Urang Cham-29. DOHAMIDE VÀ DOROHIÊM

Tin từ facebook anh Ysa Cosiem, vào lúc 12:30 giờ Cali ngày 8-11-2021, Dohamide, nhà nghiên cứu và là đứa con ưu tú của dân tộc Cham vừa ra đi. Anh gốc Cham Châu Đốc, sinh năm 1934 tại Việt Nam, mất năm 2021 tại miền Nam California – Hoa Kỳ, hưởng thọ 87 tuổi.

Xin chia buồn cùng gia quyến và thân hữu.

Dohamide tốt nghiệp Đốc sự Học viện Quốc gia Hành chánh, Sài Gòn năm 1963, sau đó sang Mỹ tu nghiệp. Tốt nghiệp bằng MA về Chính trị học tại Đại học Kansas, Hoa Kỳ. Từng giữ chức vụ Tổng Giám đốc Cơ quan Tiếp vận Trung Ương VNCH. Sau 1975, học tập cải tạo hơn 10 năm, đến năm 1993 sang Hoa Kỳ theo chương trình HO.

Dohamide có người em luôn song hành cùng ông là DOROHIÊM, sinh năm 1937 tại Việt Nam, mất trước 2 năm tại miền Nam California hưởng thọ 82 tuổi. Năm 1960, tốt nghiệp Học viện Quốc gia Hành chánh và được Bộ Nội vụ VNCH cấp Sự vụ lệnh đi làm Quận trưởng quận Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Năm 1967 ông tốt nghiệp Đốc sự Học viện Quốc gia Hành chánh, Sài Gòn, và được cử giữ chức vụ Giám đốc Nha Phát triển. Ngoài ra, ông còn kiêm công việc như là một Thứ trưởng, Phụ tá Tổng trưởng Bộ Phát triển Sắc tộc, đại diện cho sắc tộc Champa đến ngày VNCH sụp đổ. Sau 1975, ông bị đi tù 13 năm và qua Mỹ theo chương trình HO.

Với Dohamide, tôi có vài kỉ niệm đặc biệt.

Vào Đệ Thất trường Pô-Klong, cuốn sách đầu tiên tôi đọc là Dân tộc Chàm lược sử. Không biết từ đâu nó rơi vào tay tôi, để tôi dính luôn vào nó. Ở nhà quê có đâu sách mà đọc, vậy là cứ nhai đi nhai lại đến thuộc lòng.

Năm 1992, vào Sài Gòn làm việc, tôi đạp xe qua gặp ngay anh. Lần nữa, trước khi qua Mỹ, anh mời tôi sang nhà. Anh kiệm lời, tôi thì ít nói, thế nên chúng tôi gần như không nói gì nhiều. Chỉ nhớ anh dặn tôi trau dồi sinh ngữ, văn hóa và lịch sử dân tộc, và gửi gắm tâm sự: Cần nhiều tấm lòng và thái độ hơn nữa để giúp hai bộ phận Cham [Đông và Tây] xích lại gần nhau.

Thời gian sau đó chúng tôi thường xuyên trao đổi sách vở, thư từ. Khoảng 2004 anh về Việt Nam ghé nhà tôi tại quận Tư, anh em hàn huyên chuyện tình cảm mà không gì khác. Tiếc, tôi đã không có lấy tấm ảnh chung [tôi cũng tiếc hệt vậy khi cả buổi ngồi huyên thuyên với sử gia Tạ Chí Đại Trường mà không nhờ cháu bấm máy, trong khi máy ảnh ở nhà sẵn đó!]

Đó là lần cuối chúng tôi gặp mặt nhau.

Dorohiêm thì khác, anh thường xuyên về Việt Nam. Về, anh mời tôi tô phở ở hẻm đường Huỳnh Văn Bánh nơi cư dân Cham sinh sống lâu năm. Anh mang cho tôi ba bản Bangsa Champa – Tìm về với một Cội nguồn Cách xa, tác phẩm mới của hai anh em.

Tôi muốn mượn lời Henri Miller để nói về công trình này: Đây không phải là tác phẩm, đụng đến nó là bạn đụng đến con người. Bangsa Champa nói lên đủ đầy con người Dohamide – Dorohiêm: Đứa con của Đất, yêu tha thiết quê hương, đau đáu nỗi niềm dân tộc, làm tất cả những gì có thể để mang quê hương đến với mỗi đứa con Cham, và mang Cham về hội lại một quê chung.  

Ở đó trong một chương, anh dành phác họa chân dung những đứa con của Cham mà anh coi là có đóng góp cho cộng đồng, dân tộc. Về tôi, xin trích đoạn:

“Đặc biệt nhứt và sáng chói nhứt, có thể nói là Inrasara, là một học giả say sưa dấn thân vào sự nghiệp nghiên cứu văn hóa Chăm được thể hiện qua văn học Chăm là công trình nghiên cứu xuất sắc, có giá trị lịch sử, nội dung soi rọi và khai thác một cách có hệ thống kho tàng văn học Champa từ lâu đã được một vài học giả Pháp quan tâm tìm hiểu nhưng chỉ mới tiếp cận được từng mảnh tản mác rời rạc. Công trình nghiên cứu văn học Chăm của Inrasara đã mang đến niềm tự hào chung cho Bangsa Champa.    

Độc đáo nhứt là Inrasara đã đơn thân độc mã hình thành và ấn hành tập san chuyên đề xuất bản định kỳ, lấy tên Tagalau. Đóng góp quý báu của Inrasara là đã làm cho tập san Tagalau thành một nơi gặp gỡ của các cây bút người Chăm từ những ngành nghề khác nhau, cùng chung một tâm huyết, thể hiện các suy tư đa dạng và nhận định độc đáo của mình xuất phát từ trong lòng xã hội Chăm.

… Inrasara, nhà thơ đồng thời là học giả trẻ người Chăm mà tiềm năng sáng tạo phong phú và cao sâu đang độ bừng lên trong dòng chánh lưu của xã hội Việt Nam đương thời…” (Dohamide & Dorohiêm, Bangsa Champa, Hoa Kì, 2004).

*

CẢM NHẬN BANGSA CHAMPA

[bài đã đăng trên Inrasara.com ngày 17-4-2005]

Khái niệm “cội nguồn” là một khái niệm khá mơ hồ. Nhất là với Cham – một cội nguồn cách xa. Có thể cách qua không gian và xa bởi thời gian. Không gian đó có thể là Phan Rang/ Phan Rí, Pangdurangga/ Châu Đốc, An Giang hay xa hơn: Việt Nam/ Hoa Kỳ, Pháp, Malaysia…

Thời gian đó có thể cả ngàn năm, một thế kỉ hay chỉ mới hôm qua, hôm kia. Biết đâu mà lần! Nhưng với Cham, “cách xa” thăm thẳm và vời vợi hơn có lẽ chỉ là xa cách trong lòng người, giữa hồn người. Một xa cách hầu như không thể lấp. Thương thay!

Vậy là có đứa con Cham, tự ý thức được nỗi cách xa ấy, thử và quyết lên đường. Tìm về cội nguồn. Một lên đường đơn độc. Tư liệu: không, học vị khoa bảng: không, nhìn ra bốn bề xung quanh: không.

Glơng anak linhaiy likuk jang o hu

Nhìn trước ngó sau chẳng thấy ai người

                                 (Ariya Glơng Anak).

Mục tiêu xa như muốn làm mất hút. Nhưng chàng thanh niên ấy đã ra đi. Bằng lòng tin, tay trắng và tâm thành. Hãy nghe đứa con ấy bộc bạch:

“Đi từ những day dứt từ thuở thiếu thời của một trong vài người Chăm đầu tiên được đi học trường phổ thông tại Việt Nam vào thời điểm các thôn ấp người Chăm vẫn còn khép kín, cách biệt với xã hội Việt bên ngoài, và trên cơ sở hành trang hiểu biết về “bangsa” do bản thân tiếp thu được không qua trường lớp, chúng tôi muốn đóng góp soi sáng vấn đề qua các bước đường đã đi qua, tạo thành một cuộc hành trình quay về với cội nguồn dân tộc Champa, nhân đó, cùng trao đổi các thông tin thu thập được về cội nguồn này trên cương vị là người Chăm.”

Hành trình đi tìm nguồn cội là hành trình ngược về nguồn. Từ nửa vòng trái đất, trong một đất nước giàu sang, ông tìm về nơi chôn nhau cắt rốn ông, dừng chân tại thành phố nuôi dưỡng tâm chí ông thời trẻ, rồi ngược về miền đất được xem là cái nôi của văn hóa Champa xưa, hôm nay là miền đất Pangdurangga nắng gió, nơi bà con anh em ông vẫn còn miệt mài bám đất bám làng. Hành trình gian nan nhưng đầy xúc động, lôi cuốn.

Qua những chặng đường tâm tư ấy, ông vẽ lại chân dung xã hội và con người Cham, hôm qua và hôm nay. Những tên đất, tên làng, tên con người vô danh hoặc ít nhiều được biết đến, đang làm nên cộng đồng này. Với những tiểu tiết gần như rất đời thường, những con người sinh hoạt rất bình thường. Bình thường đến tầm thường, nhưng chính nó đã làm nên cái vĩ đại của cuộc sống.

Tôi gọi cuộc “tìm về với một cội nguồn cách xa” của Dohamide và Dorohiêm là một hành trình tâm tư. Nên đừng trách ông chỉ ngợi ca mà không bình luận. Có đứa con nào bao nhiêu năm xa cách nay trở về quê hương lại đi chê [dẫu nhẹ] cha mẹ hay anh em bà con xóm giềng đâu chứ! Cũng không nên trách, đứa con ấy đã quên người này, bỏ sót khuôn mặt nọ trong kí ức mình.

Và, không thể không nói thêm, dù tác phẩm được viết như là bút kí, nhưng không phải vì vậy mà nó đánh mất sự nghiêm xác khoa học. Hơn thế, những ngồn ngộn chi tiết xã hội được tìm thấy trong cuốn sách chắc chắn sẽ là cứ liệu ban đầu rất đắc cho các công trình khoa học mang tính hàn lâm.

Từ Dân tộc Chàm lược sử đến Bangsa Champa là cuộc hành trình dài dặc. Cuộc đi không chủ ở nơi đến mà đặt nặng ở cách đi. Hai anh em đã vượt qua được vời vợi không gian, xa xăm thời gian; quan trọng hơn, hai đứa con Cham ấy đã vượt qua hố thẳm cách ngăn của lòng người: khoảng cách của đức tin tôn giáo, ý hệ chính trị, định kiến xã hội, ngôn ngữ và tri thức… Và, may mắn thay họ thoáng thấy khoảng sáng của cội nguồn Bangsa Champa. Thấy và, chỉ cho mọi người cùng thấy.

______

Tác phẩm này đã được anh gửi gấm cho Ysa Cosiem “đảm trách thực hiện phổ biến nội dung tập sách trên các mạng xã hội qua dạng Adobe PDF (Portable Document Format) và tôi đã hoàn thành việc chuyển sang dạng PDF vào tháng Tư năm 2018. Tuy nhiên tôi chưa đăng toàn bộ, mà chỉ vài chương trong quyển sách.

Nay được tin ông mất, tôi nghĩ đây chính là lúc mà tôi phải hoàn thành ước nguyện của ông. Quý vị có thể tải quyển sách này về để đọc và tham khảo!” (Ysa Cosiem, facebook, 11-8-2021).

__________

Năm 2009, viết loạt bài cho cuốn sách URANG CHAM, về anh em Dohamide – Dorohiêm, tôi muốn làm khác: phỏng vấn. Tiếc – lại tiếc, anh từ chối khéo, rằng “Sara nhận xét về anh thế nào thì cứ viết theo cảm nhận của em đi. Cảm ơn em nhiều lắm. Gắng lên”.

Dù chưa toại nguyện, nhưng với sự khiêm cung của anh, tôi vui lòng thuận theo ý anh. Sau đây là 5 câu hỏi dang dở.

1. Xin thú thật với anh rằng, với tâm hồn ngây thơ của tuổi trẻ, thế hệ lứa chúng tôi thuở Pô-Klong đã đọc Dân tộc Chàm lược sử với niềm thích thú vô bờ. Riêng cá nhân tôi đã đọc đi đọc lại nó không biết bao nhiêu lần nữa. Tôi coi tác phẩm vừa như ngõ vào văn hóa – lịch sử vừa là một gợi hứng thúc đẩy mình vào con đường nghiên cứu Cham.

Xin anh cho biết động lực nào khiến anh nghiên cứu văn hóa Cham? Và tại sao anh chọn đề tài gai góc như thế để khởi động?

2. Mục tiêu chính nghiên cứu của hai anh thì rõ rồi. Dĩ nhiên tác phẩm đầu tay thì không thể đòi hỏi hoàn chỉnh, nhất là tình trạng thiếu thốn mọi bề về tài liệu liên quan đến đề tài rộng lớn ấy. Được biết sau khi chuyển qua số ở Hoa Kỳ,anh đã xuất bản cuốn sách mới đầy tâm huyết, là Bangsa Champa. Anh muốn nói gì thêm về cuốn sách tâm huyết này, những gì đằng sau trang văn?

3. Anh đã rất minh bạch về Bangsa và Ugama, một quan niệm lành mạnh và đầy tính nhân văn. Theo tôi chỉ khi nào giải quyết được vấn đề này, sinh linh Cham các khu vực và tôn giáo khác nhau mới có thể ngồi lại với nhau. Anh có đồng ý như thế không, thưa anh?

4. Một câu hỏi liên quan đến cá nhân, nhưng đây cũng là vấn đề chung của giới nghiên cứu. Xin cho biết, khởi đầu nghiên cứu anh có nhận được sự giúp đỡ nào và từ ai không?

5. Anh có kế hoạch nào trong tương lai sắp tới? Xin cho biết thêm quan niệm của mình về nghiên cứu văn hóa Cham hiện nay. Riêng thế hệ mới, theo anh họ cần và nên làm gì để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về dân tộc và văn hóa dân tộc mình sâu rộng hơn?

Swattik sidhik… Bình an cho tất cả mọi người!

Sàigòn, ngày 17.04.2005.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *