Đắc đạo Cham, tôi làm gì?-4. ƠN

Mùa Katê, mùa tạ ơn.

“Giúp người vài lần, tạ ơn đời vạn lần” [Lễ Tẩy trần tháng Tư-2002].

Hơn nửa đời hư, tôi nhận nhiều và cho đi cũng lắm. Cho đi, không bỏ được thói quen của dân kế toán, tôi lập hồ sơ, và… quên. Còn nhận, dẫu một chữ hay dù một đồng, tôi nhớ, và tạ ơn.

Nhận định điều gì không hay về Po Dharma, tôi không quên ơn anh lần đầu về Việt Nam đã biếu tôi 20usd, và dạy tôi phân biệt 2 chữ Cham và Champa [bây giờ thì dễ, chớ khi ấy dường không ai rạch ròi hai phạm trù này].

Với Trà Vigia còn hơn thế, tôi không quên ơn ‘yut’ đã tình nguyện làm cánh tay mặt của tôi suốt hành trình 14 năm Tagalau. “Của một đồng, công một lượng”, ông bà Việt nói. So với công lao ngoại hạng kia, các hỗ trợ tư liệu và tiền bạc của tôi không là gì cả!

Dẫu sao cũng có cá biệt. Một bạn tôi giúp cũng kha khá, rồi chỉ trao đổi qua lại trên mạng ảo, bị bí – bạn còm: “tiền bạc của ông giúp tôi có là gì”. Tôi trả lời: Bạn lạc đề rồi! Và bạn có thấy bao giờ và ở đâu tôi nhắc về vụ ơn ích đó không?

Mùa Katê, mùa tạ ơn.

Mỗi bận lai rai, rót giọt rượu đầu xuống [tạ Thần] đất, hình ảnh hiện ra trước tôi là bác Lâm Nài với chòm râu bạc và đầu hói – hình ảnh mang tính tượng trưng về Ban Biên soạn sách chữ Chăm. Tôi xem đó là thiêng liêng.

Lúc này, ba bạn Jaya, Xuân Bào và Phú Nhân Tâm đang đi vòng palei Cham Pangdurangga phỏng vấn và ghi hình về cựu thầy cô BBS. Ngay buổi đầu tiên, tôi kêu: chậm quá chậm, sau tôi mới hiểu ra.

Không chậm sao được, khi cô thì trang hoàng xong đâu đấy, mới vào cuộc nước mắt đã giọt vắn giọt dài, định thần rồi phải tút lại. Thầy thì rưng rưng không nói nên lời, bởi không ngờ sau 40 năm vẫn có người còn nhớ đến BBS, nhớ đến cá nhân mình. Và nhiều, thật nhiều nữa.

Hãy lui lại thời gian, và cần đến sự tưởng tượng để nhìn lại thởi buổi cả nước ăn độn 1978-1985, mà quý thầy gò lưng đạp xe hay cuốc bộ xuống Phan Rang làm việc, rôi đi qua các trường, mới thấy nỗ lực và sự HI SINH to lớn của quý thầy thế nào.

Nơi ấy và lúc này, bao nhiêu là nỗi đời, nỗi người.

Thế nên, dù ban đầu tôi định cái khung 3 câu hỏi chung cho mọi người thì nay, qua thực tiễn – đã đổi hẳn. Mỗi sinh linh là mỗi hỏi đáp khác nhau, thế mới là đời.

Phỏng vấn Inrasara, câu nói cuối của tôi:

‘Brei ka hu panôic ni kadha dêh dalam bhaap bini, tui dahlak Kawôm Twơk Twah patapak yau nan ghơh, siam. Pathar mưng bruk ngak halei jaang ô klah di kađoong kalek. Takiik, min hu.

Đôm nao hajiơng đôm vơk. Mik va Kawôm Twơk Twah ngak rilô bruk prong, ba siam mưkrư mai ka xap Cam jaang yau ilimô paraan Cam. Harei ni dahlak cong đôm tha xap prong tagôk piơh đwa apakaal graup gru.’

Cho dù có điều ong tiếng ve này nọ, theo tôi chuẩn hóa ‘Akhar thrah’ của BBS là tốt, là được. Dẫu sao, bất cứ việc gì cũng khó tránh khỏi thiếu khuyết. Ít, nhưng có… Nói đi cũng nên nói lại. Quý thầy cô BBS làm nên nhiều việc lớn, đóng góp vào phát triển tiếng Cham cũng như văn hóa Cham.

Hôm nay tôi muốn nói to lên tiếng TẠ ƠN đến tất cả.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *