Tôi. YÊU – HỖ TRỢ – ‘AKHAR THRAH’ & THÀNH CÔNG BUỒN

Khi ta thực sự yêu – không phải yêu ta, không phải yêu cái biết CỦA ta, mà là yêu chính CÁI BIẾT; khi ta “nhập cuộc về hướng Mở”, nghĩa là ta mang tinh thần hóa giải và hòa giải vào cuộc, thì sự sự sẽ trở nên dễ dàng.

1. Chuyện văn chương

Chủ trì Cà-phê thứ Bảy Văn học về phê bình năm 2020, một chị lục tuần rất trí thức đến dự. Cuối buổi, chị nói, thực lòng rất mực:

– Nghe Inrasara vai vế trong Hội Nhà văn, tôi đến để xem ông “làm màu” thế nào, rốt cùng không phải thế.

Chị biết tôi “làm to” ở Hội Nhà văn, ở Hội VHNT-DTTS nữa; chị nghe nói: trên các diễn đàn tôi hay phản biện; và chị nghĩ: Inrasara được Nhà nước dựng lên làm màu, kiểu Đại biểu Quốc hội. Chị đến, và vỡ ra: Chuyện ngó vậy mà hổng phải vậy.

Tôi mời chị đọc tham khảo: “Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ, tôi đã làm gì?”

Trại Sáng tác Vũng Tàu 2015, hai bạn văn ở bàn khác hết phê phán đến mỉa mai Tân hình thức, vài bận tôi gợi ý mời qua bàn tôi, bạn không qua. Chống Tân hình thức mà chả cần biết nó xanh đỏ ra sao. Lại nghĩ dại tôi phe Tân hình thức!

Nghe nói, nghĩ đầy định kiến, nếu không gặp mặt trao đổi thì ta mãi sống với định kiến của ta. Người nữ trí thức trên đã đến, bạn văn này thì không. Chắc chắn bạn sẽ mãi sống với “nghe nói và nghĩ đầy định kiến” về Tân hình thức của mình.

2. Chuyện Cham

Biên soạn Từ điển Chăm – Việt ở Đại học, tin đồn “thằng Trạm làm sai hết” tràn khắp. Hội nghị Góp ý Từ điển mở ra tại Phan Rang. Hội thảo theo tinh thần MỞ: Một buổi bà con hỏi trực tiếp, một buổi tôi trả lời, cũng trực tiếp nốt trước bá quan văn võ.

Nếu không có hội thảo kia cho tôi hóa giải và hòa giải, thì làm gì Từ điển được chào đời. Mọi mọi Cham hẳn sẽ sống trong định kiến với tin thất thiệt “thằng Trạm làm sai hết”. Hỏi có oan cho tôi và thiệt thòi cho Cham không?

Phong trào chống ‘Akhar thrah’ của Ban Biên soạn sách chữ Chăm nổi lên, tôi gợi ý mọi người đến. Vài người đến – qua mươi phút, đâu vào đấy. Không ít bạn – dù mến cei Sara, nghĩ tôi phe BBS, né tránh.

Bạn sợ cái biết lâu nay của mình bị đặt lên bàn cân, bạn mất thăng bằng. Đó là bạn yêu mình, yêu cái biết [sở tri] của mình, chứ không thực sự yêu ‘Akhar thrah’, yêu chính cái biết.

Tôi ngược lại, không cần ai mời, tôi tìm đến. Tuổi 13-14 tôi tìm đến Thiên Sanh Cảnh, 22 tuổi: Châu Văn Mỗ, 30 tuổi: Lưu Quang Sang, đến tuổi 60 tôi còn tìm tận tư gia bà Les Kosem bên Cambodia ở lại dài ngày… để hỏi, cho ra lẽ.

Hệt nhân vật chính của Kinh Hoa Nghiêm làm kẻ “Thiện tri thức” Yêu cái Biết, đúng nghĩa!

Anh bạn thân của tôi, sau lưng tôi, rượu bia vào là chê tôi này nọ, như thật. Ừ, chả sao cả, chê thôi mà. Không dừng ở đó, anh dấn thêm một cấp: xuyên tạc. Mấy bận anh em gặp mặt, tôi nói vui:

– Bữa nay ta cà-phê, không bia bọt gì cả, ta tỉnh táo bàn về nó nhé.

– Chuyện nhỏ, – bạn kêu.

Nhưng rồi chuyện nhỏ ấy cứ tiếp tục chương trình. Tôi nhắc vài lần không nghe, thôi thì đôi ta song ca bài “Chia tay mùa Thu” ở đây, nhé.    

3. Chuyện hỗ trợ

Khởi động mùa hỗ trợ này, ba người thân của tôi một hai “Sara đừng làm, phiền ghê lắm, họ sẽ bám cei như đỉa đó”. Thêm vài bạn văn Việt truyền cho kinh nghiệm xương máu: “Em mới làm sơ sơ thôi mà chịu không thấu đã chạy làng, em nghĩ nếu anh có thì cho chớ đừng làm”.

Tôi cứ bưởng bỉnh: LÀM.

Yêu, hiểu biết, có kĩ năng, công bằng, hết mình và tới cùng – là việc thành.

Tôi đã: Tìm đồng đội giúp sức, viết tút thông tin, chat tìm hiểu, call-video xác minh… rồi công khai tài chính, cập nhật danh sách… rồi ôn tồn giải thích, khích lệ, cả năn nỉ… Xong cuộc, tôi vẫn tiếp tục kiên nhẫn “trả lời bạn đọc” các nơi, nghe lời than thở, lại giải thích, khuyến khích.

Làm thế không thành công, mới lạ. Nhưng đó là thành công buồn, bởi còn quá nhiều mảnh đời Cham cơ khổ cần giúp, mà túi Mạnh thường quân ta không dày, sức mình thì có hạn.

Henri Miller: Nếu chúng ta không học nhìn chúng ta như kẻ khác nhìn chúng ta thì vết thương sẽ không bao giờ được lành, và chúng ta đời đời chịu sống trong phân li và chia cách.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *