Sinh nhật trắng. LÀM GÌ Ở CÕI TẠM?

Phạm Thiên Thư:

Mai sau xuống ngựa cuồng ca

Phủi tay ném hết ngọc ngà trên yên.

Trường ca Ariya Nau Ikak:

Kau nao thaang kau min juuk phiik

Kloh thun ikak thaang thei thei wơk:

“Anh về cố quận tình ơi/ Chuyến buôn đã mãn nhà ai nấy về”.

Ừ, đâu cũng nghĩ thế. Cuộc đời là cõi tạm, là quán trọ, con người là lữ khách ghé chân chốc lát, rồi đi – vĩnh viễn. Đi đâu?

Chúa hứa chắc nịch: Nước của con ở trên trời. Ali cũng thế, với Um Murup: Nhà của con ‘pak akhirah’ nơi thiên đường. Nước Chúa hay Thiên đường đâu chả biết, mơ mơ hồ hồ vậy thôi mà cuốn vô số sinh linh sống chết cho nó. Mấy ngàn năm qua. Cham thực tế và cụ thể hơn: Chuyến buôn mãn, ‘nao tom muk kei’ “về với Ông bà” trong ‘Kut’ hay ‘Ghur’ nơi ta nhìn thấy ngày qua ngày, để còn vui vẻ chăm sóc.

Nhân loại Đông sang Tây, từ dân cày đến nhà tư tưởng tầm cao, cuộc đời vẫn là CÕI TẠM. Câu hỏi:

– Ở cõi tạm kia, hay suốt chuyến buôn ấy, ta làm gì?

Như tín đồ thuần thành: Lo làm ăn, sống thiện chờ ngày vào nước Chúa? Hoặc chẳng cần nỗ lực học tập, nghĩ ngợi sáng tạo chi chi, cả ngày quỳ lạy đấng tối cao cầu được lên thiên đường, hưởng lạc thú đời đời?

Còn bộ phận phàm tục…

Phần tạo công danh [“Không công danh thà nát với cỏ cây” – Nguyễn Công Trứ], mà danh thì sao? Nghiên cứu nổi tiếng cỡ Toynbee là hết nước, rốt cùng đã chịu nằm ở phần “thư mục tham khảo”! Còn văn giới, rền tiếng như Shakespeare rồi cũng bị thế hệ sau mang ra chẻ sợi tóc làm tư, chớ tầm chúng ta may lắm mới được cho ngồi ghế xúp hay ở trong dấu ba chấm […] của văn học sử. Mà văn học sử kia chắc chi đã tồn tại muôn năm.

Phần lo làm giàu. Rồi tới đâu?

Ông bạn quan tham kia ăn của dân xong dzọt qua Mỹ, ở villa cao cấp tưởng ngon để rồi cả phần đời còn lại thui thủi một mình. Anh Cham danh giá nọ tật tham không chừa, về hưu cũng nhà lầu xe hơi để bị ghẻ lạnh đến không dám ngó thẳng mặt ai, hiu hắt quá một đời thừa.

Làm gì, nơi cõi tạm – là câu hỏi cốt tử! Hoelderlin:

Giàu sang công danh sự nghiệp

nhưng

con người cư lưu thơ mộng trên mặt đất này

Nghĩa là, nói như Bùi Giáng: Biết nhập cuộc chịu chơi. Thế nào là chơi NHƯ LÀ chơi? Vụ này chả ai khờ đi dạy ai. Phật, Chúa, Khổng cũng không. Chính ta gánh vác và trách nhiệm đời ta, CHƠI TRÒ CHƠI CỦA TA.

Phần tôi, TẠ ƠN trời đất [“quỳ gối trước mặt trời thức giấc mỗi sớm mai”], tạ ơn Tổ tiên, và nhập cuộc chịu chơi. Tôi chơi thế nào và đã làm được gì?

Không Đại học, không Đảng viên, không chức vụ, trắng tay và trắng hồn…

tôi ngồi vai Trưởng Ban LLPB Hội DTTS và tôi Chủ tịch Hội đồng Thơ HNVVN,

tôi “Nhân vật Văn hóa” năm 2005 và tôi “Nghệ sĩ tiêu biểu” năm 2005, tôi 1@300 Nhân vật Việt Nam thế kỉ XX, 1@9 Nhân vật nổi tiếng Ninh Thuận và tôi “Danh nhân” thị trấn Phước Dân,

tôi mở web Inrasara.com, lập Tagalau, in 36 tác phẩm và tôi 20 giải thưởng lớn bé,

trăm bài báo, mươi luận văn luận án, vài chục phim riêng về tôi và tác phẩm tôi…

Mọi mọi dấu vết ấy đủ dựng nên bảo tàng! Rồi sao nữa?!

Tô Thùy Yên:

Như ta đứng nhìn kiêu hãnh xót xa

Chính bản thân ta trong viện bảo tàng

Câu thơ tuổi 30 của thi sĩ tài hoa ấy đọc mà rùng mình. Ta nổi tiếng và ta bảo tàng. Ta bảo tàng để rồi ta hư mất.

Chúng ta đến

chúng ta đi

và chúng ta bị quên lãng.

Thế nên dẫu biết là quán trọ, là chuyến buôn, là cõi tạm – ta vẫn sống, yêu, nỗ lực và tạ ơn. Để cuối cùng ta ném hết bao “ngọc ngà trên yên”, để đi về miền không biết – nhẹ nhõm.

Chính là ý nghĩa của vô nghĩa.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *