thể sống được bằng ngòi bút, bà xã miễn lo nuôi trí thức ăn hại. Đó là chưa kể mỗi giải thưởng là mỗi mình đưa hết cho bà. Không trân trọng ông Sara, mới lạ!
Ngưng cho bạn văn thở, tôi tiếp:
– Ba tiết mục đó tỏ rõ chữ nghĩa tôi có giá trị với vợ con. Còn bạn, theo chỗ mình hiểu – chưa đề cập đến chuyện tác phẩm hay dở, thành quả to hay nhỏ mà, bạn chưa làm được việc đó. Với người gần gũi, kể cả kẻ xung quanh.
– Vợ con không quan tâm đến văn chương bạn, không có gì là oan cả, – tôi kết.
Hạnh phúc-2. THẾ NÀO LÀ THÀNH CÔNG & THẤT BẠI ?
Từ đắc đạo Cham ở tuổi 15, tôi thức nhận sâu thẳm 3 điều lớn lao và cốt tủy Cham cần làm. Để tồn tại, nhớ mình là Cham, làm việc & sáng tạo. Nhưng rồi 2/3 thời gian lướt qua đời người, ngoảnh lại – gần như tôi đã lỡ mọi chuyến. Thế hệ sau tôi, ai có thể?…
+
Thành công là đạt được điều mình muốn. Xem tôi đạt và không đạt được cái gì nào? Hai năm trước, tôi có tút “Đời tôi là một chuỗi thất bại”, có bạn cho là vờ khiêm tốn. Bởi thực tế Việt Nam không nhiều nhà văn cùng thế hệ “thành công” như tôi, nhìn từ cả hai phía: đời và văn.
[1] Chữ nghĩa thành công, tôi viết đâu đó, chỉ là rủi ro. Nghiên cứu dễ, chịu khó xíu là được, phê bình mới khó, sáng tạo khó mươi lần hơn.
Nghiên cứu thành công, hết Giải thưởng CHCPI-Sorbonne đến Giải Phan Châu Trinh; phê bình, tôi ẵm hai giải: Hội đồng LLPB VHNT Trung ương và Văn đoàn Độc lập; sáng tác hai lần đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, sau đó là Giải SEA.Write. Sơ sơ thế.
Kêu rủi ro, bởi tôi muốn KHÁC, định mệnh đẩy tôi về hướng khác.
Dân tộc Cham sở hữu mênh mông câu chuyện, vậy mà cộng đồng ấy chưa nẩy ra nhà văn của mình để kể chúng cho thế giới. Nguyện làm một Cham Storyteller, năm 1990 tôi bắt đầu với tiểu thuyết sử thi Con đường Vô tận 9 tập. Đang ngon trớn, do thế buộc, tôi phải bỏ dở. Thất bại!
[2] Hoạt động xã hội, ngoài sáng lập Tagalau – đặc san chưa dân tộc thiểu số nào ở Việt Nam có – tôi còn làm nhiều việc cộng đồng được bà con “cảm ơn”, trong đó không ít vị nâng tầm tôi thành Nưbi!
Vậy mà tôi cứ là kẻ thất bại. Đâu là?
Cứu vãn tiếng Cham SỐNG – là dự án tôi bỏ tâm trí sớm và nhiều nhất.
Biết chữ Cham trước tuổi cắp sách đến trường, 14 tuổi: làm thơ, 18 tuổi: dạy, soạn từ điển, nghiên cứu và… nói. Thuở Pô-Klong, không chịu nổi mấy anh sinh viên về quê độn tiếng Việt thời thượng học đòi, thế là tôi quyết, từ nay phải nói ‘harat’ Cham. Tôi ý thức và làm, sau đó còn lôi các con [trừ bà xã] vào cuộc, dù cả nhà đang sống giữa đất Sài Gòn xung quanh toàn Việt.
Thế mà 40 năm đi qua, ngoảnh lại, ngoài kia sinh linh Cham ngày càng nói độn.
Thêm món thất bại.
[3] Cuối cùng là, Cham về đâu?
Con của loài người không có đất gối đầu, – Phúc Âm. Đâu là NHÀ của tôi?
Sau đại khủng hoảng cuối 1834, cộng đồng Cham trải qua ba giai đoạn: Sống sót trong tủi nhục, Ổn định và an phận, Phục hồi đầy bản sắc – là may mắn lớn! Giai đoạn thứ tư lẽ ra phải là Sáng tạo, nhưng không.
Thời hiện đại, thế giới đã thay đổi toàn triệt, trái đất trở thành một làng toàn cầu. Cham tiếp tục lưu lạc, xa hơn. Đâu là mảnh “đất gối đầu”? Nói khác đi, đâu là sách cầm tay, để Cham sống bất kì đâu vẫn là Cham với đầy Cham tính?
Tôi vẫn chưa viết được cuốn sách đó.
Có thể sẽ thất bại toàn tập không?!