Thổ cẩm Cham-1. CÁC BƯỚC CHUYỂN
Tết năm ngoái, dự tính hội các ‘Halau janưng’ Cham ‘Ahiêr’ để quyết toán phần việc san định Kinh ‘Ahiêr’ đã ổn sau 3 năm miệt mài, Covid-9 đến – ngưng. Tết năm này, lần nữa Covid-19 làm đình trệ Hội thảo cải cách tôn giáo Cham đã báo trước đó. Thôi thì kể chuyện cũ vậy: Hành trình Thổ cẩm Cham.
Tôi là người làm, hiểu việc mình làm và biết kể nó ra. Về mọi chuyện.
Năm ngoái, đại Cty Trung Nam hợp đồng với Cty Inrahani làm sản phẩm cao cấp tặng khách – với yêu cầu cao. Bà xã qua tôi hỏi về ý nghĩa hoa văn này nọ, và vân vân. Tôi nói:
– Mẹ nó thủ vai chính mà…
Bà xã khựng lại, tôi thêm:
– Anh đã làm cho mẹ nó từ ba thập kỉ trước, không nhớ à?
Im lặng.
– Rồi trước khi giao trọn Cty đầu thế kỉ XXI, anh cũng đã xong mấy phần việc:
[1] Ảnh tất cả hoa văn: Hoa văn thất truyền mẹ nó nhờ người bạn chụp lại từ bảo tàng Pháp, hoa văn đang lưu hành trong cộng đồng, cả bao hoa văn ta mới tạo ra;
[2] Mẫu mã các loại vải: dạng dây cùng dạng tấm;
[3] Mẫu mã các loại sản phẩm thô lẫn sản phẩm chế biến.
Tất cả làm thành ba bộ dày cộp: Một đặt tại văn phòng giám đốc Cty, một ở quầy Thương xá TAX và một cho khách mượn khi cần thiết. Chúng đang đâu?
– Lạc hết rồi!
– Cả ý nghĩa của từng loại hoa văn cùng sản phẩm, mẹ nó không nhớ à?
– Trúng trúng trật trật thôi…
– Mẹ nó có nhớ mấy chục lần anh in ra văn bản, giảng giải không?
Dĩ nhiên là bà xã… chịu. Tôi tiếp:
– Mẹ nó có thể cho biết khái quát nhất mình đã mấy lần làm “cách mạng” Thổ cẩm không?
Như vô số nhà thơ Việt Nam không khả năng nói về thơ – bà Hani với thổ cẩm Cham cũng hệt. Này nhé…
Thổ cẩm Cham Inrahani luôn đi trước thiên hạ vài bước.
Khi dân Chakleng còn phiêu các nơi bán hàng thô, Cở sở Thổ cẩm Inrahani ra đời đầu năm 1992 và tổ chức chế tác hàng thô thành nhiều kiểu loại hợp thị hiếu khách hàng.
Bán ở đâu? Cửa hàng thổ cẩm Cham đầu tiên xuất hiện cuối năm 1993 ở Thương xá TAX trả lời câu hỏi đó. Không dừng lại, từ năm 1996, hàng loạt Đại lí thổ cẩm Inrahani có mặt đồng thời ở các thành phố lớn.
Để đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ, Công ty TNHH Thổ cẩm Cham Inrahani được thành lập. Nó là đầu tiên. Huy hiệu “Bàn tay Vàng” đầu tiên cho bà chủ và bốn Huy chương vàng đầu tiên dành cho sản phẩm của Công ty, là hệ quả tất yếu.
Hoa văn thổ cẩm Cham phong phú nhưng đã thất lạc nhiều. Inrahani đã phải cậy đến bạn bè Pháp photocopy màu từ Bảo tàng bên kia đại dương gửi về, để nghiên cứu. Thổ cẩm vừa là nét đẹp văn hóa truyền thống đồng thời là mặt hàng kinh doanh, cho nên muốn có cái mới để níu khách ở lại, vấn đề cải tiến kĩ thuật cần được đặt ra: Inrahani lần đầu tiên chuyển hoa văn từ khung dệt ‘Jih dalah’ sang khung dệt ‘Aban’; đây gần như là cuộc cách mạng kĩ thuật, dù ít ai nhận ra.
Sau đó nâng cấp khung dệt thủ công thành khung bán công nghiệp, Công ty Inrahani lần nữa đi đầu [1998] để hiện nay khung này đang thành đại trà trong palei; ở đó thổ cẩm Cham vẫn giữ nét đẹp truyền thống, nhưng sản xuất nhanh hơn và nhất là, chuẩn hơn.
Kết hợp làm Thời trang Thổ cẩm với Minh Hạnh, sau đó là những chuyến đi Tây Âu, Nhật và… hơn mười nước khác. Có thể nói, Thổ cẩm Cham đã có thương hiệu trên trường “quốc tế” qua những chuyến mang chuông đấm xứ người này.
Vân vân…
Những “đầu tiên” ấy góp phần đẩy nhanh sự lớn mạnh của Công ty Inrahani, qua đó thúc đẩy Thổ cẩm Cham phát triển.
Thổ cẩm Cham-2. KHỔ ẢI ĐỜI “ĐI CRU”
Ai đang đi kia?
Gói khăn dằn lên lưng gùi qua đất Thượng
Chàm mình nghèo mà Thượng có giàu đâu
Nhưng đã đi thì phải quến nhau
Có kịp không, với vòng xoay công nợ?
(trích Trường ca “Quê hương” trong Tháp nắng-1996)
Nhà văn là kẻ lưu trữ kí ức dân tộc. Tôi là sinh linh như thế, với Cham. Nhất là với palei Chakleng quê mẹ tôi. Thuở bé chăn trâu, câu cá, bắt dế, làm ruộng – tôi thuộc từng khúc mương, gò đất, bụi cỏ; “cách mạng” về hợp tác hóa nông nghiệp, tôi kế toán trưởng HTX góp công phá ruộng lấp sông, thế nên mọi biến động dù nhỏ nhất của mảnh đất quê hương tôi nằm lòng.
Biến thiên đời sống Chakleng cũng không khác.
Thuở ấy gia đình tôi trâu thuê ruộng rẽ, ba cha con tôi bao xâu ít nhất 20 giạ gieo mỗi mùa ở nhiều đồng khác nhau thuộc nhiều chủ ruộng khác nhau, cả Cham lẫn Việt. Vậy mà mãi năm 1971 cha mẹ tôi mới có được mái ngói bằng chú bằng bác. Trong khi công chức chỉ cần một, hai năm lương là sắm ngon lành. Dân lên Cao nguyên “buôn Thượng” ‘nao cru’ thì càng.
Quê tôi mươi sinh linh đã phiêu như thế.
Chakleng buổi ấy không nhà nào không có khung dệt. Làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm. Chỉ với đèn cọc lu, dệt vào đầu hôm giấc trẻ con ngủ, và cả giấc gà gáy sáng. Từ công đoạn bật bông cho đến thành phẩm. Sợi chỉ thường không đều, nhà sang mới qua Huh (làng Cu Hủ) mua thứ tơ xịn. Mày mò “chặt” lách lách lách lách, cực thôi là cực.
Dệt dạng tấm thì cả ngày các mẹ chịu “trói lưng”, dạng dải kiểu hoa văn 7 go trở lên thì phải có thợ “phụ” ngồi cạnh “bắt go”. Tôi mấy bận bị khỏ đầu bởi tội lơ đãng cho qua “biềng” làm hỏng hoa văn.
Xong, gửi dân ‘nao Cru’ đi buôn Thượng. Và đợi tiền về…
Như là khoản phụ thu buổi nông nhàn của các mẹ, các chị. Chả là bao, nhưng ba cọc ba đồng kia vẫn cần cho sách vở con cái. Trong khi “dân buôn” chỉ qua ba, bốn chuyến là lên nhà ngỏi loại cao cấp không đóng rêu.
Buôn Mọi lỏi xương. Mấy người đi biệt tích, thêm bao sinh linh mang bệnh lạ về nằm chờ chết. Bộn lời đồn xung quanh chuyện người Thượng yểm bùa. Đúng sai tới đâu không ai kiểm chứng.
“Cham jhaak hatai, Raglai ngak iniai’: Kẻ Chàm xấu tâm, người Thượng trù yếm.
Dẫu sao có cực ra sao bà mẹ Chakleng cũng không bỏ nghề. Mất tích hay mang thứ bệnh ngặt nguy tới đâu, quý ông Chàm vẫn cứ lên Thượng. Mỹ đến, Chakleng có thêm món “buôn sở Mỹ”. Nghĩa là luôn biết tạo đất sống. Cho thổ cẩm. Và cho chính đời sống của mình.
Mãi “giải phóng” đến.