Đối thoại Cham-36. YÊU VĂN HÓA CHAM KIỂU NÀO?

“Hiểu thì yêu hơn”, vậy tôi có yêu văn hóa Cham [hơn] không?

– Có, và không.

Ở một hội thảo văn học tại Ban Mê năm 1998, nhà báo kiêm nhà thơ Hoàng Thiên Nga hỏi tôi: – Anh khai thác gì từ văn hóa Cham? – Tôi nói:

– Tôi không khai thác, mà từ giữa lòng văn hóa ấy bước ra, mang nó đến với thế giới.

Có thể nói, ngay từ tuổi tìm học, tôi đã hiểu văn hóa Cham. Không phải hiểu theo nghĩa đa văn quảng kiến, mà là hiểu thần hồn nó.

11 tuổi, ba tháng hè tôi đã đạp xe qua mươi palei Cham bán cà-rem. Lên lớp Đệ Thất Pô-Klong, mỗi cuối tuần tôi theo bạn học đi không thiếu palei Cham nào ở Ninh Thuận. Xoài, Hộp ở Ram, Toán, Thọ palei Hamu Crok, Đảo Hamu Tanran, Thương Boh Dana, Ngon Bal Riya, còn ở Pabblap với Cwah Patih tôi có bát ngát bạn. Tôi theo họ đi, ăn, ngủ, và ở lại. Trong lúc các bạn học vui thú tuổi trẻ, tôi có thú vui kiểu khác: làm cụ non tìm đến hóng chuyện cùng mênh mông cụ già Cham. Rồi những tháng năm lang bạt sau đó nữa…

Hỏi tôi có yêu văn hóa ấy [hơn] không? Tôi không yêu như cách hiểu của nhà nghiên cứu hay của nhà đấu tranh cho xã hội, thế nên tôi không chủ trương hay trách nhiệm bảo tồn nó. Không lạ, khi tôi ý định giao toàn bộ tư liệu về ngôn ngữ cho một bạn, khi bạn ấy vừa tốt nghiệp Đại Học, tặng yut khác tư liệu văn học Cham, khi yut ra tù. Rủi thay, cả hai từ chối.

Tôi thành nhà nghiên cứu [văn hóa Cham], là ở thế buộc.

Chuyện khác…

Năm cuối Trung học Đệ nhất cấp Pô-Klong, thế hệ đàn anh tôi sinh viên Đà Lạt về trường cũ nói tiếng Cham độn tiếng Việt nghe đến phát ớn. Tôi thấy ẹ quá, liền phản ứng: vừa chủ trương nói toàn Cham vừa đùa nghịch các anh bằng độn tiếng Việt kinh hơn, phi lí hơn nữa.

Thuở sinh viên, tôi với ‘yut’ Thủ hạ quyết tâm: nói rặt tiếng mẹ đẻ. Muốn thế, Thủ phân công tôi với yut Đảo “làm” từ điển Việt Cham! Thủ quyết: chữ nào chưa dịch được thì thay bằng cụm từ “yau panôic Jơk laic” “như tiếng Việt nói”…

Sau, mỗi bạn chia xa mỗi ngả rẽ cuộc đời, mình tôi ở lại: không còn chủ trương, mà tự nhiên như nhiên. Tôi không hô hào nữa, mà chỉ dạy vợ con nói. Gia đình tôi nhập cuộc Sài Gòn hơn non phần tư thế kỉ vẫn [học] nói tiếng Cham “harat”, ngoại trừ bà xã. Hani biện hộ: “thế cho nhanh”. Nhanh, vì không yêu thương.

Tôi cũng dạy vợ con tuyệt KHÔNG phán xét người vắng mặt. Bình luận xã hội thì được, và bình rất dân chủ, phán xét – tuyệt đối không. Các con OK, lại ngoại trừ bà xã. Hani cãi: “Em nói sự thật mà”. Tôi bảo: “Nếu là sự thật, hôm nào anh mời họ đến nhà mình để em bình luận trước mặt ông/ bà ta nhé”. Thế là giận!

Tôi gọi đó là “sống minh triết Cham”, minh triết cả trong sinh hoạt ngày thường.

– Nói thế, cớ sao anh hết mình với văn hóa Cham như đã, hay như người đời cho là thế?

– Thực tình, nghiên cứu dân tộc nằm ngoài mơ mộng của tuổi trẻ tôi. Sau triết học và thi ca, nghiên cứu chỉ như một trong những nghĩa vụ “tam chúng” của tôi. Tôi gọi đó là “hành động trong chân trời khả thể”. Tạm trích:

Sau giai đoạn lạc đà gánh vác mấy nặng nhọc của thế nhân băng qua sa mạc người, và sau hành trình làm sư tử cuồng nộ phản kháng lại thế giới, hắn làm cuộc hóa thân thứ ba: không phải thành trẻ thơ hát ca như Nietzsche, mà là trở thành Tình Nhân của Mặt đất. Cư trú tại Nhà, hắn cùng vạn sự vật tương liên với cái Nhà – chấp nhận nó, và yêu thương nó. Khi hiểu như thế, hắn “trở về” sống “hòa” với người xung quanh, với thế giới sự vật xung quanh. Không chọn lựa. Hắn học yêu nó, mỗi ngày!

Krishnamurti (Freedom from the Known):

There is no such thing as doing right or wrong when there is freedom. You are free and from that centre you act. And hence there is no fear, and a mind that has no fear is capable of great love. And when there is love it can do what it will.

Khi đã tự do, ta hết còn phải lo vấn đề phải quấy. Ta tự do, và ta hành động từ tâm điểm đó. Ta không còn sợ hãi. Với tâm thức vượt thoát mọi sợ hãi, một tình yêu bao la sẽ tràn ngập. Từ tâm điểm yêu thương kia, ta sự sự vô ngại. Ta “hành động tùy thích mà không đi ra ngoài khuôn phép” (Khổng Tử).

Tôi là Cham sinh ra tại Chakleng trong đất nước Việt Nam cư lưu bập bênh giữa hai thế kỉ XX và thế kỉ XXI. Nghiên cứu văn chương và ngôn ngữ Cham, dù biết chắc chắn nó sẽ tan biến ở một tương lai mơ hồ nào đó của dằng dặc thời gian, nhưng tôi vẫn hết mình. Và vui thú với hành động kia.

Đó là ý nghĩa của vô nghĩa, huyền nghĩa của tự do – yêu thương – và chăm sóc. Ý đồ khai thác trục lợi [và danh] không có đất sống ở đây. Hành động đó càng không liên can gì đến vụ gánh trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

P.S.

Cuộc sống nghĩ cho đến cùng là VÔ NGHĨA. Do đó những nỗ lực của sinh linh nào đó cũng vô nghĩa. Nhiều nền văn minh của nhân loại đã chết, và bị lãng quên.

Ở đây Huyền thoại Sisyphe nói lên đầy đủ sự vô nghĩa này. Ông ta lăn tảng đá lên đỉnh núi rồi tảng đá lại rơi xuống, và ông ta tiếp tục lăn… Ông ta hiểu nó là phi lí nhưng vẫn làm, ông ta là con người hạnh phúc.

Sara cũng hệt. “Nghiên cứu văn chương và ngôn ngữ Cham, dù biết chắc chắn nó sẽ tan biến ở một tương lai mơ hồ nào đó của dằng dặc thời gian, nhưng tôi vẫn hết mình. Và vui thú với hành động kia.

Đó là ý nghĩa của vô nghĩa, huyền nghĩa của tự do – yêu thương – và chăm sóc.”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *