Khó nhất, so với lấy bằng tiến sĩ, làm nghiên cứu, hay phê bình.
Lạ, thơ cũng là loài dễ làm nhất, ít dụng công nhất, kẻ viết dễ thành nhà thơ nhất. Tiến sĩ, bạn phải chịu khó ngồi giảng đường, theo hầu giáo sư hướng dẫn, và cả biết đến văn hóa chạy nữa. Nghiên cứu hay phê bình [cả tiểu thuyết], bạn cần tìm tài liệu, làm hồ sơ, và nhất là chịu bám bàn viết. Thơ, thì không. Ngẫu hứng và bất kì đâu cũng ra thơ.
Tuổi trẻ tôi từng như thế như thế.
Lớp đệ Tứ, ba ngày liền tôi đẻ nguyên tập thơ chép đầy cuốn sổ nhỏ tặng Chế Đạt bạn thân. Tặng, sướng lắm, rồi quên béng đi. Mãi 40 năm gặp lại bạn nhắc, tôi mới nhớ. Hôm nay cứ tưởng tượng nó rơi vào tay để mình đọc lại, buồn cười chết đi được.
Hè 1975 “giải phóng”, tôi cùng các bạn mở khóa dạy ‘Akhar thrah’ trong hai tháng. Để phục vụ lớp học, tôi viết hai trường ca bằng tiếng mẹ đẻ. Mỗi tối một tác phẩm! Vậy mà sau này VTV làm phim về tôi, vẫn có người thuộc nó, và đọc lại.
Vào Sài Gòn làm sinh viên năm 1977, cánh bạn làm đặc san kêu tôi viết tựa. Chả ngán, tôi ngồi vào bàn và chơi ngay ba trang thơ. Sinh hoạt tại Sơ Thú, đọc cho anh chị em nghe, và duyệt ngay. Trượng Ngạt còn kêu lên: Đích thị Tố Hữu Chàm!
Cũng ngon chớ bộ, dù tôi biết đó không phải… thơ.
Sau đó, suốt 20 năm tôi viết hàng trăm bài thơ [lẫn trường ca] cả tiếng Cham lẫn Việt, đóng tập, đọc nghe khoái tỉ, để rồi cuối cùng vứt tất! Chúng cũng chưa phải là thơ. Cứ thế, sự thể kéo dài mãi tập thơ đầu tay Tháp nắng ra đời khi tôi tứ thập “nhi bất hoặc”.
Thơ, dễ mà cực khó, là vậy
Kẻ làm thơ cần đọc thật nhiều, học dài hạn, và phải yêu sâu đậm. Yêu, nhưng không được quyền bảo vệ nó, khi ta đã ném nó ngoài mưa gió cuộc đời. Chớ không như nhiều nhà thơ Việt Nam, bị phê bình là nhảy xổ ra cắn nhà phê bình để bênh vực “đứa con tinh thần”.
Nhảm!