Chế Vỹ Tân. TÌM HIỂU VẤN ĐỀ TÔN GIÁO XƯA VÀ NAY

Tôi vừa nhận được bài viết của Chế Vỹ Tân tức Nguyễn Văn Tỷ giải minh về các khía cạnh xung quanh Vấn đề Bà-ni. Thầy Tỷ năm nay 87 tuôi, đã hưu từ 20 năm trước; lẽ ra thầy cũng quyết hưu trước các vấn đề cộng đồng. Tuy nhiên bởi trách nhiệm trí thức, thầy cố gắng viết bài “cuối cùng” này, như thông điệp gửi đến: Thế hệ trẻ Cham, chính quyền các cấp, và những người đang “lên tiếng đấu tranh” xung quan Tôn giáo Bà-ni.   

Sau đây là nguyên văn.

Tôi là cán bộ hưu trí, một đứa con Chăm, sống trong lòng Chăm qua hai chế độ chính trị. Từng là thành viên trong Hội đồng nhân dân Tỉnh, tôi đã tích cực hoạt động trong “BAN HỖ TRỢ TÔN GIÁO BÀ-NI”. Qua nhiều biến cố tôn giáo, cá nhân đã hết mình cùng tín đồ, chức sắc, “đồng cam cộng khổ” sát cánh cùng nhau, xây dựng một tôn giáo Bà-ni ổn định và hoà thuận. Người Chăm xưa, vốn cơ cực và nghèo khổ, một đời lam lũ cơ hàn, nhưng họ vẫn sống khá lạc quan, tích cực, bởi họ được hành đạo, được tự do tín ngưỡng, và họ có đức tin vào Muk-kei, thần Yang.

Đức tin tôn giáo như thể có trong mạch máu mỗi sinh linh Chăm, họ hạnh phúc, niềm tự hào hiện rõ ở thần thái, cốt cách mỗi đứa con Chăm. Nay nghe tin tôn giáo Bà-ni có nguy cơ mất, là người có trách nhiệm, đã nuôi dưỡng, vun đắp tôn giáo một thời ổn định, ở tuổi 87, thời khắc “gần đất xa trời”, sao tôi cầm lòng cho đặng. Lo âu và suy tư, tôi mạo muội góp một vài thiển kiến, nhằm mục đích trao đổi với các tín đồ Bà-ni để làm sáng tỏ một số vấn đề còn uẩn khúc, và sự ngộ nhận. Quan trọng hơn, để chính quyền Việt Nam có đầy đủ thông tin làm tư liệu, hầu hiểu rõ tôn giáo Bà-ni một cách thấu đáo hơn.

Tôi xin trình bày bài viết này theo trình tự những điểm quan trọng sau đây:

1. Nguồn gốc.

2. Giải thích các từ ngữ về tôn giáo: Bani, Hồi giáo Bàni, Hồi giáo, Ahiêr, Awal

3. Sự sinh hoạt của tín ngưỡng Bà-ni và tồn tại trong quá khứ ra sao!

4. Sự chỉ trích và thắc mắc xung quanh tôn giáo tín ngưỡng Bà-ni.

5. Những kinh nghiệm trong hoạt động tôn giáo Bà-ni.

6. Kết luận tổng hợp.

1. NGUỒN GỐC TÔN GIÁO BÀ-NI

Từ xa xưa dân tộc Chăm đã chịu ảnh hưởng văn minh Ấn Độ. Theo nhà viết sử Pháp Maspéro thì ảnh hưởng này lan rộng từ luật pháp, hành chính đến cả sự cai trị đất nước đều ảnh hưởng theo Ấn Độ. Chính vì vậy mà tôn giáo ban đầu của người Chăm là Bà-la-môn rất giống đạo Hinđu của Ấn Độ. Đạo Bà-la-môn này thờ phụng các thần Yang (đa Thần) trong đó có nhiều thần như: Shiva, Brahma, Vishnu v.v…

Ngay ở các tháp Chăm rải rác khắp miền Trung, chúng ta nhận thấy có nhiều hình tượng của Shiva, chứng tỏ thần Shiva rất quan trọng. Tôn giáo này còn thờ cúng ông bà tổ tiên giống hệt Đạo Lương. Suốt mấy thế kỉ, từ đầu thế kỉ thứ III đến thế kỉ IX, người Champa chỉ biết duy nhất là đạo Bà-la-môn. Đến cuối thế kỷ IX đạo Phật giáo mới xuất hiện mà trung tâm sinh hoạt là Đồng Dương thuộc huyện Duy Xuyên, Quảng Nam, chỉ tồn tại khoảng ba thế kỉ.

Từ đầu thế kỉ thứ X, chúng ta thấy những người Ả Rập xuất hiện đến buôn bán, truyền đạo. Đầu tiên họ chỉ quan hệ với hoàng gia và các thành phần thượng lưu xã hội Chăm lúc bấy giờ. Vì vậy mà suốt mấy thế kỉ (từ thế kỉ X đến thế kỉ XIII) chỉ có thành phần thượng lưu mới bị xáo trộn, còn quần chúng nhân dân vẫn sống bình an. Nhưng ở các thế kỉ tiếp theo, các vua chúa Chăm không thể nào giải quyết nổi sự chia rẽ tôn giáo, sự xáo trộn trầm trọng trong xã hội Chăm.

Sau biến cố năm 1471 (thủ đô Vijaya sụp đổ) các vua chúa Chăm lại có tư tưởng xem nhẹ tôn giáo Bà-la-môn vì cho rằng tôn giáo này không đủ bản lĩnh làm cho đất nước lớn mạnh. Chính vì cách suy nghĩ này mà tôn giáo Islam phát triển dễ dàng và gây ra thêm sự xáo trộn, sự chia rẽ tôn giáo trầm trọng hơn trong quần chúng nhân dân Chăm. Đến nửa thế kỷ thứ 17, vua Pô Rômê (1627-1651) không thể chấp nhận và tha thứ được sự chia rẽ, nên quyết định xóa bỏ cả hai tôn giáo ngoại lai này.

Từ đó vị vua Pô Rômê đã bản địa hoá, dung hợp hai tôn giáo mới là Ahiêr và Awal rất đặc trưng, phù hợp với hoàn cảnh xã hội Chăm lúc bấy giờ. “Ahiêr sau này chúng ta gọi Bà-la-môn Chăm, thờ phụng tất cả thần Yang Chăm và thờ cúng ông bà tổ tiên. Đặc biệt là loại bỏ 3 thần quan trọng của Ấn Độ là: Shiva, Brahma, Vishnu, và các Thần khác của Ấn Độ, thay vào đó tôn giáo Bà-la-môn bản địa, thờ phụng thêm các thần của dân tộc Chăm như : Pô Nưgar, Pô Klong Girai, Pô Bin Thuôr, Pô Dam v.v… Ngoài ra tôn giáo Bà-la-môn n phải thờ thêm Đấng Allah (tức Pô Âu-luah) theo cách gọi của người Chăm. “Awal sau này chúng ta gọi Bà-ni”, phải tôn thờ: trước hết là Pô Âu-luah kế đến là thờ phụng ông bà tổ tiên, sau cùng là tất cả thần Yang y hệt như đạo Ahiêr.

Cách sắp xếp hai tôn giáo Ahiêr/Awal là theo thể thức “Nhất thể lưỡng hợp” nghĩa là theo thuyết âm dương, có âm phải có dương, có nam phải có nữ, Ahiêr chính là nam, Awal tức là nữ, nam nữ không thể tách rời. Rõ ràng sự ra đời của hai tôn giáo Ahiêr, Awal là từ thời vua Pô Rômê.

2. GIẢI THÍCH CÁC TỪ NGỮ VỀ TÔN GIÁO:

Bà-ni, Hồi giáo Bà-ni, Islam, Ahiêr, Awal. Trong vụ người Chăm Bà-ni thôn Phước Nhơn, Huyện Ninh Hải, Tỉnh Ninh Thuận tổ chức biểu tình chống người Chăm Islam một cách quy mô vào năm 1970, toàn bộ bản báo cáo lên chính quyền cấp trên đều dùng từ ngữ Hồi Giáo Bà-ni (để chỉ người Bà-ni), từ ngữ Hồi Giáo (để chỉ người Islam), phải nói rằng cách dùng từ như nói trên là sai sót lớn. Hôm nay chúng ta khẳng định là:

– Từ ngữ “Hồi Giáo” là để chỉ người theo đạo Islam, vì chỉ Việt Nam và Trung Quốc mới dùng từ Hồi Giáo, còn quốc tế thì dùng từ “Islam”.

– Từ ngữ “Bà-ni” thì chỉ dùng để chỉ người Chăm theo tôn giáo Bà-ni mới chính xác.

– Từ ngữ “Ahiêr” dùng chỉ chuyên môn riêng của người Chăm để gọi tôn giáo “Bà-la-môn Chăm”

– Từ ngữ “Awal” cũng là từ ngữ của người Chăm dùng gọi tôn giáo “Bà-ni”.

Nói tóm lại, dùng “Hồi giáo Bà-ni” hoàn toàn vô nghĩa, không có cơ sở khoa học. Vì không lẽ ta nói Islam Bà-ni!!!

3. SỰ SINH HOẠT CỦA TÍN NGƯỠNG BÀ-NI VÀ TỒN TẠI TRONG QUÁ KHỨ RA SAO!

Bà-ni là tín ngưỡng hay tôn giáo? Tôi xin trả lời ngay Bà-ni là một tín ngưỡng trước khi trở thành tôn giáo. Vào năm 1993, thời điểm tách lại hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, bản thân tôi đã xin gặp ông Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận để trình bày một vấn đề xã hội của người Chăm là: “Xin xét cho tín ngưỡng Bà-ni tỉnh Ninh Thuận trở thành tôn giáo để sinh hoạt thuận lợi và nề nếp hơn.” Khoảng 10 ngày sau tôi nhận được câu trả lời là: “Tôi đã hỏi ý kiến cấp trên và họ cho biết là Bà-ni không đủ tiêu chuẩn để trở thành tôn giáo”.

Đúng như thế trong lịch sử cận đại từ năm 1832 (thời Minh Mạng) cho đến đầu thế kỉ XXI tín ngưỡng Bà-ni đã sinh hoạt rất đặc trưng là hoàn toàn độc lập, và khép kín. Mỗi “Halau Sang Mưgik” (đơn vị tôn giáo tín ngưỡng Bà-ni) sinh hoạt một cách tự do không bị ràng buộc bởi bất cứ luật lệ hay nguyên tắc nào ngoại trừ các tập quán, phong tục mà người xưa để lại, từ lễ nghi trong thánh đường “Sang Mưgik” đến cách thờ cúng tổ tiên như lễ tảo mộ “Bbăng Muk kei” cho đến các lễ nghi cúng kiếng các Thần Yang đều hoàn toàn thực hiện theo thói quen lâu năm của địa phương mình.

Chính vì thế tất cả các “Halau Sang Mưgik” ở Ninh Thuận cũng như Bình Thuận sinh hoạt một cách không thống nhất là điều cũng rất dễ hiểu. Sinh hoạt thống nhất hay không thống nhất đối với họ là không một tí quan trọng nào, cứ người xưa hành xử như thế nào thì chúng ta hành xử rập khuôn như vậy. Cách hoạt động này kéo dài hàng thế kỉ mà không gặp trở ngại gì chỉ có một trường hợp duy nhất mà họ cần chỉnh sửa lại đó là sự thống nhất ngày tháng giữa các Halau Sang Mưgik Bà-ni về phía “Awal” cũng như phải thống nhất ngày tháng (lịch dân tộc Chăm) giữa khối Chăm Awal và Ahiêr.

Vì vậy mà các Halau Sang Mưgik mỗi tỉnh phải tổ chức hội họp nhau lại mỗi khi có trục trặc. Xin lưu ý, có một Lễ rất quan trọng đó là SUK YENG cứ 3 năm 1 lần. Các Chức sắc của Awal và Ahiêr cũng có sáng kiến tận dụng luôn ngày Lễ Suk Yơng này hội họp, bàn bạc hầu giải quyết sự trở ngại về lịch Chăm cũng như các vướng mắc linh tinh khác về tín ngưỡng giữa các “Halau Sang Mưgik” Bà-ni. Trong khi bàn luận lại phát sinh nhiều vấn đề khúc mắc, phức tạp, từ đó mới nẩy ra cái sáng kiến nên chăng Thành lập Hội đồng liên Chùa Tỉnh Ninh Thuận. Nói là làm, tổ chức “HỘI ĐỒNG LIÊN CHÙA BÀ-NI TỈNH NINH THUẬN” ra đời vào năm 1967.

Tổ chức Hội đồng liên Chùa có hai nhiệm vụ, một là giải quyết các mâu thuẫn giữa những Tu sĩ với nhau, hai là tháo gỡ và chỉnh sửa cho thống nhất ngày tháng. Tôi xin lưu ý là sinh hoạt của Tín ngưỡng Bà-ni luôn luôn có trục trặc, về lịch tức ngày tháng, vì lịch tôn giáo tín ngưỡng Bà-ni Awal chỉ dùng trong phạm vi tôn giáo, không dùng trong đời thường, khác hẳn với lịch Ahiêr được dùng hoàn toàn trong đời thường (lịch dân tộc). Mặt khác như chúng ta biết là hai tín ngưỡng Awal/Ahiêr có quan hệ mật thiết, hòa quyện không thể tách rời nhau được (tuy hai mà một, như Âm Dương, Đực Cái). Các Chức sắc Ông Mưdôn, Ông Ka-ing, Muk Pajau, Acar đều phụng sự, thực hiện nghi lễ cho cả Awal và Ahiêr.

Nói một cách cụ thể, khi phía Awal thực hiện nghi lễ Rija (Rija Prong, Rija Harei , Rija Nưgar) thì phải có sự hiện diện của chức sắc Ông Mưdôn, Muk Rija… Còn phía Ahiêr cúng kiếng Pô Âu-luah, Ngak Pabe (Cúng Dê) thì phải có sự hiện diện của Pô Acar. Chính vì lý do này mà bà con cũng như trí thức Chăm Bà-la-môn ở Mỹ phát biểu rằng: “Nếu Bà-ni bị xóa sổ thì chúng tôi phải đấu tranh đến cùng vì tính đặc thù độc đáo không thể chia lìa được của nó”.

Qua thực tế sinh hoạt độc lập, và khép kín của tín ngưỡng Bà-ni như tôi đã nói, chúng ta thấy rằng, việc hành lễ sinh hoạt tôn giáo diễn tiến cũng trơn tru, thông suốt không có trở ngại gì to tát. Điều này cũng cho chúng ta thấy các sinh hoạt của giới chức sắc cũng rất là uyển chuyển linh hoạt, thích nghi với mọi hoàn cảnh khó khăn để tồn tại. Một tôn giáo tín ngưỡng sinh hoạt một cách độc lập, tự lập tự cường, khép kín như trên, thì khó mà bị xoá sổ.

4. NHỮNG CHỈ TRÍCH VÀ THẮC MẮC XUNG QUANH TÔN GIÁO BÀ-NI.

A. Những chỉ trích thiếu tích cực, gây hiềm khích giữa hai tôn giáo.

-“Đạo Bà-ni rất mê tín, cái gì cũng cúng, và cúng thì rất mất vệ sinh, để cho ruồi bu thoải mái rồi mới bưng xuống ăn”. Thực tế có đúng như vậy không?! Hoàn toàn SAI , bởi vì cúng kiếng là đúng theo bản chất của Tín ngưỡng, tức là dựa trên cội nguồn văn hoá, phong tục tập quán của cả một dân tộc. Bản chất Tín ngưỡng này là sự BIẾT ƠN, THƯƠNG NHỚ đến Tổ tiên Ông Bà. Đây là chân lý muôn thuở về đạo đức làm Người.

– “Đạo Bà-ni cái gì cũng thờ, thờ cúng cả Yang Patau Ging !…” Chỉ trích như vậy có ổn không?! Chứng tỏ thiếu hiểu biết về tôn giáo tín ngưỡng. Trước một Bà Mẹ thiên nhiên vô cùng linh thiêng, con người quá bé nhỏ, nên cũng phải cúi đầu cung kính và cúng kiếng.

-“Những tu sĩ Pô Acar Bà-ni đọc kinh kệ chẳng hiểu nghĩa !…” Hàng thế kỉ nay người Bà-ni vẫn sinh hoạt như thế. Những cụ già luôn nhắc nhở “Akhar Bani” không bao giờ được dịch ra, phải đọc nguyên văn như thế để dễ hiểu, ta chỉ cần ghi thêm ý của câu kinh bằng tiếng Chăm của mình. Tôi tin là các nước Châu Phi như Maroc, Algerie … Đọc kinh Coran nguyên văn chứ không phải dịch nghĩa, nghĩa lý sâu xa, nhiệm mầu, không thể luận bàn đối với việc không dịch nghĩa lý KINH KỆ. Trong nghi lễ, kinh kệ được xướng tụng tăng thêm không khí thiêng liêng, linh thánh. Tất cả tín đồ chỉ có hòa quyện, chú tâm, tĩnh lặng để cầu nguyện.

B. NHỮNG THẮC MẮC THUỘC PHẠM TRÙ LUẬT PHÁP:

– “Tôi chưa từng thấy trong lịch sử tên một tôn giáo (hay tín ngưỡng) đã tồn tại qua nhiều thế kỉ, bỗng nhiên biến mất sau một đêm, cụ thể Bà-ni không có tên trong danh bạ Tôn giáo Trung Ương.

– “Quyền được có đức tin nơi thần Yang hay thượng đế là một trong những quyền căn bản của con người. Phải khẳng định rằng người Bà-ni bị xóa mất tên tôn giáo Bani, thay vào đó là tôn giáo “Hồi giáo Bà-ni” là vi phạm luật nhân quyền theo công ước của Liên Hiệp Quốc!

– “Vấn đề xóa bỏ tên gọi tôn giáo là một sự kiện lạ, một nghịch lý mãi mãi không thể nào lý giải được đối với tín đồ Awal và Ahiêr, gây xáo trộn lớn hiện tại cũng như tương lai, đó là chuyện đương nhiên ai cũng phải hiểu, bởi nó cũng ảnh hưởng đến “Vấn đề đại đoàn kết dân tộc trong nước nói riêng và cả thế giới nói chung, là điều cực kì quan trọng”. Nếu không còn tôn giáo Bà-ni thì theo thuyết âm dương Ahiêr – Awal, cũng không còn tồn tại đạo Bà-la-môn. Như vậy chính quyền sẽ có trách nhiệm như thế nào trong vấn đề này?!

Những thắc mắc trên đây, thuộc phạm trù hiến pháp và luật pháp Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tôi có thể trả lời được nhưng chắc chắn sẽ mang ít nhiều tính chủ quan. Như vậy chúng ta phải chờ đợi câu trả lời của chính quyền cấp trên mới khách quan và khoa học.

5. NHỮNG KINH NGHIỆM TRONG HOẠT ĐỘNG TÔN GIÁO BÀ-NI .

– Quan điểm cá nhân, tôi say mê sinh hoạt tôn giáo vì qua đó có thể tích cực hoạt động cho sự phát triển tiến bộ của đồng bào Chăm. Trong xã hội Chăm, tôn giáo có vai trò thiết yếu, đời sống văn minh tiến bộ, thoát khỏi mê tín dị đoan và xóa đói giảm nghèo bền vững, hoàn toàn dựa trên sự ỔN ĐỊNH VÀ PHÁT TRIỂN TÔN GIÁO. Vì vậy, hoạt động tôn giáo lúc nào cũng phải kết hợp với hoạt động của chính quyền, đặc biệt là Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để có sự yểm trợ trong chiều hướng “Đôi bên cùng có lợi”.

Có một lần, bản thân tôi gặp ông Chủ tịch Ủy Ban Mặt trận Huyện để trình bày một số vấn đề, tôi nói. “Đảng và Nhà Nước luôn luôn mong muốn tiết kiệm tối đa trong sinh hoạt tôn giáo, đặc biệt trong các đám đình như: ma chay, cưới hỏi,cúng kiếng v.v… Nhưng tôi chắc chắn không bao giờ có kết quả cụ thể, đặc biệt là trong xã hội người dân tộc thiểu số”. Vì vậy, tôi mới thẳng thắn phát biểu với ông Chủ tịch rằng: “Cái nhức nhói của xã hội Chăm Bà-ni là vấn đề giết đôi trâu để làm tuần trong đám tang (tốn kém cho đôi trâu khoảng 60 triệu đồng).

Tôi xin khẳng định, việc giết đôi trâu không phải là tập tục bắt buộc mà chỉ vì đua đòi, không muốn thua chị kém em. Tất nhiên gia đình nghèo phải bắt con thôi học, đi ở đợ hầu có tiền trang trải. Chúng tôi có thể giải quyết việc này dễ dàng bằng cách thuyết phục vị Sư cả hiểu thấu đáo hoàn cảnh cơ cực bà con Chăm, khi đã thông suốt, chính Sư cả sẽ thuyết phục dân chúng đặc biệt là các bà già, phụ nữ, chắc chắn chúng tôi sẽ thành công. Vị Chủ tịch mỉm cười sung sướng vỗ vai tôi và nói: “Cảm ơn anh! mong anh cố gắng, chúc thành công”.

– Nói về kinh nghiệm hoạt động tôn giáo, ta phải lưu ý đặc biệt đến việc giao tiếp với các vị tu sĩ. Phải thật sự nhã nhặn, lễ độ và cung kính, bởi việc đó đã trở thành nếp văn hóa lâu đời. Dù là ông tu sĩ đó đáng bậc con cháu, ta cũng phải nhún nhường đúng lễ nghi. Cấp tu sĩ, tăng lữ là người ăn trước ngồi trên, trong các tổ chức sinh hoạt tôn giáo, các ban bệ chuyên môn phải luôn luôn đề cử vị tu sĩ làm trưởng ban, Gahêh (tín đồ) dù hoc cao hiểu rộng đến đâu cũng chỉ làm Phó ban, và phải phải chịu trách nhiệm, cáng đáng mọi việc thay Trưởng ban. Trong những buổi thảo luận với các tu sĩ, chúng ta phải luôn luôn giữ thái độ mềm dẻo và cung kính. Tóm lại, để hoạt động tôn giáo bền vững ổn định, cần hai tiêu chí hết sức căn cơ: Ttín đồ phối hợp nhịp nhàng với chức sắc, và tôn giáo bản địa Chăm quan hệ tốt với chính quyền, mặt trận tổ quốc Việt Nam các cấp.

6. KẾT LUẬN TỔNG QUÁT

Qua phân tích trên đây, tín đồ Bà-ni phần nào nhận thấy nhiều điểm đặc trưng và kỳ lạ đáng lưu ý. Những điểm đặc biệt này làm cho chúng ta an tâm và thêm phần lạc quan thay vì phải bối rối và thất vọng.

– Đặc trưng thứ nhất: Hai tôn giáo Awal/Ahiêr được kết hợp với nhau nhuần nhuyễn không thể tách rời, như âm với dương, đó là một tôn giáo kì lạ không đâu có trên thế gian này, điều chúng ta lấy làm hãnh diện.

– Đặc trưng thứ hai: Lối sinh hoạt trong quá khứ, gần như không đâu có được, sinh hoạt hoàn toàn độc lập và tự lập, nghĩa là không dựa dẫm bất cứ vào thế lực nào trong nước hay ngoài nước. Một tôn giáo tín ngưỡng như thế thì có một sức mạnh vô biên, khó mà ngã gục trong bất cứ hoàn cảnh nào. Có đáng cho chúng ta hãnh diện không! Riêng điểm này cũng đủ tin tưởng là tôn giáo Bà-ni sẽ không bị gục ngã trong hoàn cảnh hiện tại.

– Đặc trưng thứ ba: Kì lạ, chúng ta bị truyền đạo cũng rất đặc biệt, một cử chỉ mà muốn xóa hết tôn giáo Bà-ni để trở thành Hồi Giáo lai căng (Hồi Giáo Bà Ni), hay Hồi Giáo thuần túy, tức Islam. Cách truyền đạo này dường như muốn dùng chiếc đũa thần của thượng đế xóa sổ tôn giáo Bà-ni. Chúng ta vững tin là tôn giáo Bà-ni sẽ tồn tại trong thực tế, cũng như tồn tại mãi mãi trong tâm hồn của những người Bà-ni và Bà-la-môn.

Với bài viết này, tôi tin tưởng các tín đồ Bà-ni sẽ am hiểu hơn về tôn giáo của mình, đặc biệt là sinh hoạt xưa kia và hôm nay. Hiểu như thế để mà vững tin rằng, trong hoàn cảnh nào chúng ta cũng phải giữ thái độ bình tĩnh, ôn hòa. Đặc biệt, không bao giờ gây hiềm khích, kỳ thị giữa hai tôn giáo, trong xã hội Chăm đang rất khó khăn hiện nay. Đức tin tôn giáo như thể hơi thở, huyết quản, mạch máu, đang lưu thông trong cơ thể mỗi đứa con Chăm Bà-ni. Mỗi tín đồ Bà-ni, dẫu hoàn cảnh nào, không đánh mất niềm hy vọng, hãy bình tĩnh để đi tìm công lý, với một lý tưởng và tâm thế XÂY DỰNG, ĐOÀN KẾT.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *