[Sơ cấp, trung cấp & ngoại hạng]
Ở “Đắc đạo Cham, tôi làm gì?-1” tôi đã bàn về “nhẫn”, và phân “nhẫn” làm 3 cấp độ: Sơ cấp, Trung cấp và Ngoại hạng. ‘ƯN’ tiếng Cham có 2 nghĩa: Nhẫn [nhịn] và Nhường. Ở đó “nhường” thuộc cấp độ cao hơn, là “nhẫn” của bậc trí huệ. Bởi nó vô vị lợi. “Nhường” cũng có 3 cấp.
[1] Cấp Sơ yếu, tôi học từ cha. Chẹt gia đình tôi với láng giềng rộng hơn 2mét. Cha rào chắc, phải 5 năm mới thay một lần, còn bên kia “bở” mỗi năm là mỗi thay. Mỗi bận thay là mỗi bận nới ra nửa gang. Cứ thế…
Mẹ không phải tay vừa, 5 năm khi cha thay rào mới, vẫn in hàng lối cũ; rào dở chừng, cha ra ruộng, mẹ kêu anh Sửu đào cho nới ra một gang. Tối về, cha kêu anh em tôi dời về chỗ cũ: một tấc mà hơn ai – cha nói.
Nghĩa là cha biết nhường. Đó là bài học đời vỡ lòng của tôi.
[Sau này cha mất đi, anh em tôi tứ tán các nơi, mẹ cho xây thành – và như rất nhiều Cham khác: cho nới ra một gang. Để đến hôm nay chẹt ấy rộng chỉ còn 1,2mét!]
[2] Nhà nghiên cứu nọ viết phản biện tôi về văn học Cham đăng tạp chí, đọc thấy, tôi phớt lờ. Nhà ấy “tái bản” nó in trong công trình nghiên cứu của mình, tôi cho qua. Mãi lần ba khi bài đó được in trong công trình bự ở đó tôi là thành viên Ban tuyển chọn [lẽ nào để cái sai xuất hiện ngay trong nhà mình], thế buộc – tôi mới có bài “nói lại” trên tạp chí xưa ấy.
Đó mới chỉ là một trong những, bởi nhà này luôn rình tôi “sở hở” là “phản biện” đăng báo hay facebook. Tôi ngược lại: “sapa”. Mỗi một bận, tôi viết “phản biện” nhà ấy về cái sai đại to cồ, nhưng KHÔNG ĐĂNG BÁO, mà chỉ gửi cho đằng ấy tham khảo, để sửa sai khi tái bản [tôi gửi cho 4-5 bạn Cham khác đọc, lưu hồ sơ].
Một nhà nữa gây sự cố tày trời, bị Cham khui ra liền chối bay biến, ngược lại – còn tố giác tôi. Tôi im lặng, để rồi dăm năm sau mới làm cuộc khảo sát và viết nguyên bài 12 trang với đủ đầy tang chứng, gửi cho nhà ấy [dĩ nhiên 4-5 bạn nữa đọc lưu hồ sơ, như tôi từng].
Tôi gọi 3 vụ này là “nhường trung cấp”. Còn thế nào là “nhường ngoại hạng”?
[3] Một nhà căn cắp 100% tác phẩm tôi, thêm: ăn cắp 70% một tác phẩm khác cũng của tôi, mà có dừng lại đâu, còn liên tục viết, đăng các bài xuyên tạc tôi. Tôi im lặng suốt.
Mới đây dạy con về “Triết lí Nhường”, tôi có đem vụ này ra minh chứng, nó rất bực, la lên: Chuyện tày trời thế mà cei cho qua được, con không hiểu nữa!
Tôi đã “nhường” vì tôi biết nhìn rộng và xa hơn. Dẫu sao “ăn cắp” kia cũng phần nào có “lợi” cho Cham, về phần tôi thì mấy xuyên tạc ấy chả sứt mẻ gì – thì sao phải lấy làm điều.
Chuyện nữa, 40 năm trước [đã kể], hồi 25 tuổi – tôi muốn giao toàn bộ tư liệu văn học Cham cho yut Đảo, phần ngôn ngữ Cham cho em Hẳn. Để rănhr rang làm việc mà không sinh linh Cham nào có thể: Xây dựng bộ Tiểu thuyết sử thi và làm phận sự Luận sư Đạo ‘Ahiêr Awal’. Cạnh tranh với thế giới…
“Triết lí Nhường” của bậc thượng thừa, là vậy.