Câu chuyện Cham-62. TẠI SAO CỨ PHẢI GIỮ BÀ-NI?

[hay. Bạn có muốn Cham thế hệ đi tới tiếp diễn chương trình chia xé, đổ máu?]

“Tại sao phải giữ truyền thống, phải bản sắc dân tộc?” là câu hỏi tôi thường xuyên đụng phải suốt hành trình viết và suy tư về Cham. Ở loạt bài “Cham có thông minh không?” đăng Inrasara.com 2011-2016, tôi đã tường minh rồi.

Hôm nay cụ thể hơn: “Tại sao cứ phải là ‘Ahiêr Awal’, là Bà-la-môn Bà-ni? Qua nhiều bài viết, tôi đã minh chứng đủ đầy, ở đây chỉ nêu 6 nguyên do chính.

1. Chớ quan tâm đến các nhà “nghiên cứu” cố truy tìm dấu vết Hồi giáo trong Bà-ni Cham, để kết rằng Bà-ni là [một nhánh] Hồi giáo. Vô ích! Do Thái giáo, Công giáo, Chính Thống giáo, Islam, Tin Lành… tồn tại cả khối dấu vết đậm nhạt – các tôn giáo ấy vẫn có tên gọi riêng.

Cham có tôn giáo ‘Ahiêr Awal’/ Bà-la-môn Bà-ni – thế thôi. 400 năm. Nó là độc đáo và độc nhất. Nó làm đa dạng tư tưởng loài người, hay rộng hơn, làm phong phú nền văn hóa văn minh nhân loại.

2. Hỏi nếu “độc đáo và độc nhất” kia thuộc thế lực phá hoại, làm suy đồi con người, thì có nên truyền lưu không? Chắc chắn là không rồi.

“Độc đáo và độc nhất” Cham mang đến hòa bình và hòa hợp. ‘Ahiêr Awal’/ Bà-la-môn Bà-ni khả năng hóa giải và hòa giải hệ tư tưởng không đội trời chung: Ấn giáo và Islam.

Islam vào và lớn mạnh, Ấn Độ banh ra làm Pakistan sau đó là Bangladesh. Cham là ca duy nhất trên thế giới hóa giải được Islam thành Bà-ni!

Tư tưởng “hóa giải và hòa giải” của Cham là bài học lớn cho thế giới hôm nay.

3. ‘Ahiêr Awal’ là tôn giáo đa thần, thờ phượng 5 hệ Thần Yang khác nhau.

Ở Cham Pangdurangga,

Mờ nhạt dần là các thần thuộc Ấn giáo: Shiva, Vishnu… Mờ nhạt cả các đấng, vị trong Islam như Allah, Mohammad… Mờ nhạt luôn các Yang tiền tôn giáo: Pô Bhum, Patau Ging…

Nổi trội lên là PÔ YANG: Pô Inư Nưgar, Pô Klong Girai, Pô Rômê, Pô Riyak, Nai Tangya… là các vị vua, anh hùng liệt nữ được thần hóa.

Tiếp đến là MUK KEI Ông bà tổ tiên.

‘Ahiêr Awal’/ Bà-la-môn & Bà-ni đích thực là tôn giáo dân tộc: Tôn giáo Cham.

4. ‘Ahiêr Awal’ là tôn giáo hòa bình.

Suốt non 4 thế kỉ từ khi ra đời qua biến hóa siêu quần của Đức Pô Rômê, không hề có dấu vết xung đột giữa ‘Ahiêr Awal’.

Hơn nửa đời hư, tôi chưa hề thấy một xung đột dù nhỏ nhất giữa Cham Bà-la-môn và Cham Bà-ni. Lạ không?! Bản thân tôi, bạn bè Bà-ni: Phước Nhơn, Thành Tín, Văn lâm… còn nhiều hơn anh em Bà-la-môn nữa.

Lớn lên bước vào con đường tìm về nguồn cội, tôi ngày càng nhận ra hai hệ ‘Ahiêr Awal’ phối hợp, hỗ trợ nhau ở nhiều khía cạnh, bình diện nhuần nhị đến không thể tin được.

5. Tôn giáo mở

Tôi thích nhận định của Lựu Hoàng Điệp: “tuyệt đại đa số Chăm Bani không quan tâm tôn giáo lắm, đối với họ tôn giáo chỉ là tín ngưỡng, tập tục, là một phần không thể tách rời của bản sắc Chăm”.

Po Dharma không cho Cham có tôn giáo mà chỉ có tín ngưỡng dân gian, là vậy.

Tôi hơi khác: đó là Tôn giáo mở, đức tin mềm.

MỞ, thế nên ở đó nẩy ra nhiều sáng tạo. Cứ nhìn lượng và chất các nhà khoa bảng, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ Cham khu vực Pangdurangga cũng đủ biết.

MỀM, do đó dễ bị tổn thương, bị xâm nhập. “Tổ chức Islam quốc tế thực hiện các hoạt động truyền đạo ào ạt và khiến cho Bani tan biến” (LHĐ).

6. Tại sao Islam lần nữa không nên vào Pangdurangga?

Câu hỏi dễ bị cho là phân biệt đối xử, NHƯNG KHÔNG. Đây là nhìn nhận của đứa con Cham qua trải nghiệm đau thương từ lịch sử, xưa và nay.

Nhập địa Champa, đến thế kỉ XIV Islam lớn mạnh và xung đột với Cham Ấn giáo. Xung đột đổ máu, chia xé đến suy kiệt. Mãi thế kỉ XVII Pô Rômê xuất hiện mới ổn.

Ổn cho đến 1960, lần nữa Islam vào cộng đồng Cham Pangdurangga, để Cham Bà-ni Phước Nhơn, Văn Lâm tiếp tục chia xé và đổ máu.

Hôm nay, bạn có muốn con em Cham thế hệ đi tới tiếp diễn chương trình chia xé, đổ máu?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *