Tôi-17. NGHĨ KHÁC & LÀM KHÁC

Nghĩ khác, làm khác, sống khác đời… là thói tật Bà Trời ban cho tôi. Vài sinh linh khác cũng được ban kiểu ấy, có lẽ. Khác điều họ sợ khác đời. Tôi ngược lại, DÁM, và khoái nữa.

Lớp Đệ Tứ, giải một bài toán, tôi luôn tìm 2-3 cách giải khác nhau. Tật này kéo dài đến sau “giải phóng”, và cả sau này.

Học khóa Kế toán trưởng HTX Nông nghiệp 1978 tại Phan Rang, làm bài thi giữa kì, thay vì như ông thầy dạy theo mẫu đến 5 trang viết suốt 3 tiếng đồng hồ, tôi giải kiểu mình: chỉ hơn một trang, loáng cái 20 phút là xong. Cả lớp lao nhao đòi làm theo Phú Trạm. Nhưng ông thầy mà, dù vẫn cho điểm 10, chứ nghe theo học trò thì đâu có được!

Tôi bỏ học dở chừng.

Vào Đại học Sư phạm Anh ngữ TPHCM, đặt câu tiếng Anh, tôi luôn tìm ý độc và khác, qua đó mấy lần đặt giáo viên vào tình thế khó xử.

Nhập cuộc chữ nghĩa, thuyết trình – tôi nghĩ, tại sao phải giống mọi người? Thế nên thay vì như mọi mọi nhà nhà khác, lên bục nói một hơi một thể, rồi nghỉ, tôi chơi kiểu cá biệt: Dành nửa thời gian cho thuyết, nửa còn lại cho thảo luận, và nếu cần – tranh luận ngay trên diễn đàn.

Được vài bận, rồi bị ban tổ chức cho nghỉ chơi không có gì oan!

Chủ trì Bàn tròn Văn chương cũng hệt. Nếu Từ Huy chuyên trị tác giả nước ngoài, hay Nhật Chiêu: trào lưu cũ như Thơ Mới hoặc tác giả cũ: Bích Khê chẳng hạn, tôi: khác. Toàn các chủ đề cộm và nóng, vấn đề đang xảy ra…

Nhà văn Việt Nam né tránh hiện thực, tại sao? Chúng ta nợ gì văn học miền Nam? Về đâu, Tân hình thức Việt? Việt Nam chưa có nhà tiểu thuyết lớn, tại sao? Văn học ngoại vi Việt ở đâu? Vân vân. Ở đó nhiều lần nhạc sĩ Dương Thụ phải lên trên giải trình!

Tôi, cứ thói nào tật nấy, chả ngán…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *