[hay Định kiến & giải định kiến]
Điểm mặt 5 bài ca được văn giới Việt Nam hát hoài… không chán.
[1] Một người cả đời không làm nổi một câu thơ thì chớ bàn về thơ.
Nhà thơ Việt Nam giải thích thơ mình để cãi lại nhà phê bình, thì hẳn rồi. Tiến thêm một bước, khi thơ mình bị chê, liền quay lại nồ bằng thứ ngụy biện đại loại kiểu ấy.
Trong khi điển hình sờ sờ ra kia: Ta khen Hoài Thanh bình thơ siêu hạng, ta càng biết rằng cả đời ông chưa từng làm nổi câu thơ nào.
[2] Viết một bài phê bình thơ mà không trích nổi một câu/ đoạn thơ hay thì vứt.
Ậy, viết cho tuổi học trò đang ngồi ghế nhà trường thì thế, chứ ngoài trần gian muôn màu nó khác cơ. Nhà phê bình trích thơ dở để phê, để nêu gương tối làm bài học, để… vân vân.
Nữa, thế nào là hay? Thơ bạn cho là dở, nhà phê bình khác – qua góc nhìn khác, hệ mĩ học khác, phát hiện khác… thấy nó hay thì sao? Hay của bạn đâu phải chuẩn duy nhất cho mọi người, mà ngay cả số đông cho nó hay, nó đâu phải chân lí đinh đóng.
[3] Loại thơ cách tân này độc giả Việt Nam không thể chấp nhận.
Phát ngôn nhân danh kiểu này không gì hơn là tự tố cáo sự thiếu tự tin của nhà phê bình. Lại là phát ngôn rất được lòng mọi người, mới lạ.
Sao không dám nói tôi không chấp nhận mà phải núp sau lô-cốt độc giả chung chung.
[4] Thơ không cần đổi mới, cách tân chi chi cả; chỉ có thơ hay với thơ dở.
Nỗi này có quan hệ máu mủ với định kiến [2]: Thế nào là thơ hay?
Hay Hiện thực khác hay Siêu thực khác hay Lãng mạn. Hay hiện đại khác hay hậu hiện đại. Làm như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử… chưa từng cách tân. Làm như Nguyễn Đình Thi, Thanh Tâm Tuyền, Đặng Đình Hưng chưa từng; hay mới hơn, làm như Hoàng Hưng, Nguyễn Quang Thiều, Đinh Linh chưa từng đổi mới.
Ăn nói nhảm mà không biết nhảm còn bày cái nhảm kia ra cho người thiên hạ thưởng lãm mới nhảm tam thừa!
[5] “Bây giờ người viết hoàn toàn tự do… đổ lỗi cho không có tự do sáng tác, không hẳn”, nhóc người nói thế, Nguyễn Thanh Sơn (báo Thể thao & Văn hóa, 8-2-2011) là một trong những.
Đây là thứ ảo tưởng tự đánh lừa.
“Tự do” của đại bộ phận nhà văn Việt Nam hôm nay là tự do viết về đủ thứ chuyện, thử nghiệm mọi thủ pháp khiến không ít người mang ảo tưởng tệ hại về tự do văn học – ảo tưởng cả ở bộ phận cây bút được cho là cách tân, cấp tiến. Chỉ trong vùng tối sáng nhập nhằng kia thôi, sến với tục tĩu lên ngôi và làm mưa làm gió. Khốn khổ thay, ta được tự do tất, ngoại trừ phơi bày cái sự thật thực nhất của hiện trạng xã hội.
Viết tự do luôn song hành với in ấn và phát hành tự do, thảo luận tự do và phê bình tự do. Nhà văn Việt Nam hoàn toàn tự do đăng sáng tác của mình lên mạng, đủ loại mạng văn học mở ra khắp nơi, – không sai. Nhưng đâu là không gian tự do thực cho độc giả giáp mặt trực tiếp với tác giả, tác phẩm như là chất kích thích cho sự phát triển của một nền văn học đích thực?