[hay. Trời biển ơi!]
Hôm nay, đại bộ phận sinh linh Cham có học nhìn không vượt qua hàng rào nhà mình, làng mình. Để mãi kèn cựa, theo thể điệu Kwik Kwak. Nhân loại đi tận đâu đâu, chả biết; thế giới sáng tạo với phát kiến bao nhiêu thứ, chả hay, mỗi ta giỏi ‘Akhar thrah’ rành Xakawi hay thơ khá hơn thằng bên cạnh, là đủ rung đùi.
Đó là ta đứt mạch truyền thống ông bà xưa. Hay ở đây, chưa đắc đạo Cham.
Tinh thần phiêu lưu là truyền thống Cham. Một “tư duy biển lớn” thể hiện qua bao cuộc viễn dương, dựng nên nền hải sử Champa và văn hóa biển Cham dài và sâu, từ thứ V đến thế kỉ thứ XV, để sau đó nhà Nguyễn [và Việt Nam hôm nay] tiếp nhận. Không lạ, sử gia Tạ Chí Đại Trường cho “ý thức đại dương ĐẾN MUỘN trong đầu óc người Việt”. Và một nhà nghiên cứu khác nhấn: Tâm lí người Việt là sợ biển.
Truyền thống viễn dương và tâm lí yêu biển của Cham biểu hiện ngay trong ngôn ngữ bình dân và cuộc sống ngày thường nơi người dân quê ít chữ.
Thuở bé, hai bà bạn thân là mẹ tôi và bà Hai Mót – bà mẹ người Việt quê Hải Chữ qua Chakleng được bà con cho ở nhờ mở quán cạnh nhà tôi, la chị Mót, bà kêu: trời đất ơi, thì có ngay bên này hàng rào, mẹ tôi la chị Hám: trời biển ơi (Lingiik tathiik lơy).
Người Việt nhìn lên thấy trời, cúi xuống thấy đất; Cham thì khác, dưới chân họ là mênh mông biển nước. Cham có làm ruộng (đất), nhưng đó là cánh đồng miền Trung nhỏ hẹp bốn mùa hanh gió. Tổ tiên Cham xưa chủ yếu sống bằng nghề biển, nhờ biển và với biển. Họ kêu trời kêu biển (Êw lingiik êw tathiik) chứ không phải “la trời la đất” như người Việt. Cũng vậy, Cham nói “Mưa tối trời tối biển” (Hajaan xuup lingiik xuup tathiik) khác với người Việt là: Mưa tối mù trời đất.
Hẹn giờ giấc lên rừng lấy củi, Cham nói: Tuk ia tathiik điik – Lúc thủy triều lên (khoảng 1 giờ sáng). Để chỉ kẻ “nói thánh nói tướng”, Cham vận đến “biển” với thành ngữ Đôm ngok lingiik ngok tathiik – Nói trên trời dưới biển. Gặp thế bí hay đường cùng, ông bà cũng lấy “biển” ra mà ví: Var glai yau ralai di krưh tathiik – Quẩn trí cùng đường như thân ralai giữa biển khơi.
Nghĩa là biển tràn ngập đời sống, văn chương và ngôn ngữ Cham.
Lối sống khác, lối nghĩ khác làm nên lối nói khác, là chuyện bình thường.
Hai thế kỉ qua, Cham không còn làm nghề biển nữa, nhưng biển vẫn còn sống trong đời sống và tâm thức Cham.
Ai, các bạn trẻ Cham thế hệ hôm nay dám nghĩ, làm và dám chết:
‘Mưtai di kroong, mưtai di tathiik/ Thei mưtai di danao kabao mư-iik takai palei’:
Chết nơi biển cả sông sâu/ Ai đâu lại chết vũng trâu ven làng.