[tinh thần Phê bình & Phản biện của Pauh Catwai]
Nước mất, cả dân tộc đi lưu vong, Glang Anak và Pauh Catwai ở lại. Ở lại chịu phận chung giữa lòng hư lạnh nhân gian. Đó là thái độ trí thức (xem: Inrasara, “Tại sao Glang Anak không vượt biên?”)
Ra đời đầu thế kỉ XIX, Glang Anak và Pauh Catwai rời bỏ văn chương “cung đình” để đối mặt với thực tại đen của sinh mệnh dân tộc, mở ra dòng trường ca thế sự. Đó là thái độ trí thức trong văn chương.
Ở lại – Glang Anak và Pauh Catwai sắm vai trí thức phản tỉnh xã hội.
Câu đầu tiên của Ariya Glang Anak:
‘Glang anak linhe likuuk jaang ô hu/ Bhian drap ngak ralô piơh hapak khing ka throong’:
“Nhìn trước ngoảnh sau chẳng thấy ai người/ Của cải làm ra nhiều, cất nơi đâu cho ổn”.
Câu đầu tiên của Pauh Catwai:
‘Tabur xanưng tui đơi/ Wak Poh Catôi tui boh akhar
Pathei đông hadaup karam/ Ni jơh hadam bbang gaup di thoh’:
“Suy tư theo dòng đời/ Viết Poh Catôi theo chữ thơ
Sắt nổi vông chìm/ Đây là thời kiến ăn tươi kiến”.
Pauh Catwai cảnh báo về trí thức giả:
‘Hadôm laic mưkrư siam bbiak/ Bbôh mưh pariak ba gaup pahlaap’:
“Kêu rằng ta đây ngon lành/ Thấy bạc vàng rủ nhau hùa theo”
Với kiến thức giả:
‘Hajaan lek tha boh dwa boh/ Buh di kadoh wak ngok linha’:
“Mưa rớt giọt một giọt hai/ Nhặt bỏ vào nồi, treo lên gióng”
Cùng văn hóa giả:
‘Bilok li-u iku bimông/ Njrung gaup tapông laic ilimô’:
“Thứ sọ dừa đẹt của quầy/ Bảo văn hóa đây, hè nhau mang vác”
Trí thức giả ấy sẵn sàng bán văn hóa thật của ông bà:
‘Krung adat mưng muuk kei/ Kôic nao pablei laic ô xanag’:
“Di sản cha ông ngàn xưa/ Hốt đi bán bảo rằng không thiêng nữa”
Bán bằng hữu, bán nghệ thuật và bán cả linh hồn chính mình. Bán tất!
BHAP ILIMO – văn hóa dân tộc, đúng hơn: “văn hóa nhân dân” là từ đinh của Pauh Catwai. Hai lần lặp lại, đặt ngay cuối câu. Một thể hiện qua dấu hỏi làm sao, thế nào, một ở dấu than e rằng, sợ rằng.
Câu 38: ‘Tha boh cơk tajuh giloong/ Thibar ka throong bhaap ilimô’: “Một ngọn núi bảy ngả đường/ Thế nào cho thông văn hóa dân tộc?”
Câu 99: ‘Hajiơng ra cek pakhik/ Đa ka lihik bhaap ilimô’: “Nên người cho canh giữ/ E mất cả văn hóa nhân dân!”
Đó là văn hóa động, văn hóa của dân, sống giữa và cho cộng đồng.
Khi tình yêu văn hóa dân tộc mất, khi ta qua văn hóa để khuếch trương cái tôi – cái tôi của hư danh, địa vị hay tiền bạc – thì ta đang hành vi phản văn hóa không hơn không kém.
Ainsi palait Pauh Catwai!