Câu chuyện Cham-92. CHAM & CHUYỆN PHÁT HIỆN ĐỀ TÀI

Vừa qua, The British Council/ Hội đồng Anh thông tin mời bà con Cham đăng kí đề tài dự án Di sản Kết nối tại Ninh Thuận. Mục tiêu cụ thể:

– Giúp cộng đồng hiểu giá trị di sản văn hóa,

– Cộng đồng được hưởng lợi từ việc bảo tồn văn hóa ấy, từ đó

– Mang lại sự phát triển bền vững và đồng đều trong lĩnh vực di sản.

Rất thực tế! Nhất là ở TÍNH BỀN VỮNG mà thành quả làm nên bộ phận VĂN HÓA SỐNG giữa cộng đồng chứ không là nghiên cứu để cất thư viện.

Ở đây, ta có 3 cái được: Điều kiện ban đầu để làm việc; có chuyên gia chỉ dẫn, hỗ trợ; bà con được hưởng thành quả, và mình vui.

Vậy mà sau mươi ngày thông báo, người đăng kí khá ít, đề tài chưa phong phú. Trong khi Cham có vô số điều cần làm, và làm sớm.

Được Hội đồng mời “tư vấn cho các hoạt động của dự án tại Ninh Thuận” – muốn anh chị em biết Cham muốn gì, mình đáp ứng thế nào hiệu quả nhất có thể, ban đầu tôi sắm vai bàng quan.

Lâu nay ta cứ ham làm “nghiên cứu” mà không chú ý đến thực tiễn đời sống văn hóa xung quanh đang chết dần chết mòn. Về loài nghiên cứu này, ở một hội thảo, tôi phê bình Hội VNDG rằng ta là bộ sử thi Tây Nguyên 62 tập 60.000 trang, in giấy đẹp bìa cứng dày cộm. Để làm gì chả biết, khi bà con Êđê, Jơrai… không có miếng nào trong nhà để đọc. Đó là thứ DI SẢN CHẾT!

Tôi cũng từng nghiên cứu, từng có “công trình khoa học”, tuy nhiên cái làm tôi khoái nhất là ra được ấn phẩm nhỏ THẢ DIỀU XỨ NẮNG Kim Đồng in 64 trang giá bán 3.000đ. Nó không chỉ cho trẻ con mà cả người lớn biết câu chuyện về mảnh đất mình đang sống.

Nhà văn hậu hiện đại, lưu giữ kí ức dân tộc, là vậy.

Về đề tài văn hóa Cham, mời bà con đọc lại bài cũ:

Dăm năm trước, thạc sĩ trẻ than phiền rằng, về nghiên cứu văn hóa Cham, sau “thế hệ vàng” với Thành Phần, Phú Văn Hẳn, Văn Món… những người đi sau khá lúng túng trong chọn hướng đi. Ý bạn ấy: Các “đề tài” đã cạn kiệt.

Tôi nói: Có thế đâu! Vô số mảnh đất hoang chưa được khai phá, vô số khu rừng nguyên sinh chưa có dấu chân người. Vấn đề là các bạn có đủ:

– Thông minh để nhận ra,

– Dũng cảm bước vào, và

– Kiên trì đi đến tận cùng con đường chọn lựa.

Cá nhân Inrasara chẳng hạn.

Ngay lớp Đệ Tứ, qua câu nói vu vơ của thầy dạy văn Phạm Đăng Phụng: Tại sao các em không thử tìm hiểu văn chương của người Chàm các em; rồi khi tình cờ đọc câu hàm ý mỉa mai của Paul Mus: Văn học Cham chả có gì đáng cả, chỉ gói gọn trong 20 trang giấy là cùng, tôi đã “phát hiện” đề tài.

Để rồi sau 24 năm miệt mài, tôi cho ra đời bộ Văn học Cham!

Tiếp đến, mặc dù đã đọc đâu đó rằng Cham rất mạnh về biển, nhưng chỉ khi sự kiện Hoàng Sa-TS bùng nổ, tôi mới nhìn ra “đề tài” mới và lớn. Lần theo dấu vết nó, khai vỡ nhiều khía cạnh, để rồi Hải sử và Văn hóa biển Cham trở thành chủ đề thuyết trình chính của tôi mươi năm qua.

Về văn học Việt Nam cũng hệt, nhận ra tác giả ở nhiều khu vực bị lơ là hay bỏ quên, tôi “phát hiện” ra văn học ngoại vi là vùng đất trù phú, thử dấn vào nghiên cứu và phê bình. Để sau đó thành… chuyên gia!

Trước nữa, tôi đã kể rồi, năm 1998 tôi tập hợp mươi nghệ nhân nổi tiếng từ nhiều palei khác nhau về Chakleng, làm Âm nhạc Cham. Sau một tuần, gần như toàn bộ tư liệu đã ổn, chỉ cần tìm ra một nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc nữa là công cuộc tiến hành. Rồi hỡi ôi, tôi đã gõ hết cửa, im ắng. Cuối cùng công trình dang dở đến tận hôm nay.

Hiện, có ai có thể cầm lên một cuốn sách để nhận diện được khuôn mặt âm nhạc Cham, như về văn học? 

Sau “thế hệ vàng” [mà có phải vàng thật không?] ấy, thế hệ tiếp đến làm gì, và có ý định làm gì? Hay các bạn mãi khẳng định mình, bằng quẩn quanh lối đi cũ đã mòn nhẵn, hoặc giả cứ cãi vã về ‘Akhar thrah’? 

Các bạn đủ thông minh… đủ dũng cảm… và đủ kiên trì… không?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *