CĐCB đối thoại với Inrasara, bài-3 và 4

Bài-3. CÓ PHẢI BÀ-NI LÀM SAI BÀI?

[Trả lời 3 câu hỏi có liên quan với nhau]

1. Như nhà thơ nói, chữ ‘Bani’ xuất xứ từ Ả Rập, và “Tôn giáo Bà-ni” cũng từ Hồi giáo mà ra. Vậy tại sao không gọi là “Hồi giáo Bà-ni”, mà phải là Bà-ni?

Phát ngôn tự thú mình biết một mà chưa biết hai, càng chưa biết ba. Hỏi chớ Tin Lành, Islam từ đâu mà ra? Chẳng phải chung tổ phụ Abraham sao?

Chẳng có gì nẩy ra từ hư vô cả, tư tưởng tôn giáo cũng không khác. Luôn tiếp thu, vay mượn nhau rồi sáng tạo và làm khác, để thành của mình. Do Thái giáo, Công giáo, Chính Thống giáo, Islam, Tin Lành… tồn tại cả khối dấu vết đậm nhạt liên quan với nhau – mỗi tôn giáo ấy vẫn có tên gọi riêng.

Cộng đồng Cham Bà-ni cũng đã có TÊN GỌI RIÊNG dành cho mình: Tôn giáo Bà-ni. Còn các nhà “nghiên cứu” cố truy tìm dấu vết Hồi giáo trong Bà-ni Cham, để quy kết rằng Bà-ni là Hồi giáo hay một nhánh Hồi giáo, là chưa biết ba!

2. “Chưa biết ba” là sao, nhà thơ có thể nói rõ hơn…

Chưa biết Kinh Qur’an nhận ảnh hưởng gì từ Kinh Thánh Hebrew của Do Thái giáo, chưa biết Pô Rômê đã hóa giải Islam thành Bà-ni như thế nào.

3. Có người bảo do Champa mất nước, ‘Halau janưng’ Bà-ni xa rời thế giới Ả Rập nên đã hiểu và thực hành sai giáo luật Islam

Bà-ni là sáng tạo vô cùng độc đáo của Đức vua Pô Rômê. Muốn biết độc đáo ra sao, cần xét đến 4 điểm quan yếu:

[1] Pô Rômê là Cham Bà-la-môn [chứng tích ‘klong’ Pô ở tháp Pô Rômê và nhà Bà Thềm] lấy công chúa con Pô Mưh Taha là Islam.

[2] Vương quốc loạn lạc, dân tình bị chia xé bởi xung đột tôn giáo Bà-la-môn và Islam [xem Akayet Um Mưrup], ngài thân chinh qua Kelentan học đạo.

Lẽ nào ngài qua tận Malaysia học Kura-ưn để về nước làm đúng theo giáo luật Islam! Thế càng làm cho tình hình trầm trọng thêm, là gì – Vô ích.

[chứng tích: sau đó ngài cho dựng ‘Kut’, xây tháp…]

[3] Ngài đã hóa giải Islam thành Bà-ni [xem bài 4] và hòa giải với Bà-la-môn thành Tôn giáo ‘Ahiêr Awal’ rất đặc thù Cham [xem bài 5]. Qua đó hai hệ phái tôn giáo này hợp lực tạo nên triều đại lớn cuối cùng của Champa.

[4] Pô Rômê là anh tài, ngài không thể hiểu sai Kinh Qur’an để hành lễ sai được. Ngài đã CỐ Ý LÀM KHÁC. Đó là truyền thống rất… Cham.

Cứ xem Bà-la-môn Cham làm khác Bà-la-môn chính thống bên Ấn Độ cũng đủ thấy. Bà-ni khác Islam đã đành, còn tiến thêm bước thứ hai: hòa giải với Bà-la-môn Cham để khác đến vô cùng!

Khác để thành thứ TÔN GIÁO DÂN TỘC!

CĐCB đối thoại với Inrasara, bài-4

BÀ-NI CÓ LÀ ĐỘC THẦN?

[Trả lời 3 câu hỏi có liên quan với nhau]

1. Nhà thơ hay nói đến giáo chủ Pô Rômê, khoan nói đến chuyện “giáo chủ” xin hỏi Ngài hóa giải Islam như thế nào?

Tuyên rằng do người Bà-ni thực hiện sai giáo lí Islam, thêm trong thời gian dài không được tiếp xúc với thế giới Hồi giáo, thế nên đã thành tệ hại như hôm nay. Chuyện như đùa!

Này nhé, vừa lên ngôi vua, để hiểu Islam, Pô Rômê thân hành viễn dương qua Kelantan học đạo. Hiểu sâu thẳm, mới có thể thuyết phục hai bên tín đồ. Hiểu rốt ráo, mới có thể hóa giải và hòa giải.  

Xin lặp lại: Để dựng nên ngôi nhà Islam, cần đến 5 trụ cột, là: Chahada, Salat, Ramadan, Zakat và Hadj. Cả năm đều bị người Bà-ni biến tấu hay thay mới, hoặc làm khác đi. Làm khác đầy chủ động, chứ không phải không hiểu mà làm bừa.

Bên cạnh đức tin vào Aulwah, người Bà-ni còn thờ phụng vô số vị thần Yang khác. Cham Bà-ni không còn nhớ đến việc hành hương La Mecque. Việc cầu nguyện mỗi ngày, ăn chay vào tháng Chín và bố thí chỉ được thực hiện vào mùa Ramưwan chỉ dành cho giới tu sĩ. Ảnh hưởng nặng chế độ mẫu hệ nên đặt karơh trên katat. Đám cưới, đám tang hoàn toàn  theo họ mẹ.

Đây có lẽ là ca độc đáo trên thế giới!

Đó chính là công lao to lớn nhất của Đức vua Pô Rômê.

Khác biệt nền tảng của nền tảng của Cham Bà-ni so với Islam, chính là người Bà-ni đa thần. Nói Bà-ni độc thần là không hiểu tôn giáo Cham, hoàn toàn thiếu thực tiễn sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng Cham. Đa thần, là tối kị đối với tôn giáo độc thần là Islam. Không một Muslim nào chấp nhận một tín đồ như thế trong đạo của mình.

2. Nhà nghiên cứu có thể nói thêm về Bà-ni là tôn giáo đa thần…

Không chỉ Bà-la-môn, Bà-ni cũng là tôn giáo đa thần. Nói chung ‘Ahiêr Awal’ là tôn giáo đa thần. Cham thờ phượng 5 hệ Thần Yang khác nhau.

Cham thờ phụng Đấng tối cao Aulwah, thờ các vị Thần Bà-la-môn và các vị thánh Islam, các vị vua thần, cạnh đó bà con Cham còn thờ Muk kei Ông bà tổ tiên và các Yang tiền tôn giáo nữa.

Dẫu sao nhìn kĩ hơn, ta thấy các thần thuộc Ấn giáo như Shiva, Vishnu, các đấng, các vị trong Islam như Allah, Mohammad xuất hiện khá mờ nhạt trong tâm thức lẫn nghi lễ. Cả các Yang tiền tôn giáo: Pô Bhum, Patau Ging… cũng thế.

Cham Bà-ni và Cham Bà-la-môn thờ phượng nổi trội lên là PÔ YANG: Pô Inư Nưgar, Pô Klong Girai, Pô Rômê, Pô Riyak, Nai Tangya… là các vị vua, anh hùng liệt nữ được thần hóa. Tiếp đến là MUK KEI Ông bà tổ tiên.

‘Ahiêr Awal’ đích thị là tôn giáo dân tộc: Tôn giáo Cham.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *