Đắc đạo Cham, tôi làm gì?-13. TỪ GIỮA LÒNG CHAM, BIẾT & KỂ LẠI

Năm 1998, ngoài hành lang Hội thảo Văn học Tây Nguyên, đại diện báo Tiền Phong Hoàng Thiên Nga hỏi tôi:

– Nhà thơ khai thác được gì ở văn học Cham?

Hỏi, làm như văn học Cham là xác trâu cho diều hâu tôi sà đến rỉa rúc, trục lợi. Câu hỏi làm tôi hơi ngạc nhiên, trả lời tôi khiến nữ nhà báo ngạc nhiên không kém.

– Không gì cả, tôi nói: Tôi là đứa con của Đất, từ giữa lòng cộng đồng văn hóa ấy, trong dòng sông chữ nghĩa và văn chương ấy, bước ra và kể lại.

Văn chương khía cạnh nào đó là cách sống ở đời, là một tỏ thái độ và hối thúc tỏ thái độ. Có thể nó là một đối tượng nghiên cứu khoa học chẻ sợi tóc làm tư, nhưng điều trước tiên nó nhắm đến là qua nó, bạn có thái độ. Bạn học cách đi vào lòng nó với tất cả nhiệt tâm, thì nó mới tự mở phơi như một hiện thể chói lòa, bát ngát. Nó không là đối tượng cho trí thức háo lạ tìm đến bằng con mắt dòm ngó, soi mói vị lợi.

Văn chương Cham bàng bạc trong tâm hồn dân Cham. Nói như Chế Lan Viên, nhân loại còn đi xa nên nhân loại muốn có “thơ cầm tay”.

– Vậy đâu là tác phẩm cầm tay?

– Đó là Ariya Bini – Cam, Ariya Glơng Anak, Pauh CatwaiAriya Nau Ikak.

Từ bước vào thế giới chữ nghĩa, tôi hay bị mang ra so sánh với sinh linh Cham nào đó. Tôi nói không. Không phải tôi tài hay giỏi hơn, mà bất khả so sánh. Ai lại đi so đọ Ma Hời với con  người! Trong khi tôi là con Ma Hời Hậu hiện đại chính hiệu.

Từ khi mở mắt chào đời làm Cham, tôi đã biết. Ma Hời thường xuyên đến, kể chuyện Cham, tôi thâu thái vào mình tất cả. Và tôi kể. Bằng nhiều thể loại, hình thức, phương cách, giọng điệu khác nhau.

Không phải nghiên cứu chi chi, mà là KỂ. Như một Cham-Storyteller!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *