Đi tìm sinh lộ cho Cham ‘Ahiêr Awal’-5. CẢI CÁCH, TẠI SAO & THẾ NÀO?

Cải cách, tại sao thì rõ rồi, bởi thời đại thay đổi thì tập tục thay đổi, không thể khác. Cải cách để thích ứng với phát triển của thời đại. Ở Cham Pangduranga, ba cải cách lớn thời gian qua: ‘Kut’ Cham ‘Ahiêr’, ‘Đam thu’ “Đám khô” và Nhà vệ sinh trong ‘Thang Mưgik’ của Cham ‘Awal’.

[1] ‘Kut lihin’ tập hợp tinh cốt của người chết “không lành” bị cho nằm góc khuất riêng trong khuôn viên ‘Kut’, đìu hiu và trông rất tội. Để mỗi Lễ Nhập ‘Kut’ là mỗi bận người nhà khóc thảm cho người thân đã khuất bị phân biệt đối xử nơi thế giới bên kia.

Nhiều gia đình bị thế, muốn làm khác đi mà không thể.

Chuyển ‘Kut lihin’ lên nhập chung vào khu vực ‘Kut’ chính, là điều thiên nan vạn nan ở cộng đồng Cham ‘Ahiêr’, vậy mà ‘Pô Adhya’ Hán Bằng Chakleng làm được. Đó là cuộc cách mạng vừa mang TÍNH NHÂN VĂN, vừa thuận lòng người!

[2] ‘Đam thu’ “Đám khô” cũng vậy. Cham chết được mang đi “gửi tạm thần Đất” (‘ba nao paywa’) dưới hang ‘labaang’ thành ma, là điều Cham rất ngán. Thế nên dù gì thì gì người nhà cũng cố làm ‘Đam that’ “Đám tươi”. Tội là ở đó không ít đám đợi ngày lành cho lễ thiêu đã phải chờ 2-3 tuần, thì bà con nào mà chịu nổi.

Để đảm bảo SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG, ông Châu Văn Mỗ và thầy Quảng Đại Hồng ở Chakleng đã dám làm cuộc thay đổi lớn về lối nghĩ cũ, chuyển tất cả thành ‘Đam thu’ “Đám khô”.

[3] Dựng nhà vệ sinh ngay trong khuôn viên ‘Thang Mưgik’ cũng là vấn đề lớn, bởi trước đó chưa đâu đã từng. Dù đó là NHU CẦU CẤP THIẾT cho sinh hoạt, là điều ai cũng thấy và muốn, chớ quyết thì không ai dám!

Ở Pabblap Birau khi Imưm Tân Đạo Văn Tý đưa kiến nghị, Pô Gru Dương Kế bảo: Tốt lắm, miễn là ta có cách nói sao cho các Halau khác khi về hành lễ ở palei ta để họ nghe thuận tai, là được. Từ đó ‘Thang Mưgik’ các palei còn lại đều có nhà vệ sinh ngay trong khuôn viên thánh đường.

Kết. Phong tục tập quán thay đổi theo thời, dù nó thâm căn vào lối nghĩ của quần chúng tới đâu cũng không thể khác. Khi đó là Nhu cầu cấp thiết, đảm bảo Sức khỏe cộng đồng và mang Tính nhân văn.

Nhưng LÀM thế nào?

[1] Câu hỏi đặt ra trước tiên là AI LÀM?

Chakleng lại là đất đi đầu. Tại đây các thế hệ TRÍ THỨC luôn có mặt, kế thừa truyền thống cải cách! Xin kể mỗi thế hệ ba tên tuổi tiêu biểu: Ông Klơng Phú Thân, ‘Pô Adhya’ Hán Bằng, ông Châu Văn Mỗ, tiếp đến là thầy Quảng Đại Hồng, chú Hà Văn Đậy, anh Đổng Đường rồi chú Đạt Chữ, các anh Phú Hữu Tỏ, Đàng Thiên, Dương Tấn Ngọc, Bá Văn Bẩm, Quảng Đại Thính – không đứt quãng.

Theo Kiều Maily trong Palei Phước Nhơn của tôi, làng này cũng có vài cải cách khác nhưng không nhiều và thiếu sự liên tục như Chakleng. Tại sao? Trí thức quá mỏng, thiếu tính kế thừa, và nhất là hiếm khi ngồi lại bàn việc chung.

[2] Chakleng biết CÁCH LÀM.

Có phương pháp đúng, đồng tâm hiệp lực thì tất cả sẽ thành. Chứ việc loại bỏ lệ giết trâu cho “Đam padhi’ ở Cham ‘Awal’ là điều cả cộng đồng ưng thuận, chỉ do anh chị em Pabblap vừa qua làm sai cách, nên xôi hỏng bỏng không. Và đổ bể (sẽ bàn sau).

[3] Mục đích của cái cách là vì quyền lợi chung cho cả cộng đồng [palei, hay Cham], chứ không tư lợi, dù đó là lợi vật chất hay thuần túy muốn tăng uy tín cá nhân cũng không nên chen chân vào chốn này.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *