Câu chuyện Cham-21. NẾU LÀ VIỆT, TÔI ĐÃ NGỒI NHÀ ĐÁ TỪ LÂU

Đưa tin vụ Đồng Chuông Tử, bổ sung mấy sự việc cũ với các phân tích cần thiết, bạn facebook Nguyễn Đình Bổn còm: “mình thật lòng mong anh Sara lên tiếng hơn nữa”.

“Lên tiếng mạnh hơn nữa” – đúng lắm!

Nhớ Katê 2008, cánh nhà báo tự do ghé nhà tôi ở Chakleng, Điếu Cày cũng đã thật lòng hệt thế.

– Anh Sara cần biết vị thế của mình, quyền lợi chính đáng của dân tộc mình, và cần phải lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa…

Tôi ậm ừ cho qua chuyện.

Đối thoại buồn giữa Inrasara và một trí thức Việt.

– Tại sao Sara không thể lên tiếng mạnh hơn? Vị thế và uy tín của anh, quyền lợi của dân tộc bản địa đặc biệt của Cham anh…

– Mạnh mẽ, quyết liệt – hay lắm. Rồi khi Sara bị đốn hạ, ai vào sân thay người đây?

– Đừng kiêu ngạo thế, vẫn có người nào đó thay thế chứ.

– Lúc này ông thử chỉ ra 2-3 người đi…

Im lặng.

– Đứng trước bờ vực như thế này này, có khờ mới đi ưỡn ngực. Cham nhiều người giỏi chứ, thậm chí rất giỏi nữa là khác. Thế nhưng, mỗi sinh linh được cái này thì mất cái kia.

Kẻ giỏi thì lại khờ khạo;

Ông giỏi, dính phải cái tội nhát;

Người giỏi chuyên ngành lại thiếu đa và liên ngành;

Kẻ chưa giỏi, đã sanh tâm ngạo mạn xa rời quần chúng;

Cậu giỏi, đính kèm chuyên gia nói sao có lợi cho mình là nhất;

Anh giỏi, cũng dám đấu tranh lại thái độ ngửa tay ăn mày “cho má nó khi”;

Chàng giỏi, dũng cảm có thừa nhưng ưa tự ái vặt, đụng xíu là phản ứng dại dột;

Rồi bao sinh linh nông nỗi, trẻ con, thích chơi trội, anh hùng rơm… đủ cả, nghĩa là thiếu tầm nhìn toàn cảnh và độ lì cần thiết cho công cuộc dài hạn.

Chẳng cần nhìn sâu, chỉ ngó phớt qua nỗi Cham 30 năm qua thôi cũng đủ thấy.

– Chính vì thế mà anh phải lên tiếng mạnh mẽ lên…

– Hỏi chứ, ông biết “vô chính phủ” nghĩa là gì không? Là ông nội của tự do, dân chủ đấy.

Tôi vô chính phủ đính kèm bản năng bạo động từ trong trứng, càng lớn thì càng.

Tuổi 20, chắp cánh cho nó là Một mùa Địa ngục Une Saison en Enfer của Rimbaud, Con người phản kháng L’Homme Révolté của Camus, The first and last Freedom Tự do đầu tiên và cuối cùng của Krisnamurti.

Sau đó, Heidegger với Long Thọ gia cố nền móng đến nỗi không ngọn gió nào bất kì làm lung lay, chứ đừng nói lung lạc. Phật kêu là bất thối chuyển.

Vào đời, tự do và dân chủ cao đẳng đã có ở đó, trong tôi và với tôi. Được “phản động” chỉ là chuyện nhỏ!

Thế nên mới hô: Nếu là Việt, tôi vào ngồi nhà đá từ khuya. Rủi thay tôi là Cham. Từ khi “đắc đạo Cham” ở tuổi 15, tôi làm cuộc chuyển hóa toàn triệt: Trầm tĩnh, Hiểu biết và đầy Thuật toán.

Tôi phải sống, gánh nỗi Cham lên hai vai luận sư của mình, để “đi cho hết một đêm hoang vu” [Phạm Công Thiện] trên Con Đường Vô Tận – tên tiểu thuyết sử thi viết từ tuổi 30 của tôi. Vậy thôi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *