Lấy bằng tiến sĩ đút túi thì dễ, làm nhà nghiên cứu mới khó. Nghiên cứu – dễ, phê bình khó hơn. Làm nhà phê bình – dễ, để thành một nhà thơ [sáng tạo] mới thực sự khó.
Không đùa đâu, cứ dòm qua phía chính thống, Việt Nam đến nay mới có ngàn nhà văn, còn tiến sĩ ta con số gấp 30 lần. Chả khó là gì!
Lạ, Cham mình lại thích làm chyện khó là THƠ, hơn thứ dễ: NGHIÊN CỨU. Dễ hơn nữa là LÀM GIÀU, mà ta không chịu… làm.
GIÀU. Tôi đã từng giàu. Giàu bằng sức hẳn hoi, sau đó bằng trí. Chuyện mình đã kể vài lần, nay kể chuyện thiên hạ.
Đầu tháng 12-2020 anh em văn nghệ ngồi với nhau ở Làng nướng Đông Dương – Phan Rang. Thi sĩ Đồng Chuông Tử hỏi anh tiến sĩ từ Hà Nội đang cố vấn cho một cty chế biến thực phẩm mới nổi:
– Qua con mắt chuyên môn của “em”, Ninh Thuận nuôi con gì, trồng cây gì hiệu quả?
Anh bạn trẻ trả lời qua loa:
– Với kĩ thuật hiện đại, con hay cây gì không còn quan trọng. Đất Ninh Thuận chỉ chế biến mới có ăn. – Ngưng giây lâu, anh tiếp:
– Ngay chế biến cũng khó cạnh tranh. Theo tôi, du lịch sẽ là nguồn thu chủ đạo của tỉnh nhà…
Tôi nhất trí cao với anh bạn trẻ người mà không non dạ.
Hổi vụ dự án thép Cà Ná đang cao trào, ở bài “Việt Nam: giàu, đẹp và tanh bành” đăng RFA, tôi đặt câu hỏi: “Ninh Thuận thực sự cần gì? – Nước, du lịch văn hóa Cham và du lịch bán sa mạc”. Tại sao Cham không thể làm giảu từ du lịch văn hóa làng?
Từ Chakleng với [Làng nghề] Thổ cẩm, Đồng Careh [Isvan và…], Homestay INRA [Jaka], Nhà Trưng bày Văn hóa Cham [Jaya quản lí] sang Gốm Bàu Trúc [Phú Thuần và…] qua vùng Paprong [palei Boh Dana, Kacak…] rồi tới Bal Riya, hay Pabblap với nghề thuốc nam [Kiều Maily, Xuan Bao]…
Tôi thử đi một vòng, nhìn ra ở đó cả suối tiền chảy vào túi Cham.
Có ai NHÌN RA và làm THẬT chưa?! Không tị nạnh mà biết kết hợp, hỗ trợ nhau làm. “Buôn có bạn, bán có phường”. Làm được, mình vừa giàu vừa sang, thêm: Người ngoài được cuốn đến ta nói về văn hóa Cham, họ sẽ hiểu Cham hơn, quý trọng văn hóa và đời sống Cham hơn nữa.
Muk Thruh Palei ghét tệ cái nghèo. Nghèo, là đầu mối mọi tội lỗi. Nguyễn Công Trứ: “Lục cực bày hàng sáu, rành rành kinh huẩn chẳng sai/ Vạn tội lấy làm đầu, ấy ấy ngạn ngôn hẳn có”.
Làm giàu, dễ lắm.
Đầu thập niên 1990, mở quán tạp hóa nhà quê, tôi giàu.
Vào Sài Gòn, mở cửa hàng bán thổ cẩm ở thương xá TAX, tôi giàu.
Qua Nhật, dạo một vòng siêu thị, chớp lấy một mẫu độc, về – tôi tổ chức chế tác và hốt tiền. Vân vân…
Tôi từng bày nhiều Cham làm giàu, chỉ ra rất CỤ THỂ, nhưng hoặc họ kém tinh thần phiêu lưu hoặc họ thiếu tự tin thành rơi mất cơ hội làm giàu.
Xưa, Cham làm thương mãi có hạng, nay – hà cớ ta đánh mất truyền thống siêu đẳng ấy?!