Thổ cẩm Cham 5&6

Thổ cẩm Cham-5. MIỆT MÀI ĐỜI THỔ CẨM

“Dẫu có cực ra sao bà mẹ Chakleng cũng không bỏ nghề. Mất tích hay mang thứ bệnh ngặt nguy tới đâu, quý ông Chàm vẫn cứ lên Thượng. Mỹ đến, Chakleng có thêm món “buôn sở Mỹ”. Nghĩa là luôn biết tạo đất sống. Cho thổ cẩm. Và cho chính đời sống của mình.”…

Các tên tuổi trình độ tay nghề cao, như: Bà Mến, bà Đỡ, bà Thạng và hàng trăm chị em Chakleng… cứ miệt mài, ngày qua ngày. Giữa các bà, các mẹ thời đó, dì Phú Thị Mở nổi bật hẳn lên. Có nguyên do của nó, trong đó thầy Lâm Gia Tịnh chồng dì – bên cạnh cụ Thiên Sanh Cảnh – được cho là trí thức hàng đầu trong cộng đồng Cham, đã góp công lớn. Trước 1975, thầy làm việc ở Trung tâm Văn hóa Chàm – Phan Rang với Cha Moussay, sau nhiều quan lớn từ cấp Tỉnh đến Trung ương quen thân – là vốn vô hình giúp dì Mở quảng bá tên tuổi cùng sản phẩm Thổ cẩm Chakleng.

Mẹ của Phú Thị Mở và ông nội Inrasara là anh em ruột. Tôi gọi bà là Nai Mở.

Trước 75, Nai Mở đã là một nghệ nhân dệt Thổ cẩm hàng đầu, hàng dệt của Nai được rất nhiều khách ưa chuộng, là điều không thiếu các nghệ nhân khác làm được. Chính thời điểm khó khăn nhất, là giai đoạn sau khi đất nước thống nhất, vai trò của Nai Mở mới nổi bật lên. Trong khi Việt Nam chìm vào nghèo đói cùng cực, và trong khi hầu hết người nữ Cham già trẻ lớn bé bị thì cuộc cuốn lôi vào chuyện kiếm sống qua ngày, Nai Mở vẫn trụ vững với Thổ cẩm dân tộc. Nai vẫn cứ miệt mài lưu giữ, kiên trì tìm tòi, và sáng tạo các mặt hàng độc đáo cung ứng cho những vị khách đặc biệt.

Do đó, không lạ khi Nai Mở từng được mời tham gia nhiều cuộc triển lãm lớn ở trong nước, sau đó vinh hạnh được Công chúa Thái Lan mời qua biểu diễn nghệ thuật dệt Thổ cẩm Cham tại thủ đô Bangkok. Là niềm hãnh diện cho Nai, và cả cho Cham.

Không chỉ hãnh diện thôi, mà sự kiện ấy còn giúp người nữ Chakleng thấy được giá trị nghề dệt truyền thống dân tộc mình, kích thích chị em chí thú với nghề nghiệp hơn.

Thế hệ chuyển tiếp, khi Cơ sở Thổ cẩm Cham Inrahani ra đời, rồi Công ty TNHH Dệt may Thổ cẩm Cham Inrahani được thành lập, và khi Thổ cẩm Cham xuất hiện tại trung tâm TPHCM nhanh chóng lan ra cả nước thì Thổ cẩm Cham tiếng rền vang, từ đó báo chí tìm đến.

Nhưng lẽ nào hàng Thổ cẩm cứ mãi quẩn quanh ở trong nước?

Cty được các cơ quan Trung ương mời đại diện cho hàng thủ công Việt Nam dự vài cuộc triển lãm quốc tế, được các Công ty lớn ở nước ngoài mời, cả giám đốc Cty vài chục lần đưa Thổ cẩm đến các nước. Nhật, Thụy Sĩ, Pháp, Đức, Bỉ, Singapore, Thái Lan, Lào…

Sau thế hệ Nai Mở và cô Trụ, dường không còn ai đủ sức và tầm làm Muk Thruh Palei gánh vác công cuộc. Hay đã có tên tuổi nào khác với cách thức khác mà tôi không nhìn thấy? Nếu thế thì hay xiết bao!

Thổ cẩm Cham-6. THỔ CẨM CHAM ĐI RA THẾ GIỚI NHƯ THẾ NÀO?

[hay: Vai trò “ẩn” của tôi trong quảng bá Thổ cẩm Cham]

Tết 2021, một bạn trẻ làm đề án khoa học về làng nghề Cham, qua trao đổi với tôi, đã đưa ra nhận định, rằng hiện nay dường Thổ cẩm Chakleng kém tiếng hơn Gốm Bàu Trúc. Tôi nói:

– Chính xác, bởi ở đó không còn nhà báo… Inrasara!

Mùa Hè 2016, chuẩn bị bài phát biểu tại chương trình hội thảo: “Bảo tồn văn hoá, Doanh nghiệp xã hội làm được gì?” do NGO tổ chức tại TPHCM, bà giám đốc Công ty Thổ cẩm Cham Inrahani than, thổ cẩm bấy nay xìu quá…

Tôi nói: Bởi không còn ai PR nó nữa…

– Sao hồi đó có đến trăm bài, và em cũng nổi tiếng…

– Chớ ảo, bởi hơn nửa phần trong đó từ nhà ta mà ra.

– Là sao?

– Là thế này, một phần do anh mớm ý và cung cấp dữ liệu cho nhà báo, phần nữa là của chính anh, số còn lại mới của các nhà khác.

Bà xã vẫn chưa hiểu. Tôi giải thích:

– Mẹ nó không biết đâu, bài đầu tiên “Phục hồi nghề dệt Thổ cẩm Chakleng” trên báo Tuổi trẻ Chủ nhật tháng 9-1994 của Trần Dũng, đích thị là ông Inrasara! Ổng còn bày ra nhiều bút danh khác để viết ca tụng Thổ cẩm Cham, Inrahani và Chakleng nữa! Đăng toàn báo ngon lành không hà: Kiến thức Ngày nay, Lao động, Phụ nữ thành phố…

– Ca tụng đúng, sao lại không cơ chứ! – Tôi kết, trong khi bà xã còn chưa thôi ngơ ngác.

Ở thế giới chữ nghĩa, tôi xuất hiện đầu tiên với tư cách nhà báo, theo kiểu cắc cớ ấy.

Không dừng ở đó, tôi quảng bá Thổ cẩm Cham bằng nhiều hình thức khác nhau.

Tháng 9-1996, chúng tôi mời nhóm nghệ nhân Cham từ Phan Rang vào Sài Gòn, ăn ngủ nhà anh Mười ở đường Đồng Khởi nguyên tuần, chuẩn bị văn nghệ chào mừng Hội chợ Triển lãm Quang Trung. Tôi viết bài phát biểu hai trang. Và trước khi rút lui về Đại học, tôi dặn kĩ Trà Vigia:

– Yut cứ lên bục mà đọc với ngẩng lên cúi xuống đều nhịp không thêm bớt chữ nào, là ổn.

– Còn khoản kính thưa?

– Vụ này yut không năng khiếu như tiến sĩ Thành Phần, càng thiếu chất nhuyễn của “chị Trụ”, vậy cứ mỗi “kính thưa hội trường” là được.

Và Trà [vừa về từ Trại Thái Lan] đã đóng thùng với cravat, chấp hành nghiêm y chánh bản. Thế là tại đấy, Inrahani giật cùng lúc 4 Huy chương Vàng!

Tháng 11-1996, Hội nghị Nghề Thổ cẩm tại Hà Nội, tôi cũng bày cho bà Hani hệt thế. Và còn hơn thế, tôi biến bà Hani thành tâm điểm của Hội nghị. Phần tôi giờ giải lao, sắm vai nhân viên đứng bán hàng được hội nghị ưu tiên dành một góc trang trọng nhất của hội trường. Khách mời bu vào thổ cẩm Cham giành mua đến tôi đếm tiền không kịp thở. Lúc ấy tôi đang rất nổi tiếng qua hàng loạt bài thơ xuất hiện dày đặc trên các trang báo cả nước. Rồi khi biết tôi là ông xã của “tâm điểm” kia, cánh nhà báo vây chặt tôi phỏng vấn ôi thôi phải bỏ luôn buổi cơm trưa.

Bà Lê Thị Nhâm Tuyết giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và môi trường trong phát triển, tổng kết hội nghị, rằng “Inrahani là câu trả lời cho câu hỏi: làm thế nào để phát triển nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc”.

Nữa, năm 2000, dự Hội chợ Triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ châu Á tại 7 thành phố lớn ở Nhật, chúng tôi lên truyền hình nói chuyện trực tiếp với khán thính giả Nhật Bản. Hani nói tiếng Cham, tôi triển khai tiếng Anh, để nữ MC xinh đẹp chuyển sang tiếng Nhật.

Mười năm sau, tôi dành khu vực trang trọng nhất Thủ đô cho Thổ cẩm Cham tung hoành suốt nửa tháng tại “Không gian Văn hóa Cham”!

Và nhiều nữa…

Tất cả, tôi luôn ẩn mình đằng sau cánh gà [hay hậu trường] cho Công ty TNHH Dệt may Thổ cẩm Cham nổi lên, Thổ cẩm Cham và văn hóa Cham vang xa hơn.

Vậy mà bà Hoa Fatimah cứ kêu tôi “tự khoe khoang”!!!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *