Trưa nay, 17-3-2021 FB Danh Dong có link bài “Nao ikak/ chuyến đi buôn” từ trang Champa Studies.
Lúc này tôi đang bận rộn với quý ‘Halau janưng’, nên chỉ đọc phần đầu, và giải minh về ngữ nghĩa. Ngay đoạn đầu, tác giả viết:
“Nao Ikak, một từ vựng Chăm mang nghĩa cột, buộc, nhưng khi thêm động từ nao/đi lại mang ý nghĩa chỉ sự sự buôn bán, thương mại. Dù vậy trong đời sống thường nhật, người Chăm không hề sử dụng nó để ám chỉ trạng thái buôn bán, giao dịch hay thương mại theo nghĩa thông thường. Thay vào đó, nao ikak thường được người Chăm sử dụng để nói về cuộc đời, về sự sống ở cõi trần gian, và khi nói về điều đó tức là họ đang so sánh nội hàm của thuật ngữ này trong sự đối lập với cái chết và cuộc sống sau cái chết của con người. Khi ám chỉ cuộc đời là một chuyến đi buôn…”
A. Đoạn: “Dù vậy trong đời sống thường nhật, người Chăm không hề sử dụng nó để ám chỉ trạng thái buôn bán, giao dịch hay thương mại theo nghĩa thông thường”.
Nói “không hề” thì hơi sai sai [!]. Cham hiểu “nao ikak” cả theo nghĩa đen lẫn bóng.
Nghĩa ĐEN dùng “trong đời sống thường nhật”, “theo nghĩa thông thường”, có ở:
1. Tục ngữ Cham: “Nao ikak nao ike, mưtai yêr le tuh thre ka gaup”: Đi bán đi buôn, chết thẳng cẳng đổ nợ cho họ hàng;
2. Truyện cố đôi bạn Pô Klong Girai và Pô Klong Can “nao ikak hala” (đi buôn trầu).
3. Và có mặt nhiều trong các lời khấn vái của Gru Urang.
B. Đoạn: “Thay vào đó, nao ikak thường được người Chăm sử dụng để nói về cuộc đời, về sự sống ở cõi trần gian… ám chỉ cuộc đời là một chuyến đi buôn…”
Ngay trong Văn học Cham-1994, tôi viết nguyên văn:
“Người Cham xem cuộc sống của con người trên trần gian này như một cuộc đi buôn, một cư ngụ tạm bợ… Chuyến buôn không có vốn ở khởi thủy nên đừng mong có lãi ở chung cuộc.”
Ariya Nao Ikak: Thơ Đi buôn, “đi buôn” ở đây cần được hiểu theo nghĩa bóng, nghĩa rộng: CUỘC ĐỜI MỘT CON NGƯỜI – như chính nội dung trường ca này diễn tả.
Đó mới gọi là tinh nghĩa một tác phẩm văn chương.
P.S. Vừa đọc lướt qua hết bài viết, thấy có 5 lỗi chính tả tiếng Cham. Tác giả lưu ý hơn xíu. Mến.