Đi tìm sinh lộ cho Cham ‘Ahiêr Awal’-2. 3+3 VIỆT [VÀ VIỆT NAM] HỌC GÌ TỪ CHAM?

Viễn cảnh tương lai Raglai và Việt Nam, nếu người Raglai [và vài dân tộc nhỏ khác] ở tự thân mang nguy cơ bị đồng hóa hay tự diệt, thì người Việt [và Việt Nam] dù bị Trung Quốc chèn lấn mọi bề, ở đó vẫn tồn tại dòng nước ẩn, để hi vọng. Cham cư trú bập bênh giữa hai “thế giới” ấy.

Nếu ở triều Minh Mạng, đại khủng hoảng suýt đẩy Cham vào con đường diệt vong thì dưới thời đại Cộng Sản, Cham đang phải đối phó với nguy cơ khác kinh khiếp không kém, đó là sự đánh mất tinh thần sáng tạo.

Việt học gì từ Cham?

Quá khứ, Đại Việt đã bỏ lỡ ba lớp học cao cấp: Kĩ thuật xây tháp, kĩ thuật đóng tàu viễn dương và cả kĩ thuật dệt tơ lụa. Nuốt xong Champa, nếu quần chúng Việt biết học từ Cham cách làm mắm cùng mảnh vụn văn hóa các thứ, thì ba kĩ thuật siêu đẳng trên phải được tiếp nhận nghiêm túc từ cấu trúc thượng tầng [tức triều đình], vậy mà Đại Việt đã không – để mà chịu thiệt.

Còn hôm nay, Việt [và cả Việt Nam] cần phải học gì?

[1] Tinh thần hóa giải và hòa giải. Suốt dòng lịch sử, người Việt cũng có hòa giải, ở đó “tam giáo đồng nguyên” là một. Dẫu sao Phật, Khổng, Lão chả là gì cả nếu so với Bà-la-môn và Islam. Người Việt chưa từng đối mặt với hai ý hệ không đội trời chung để thử lửa.

Cham thì khác.

Xung đột thù địch mang tính sống còn giữa Hồi giáo và Bà-la-môn khiến Ấn Độ vỡ đôi thành Pakisstan, sau đó Hồi quốc này tiếp tục banh ra thành Bangladesh. Với Cham thì khác. Vào Champa, Islam bị hóa giải thành Bà-ni, Bà-ni hòa giải Bà-la-môn thành tôn giáo ‘Ahiêr Awal’ độc nhất vô nhị trên thế giới. Là điều chỉ có Cham làm được!

Thiếu bài học xương máu, khi Cộng sản và Tự do chọn đất này thử lửa, qua non thế kỉ tiêu tốn mấy triệu sinh linh và làm tan đàn xẻ nghé suốt 40 năm, người Việt vẫn chưa tìm thấy đâu lối ra cho hòa giải hòa hợp dân tộc. Hà cớ không học ở Cham?!

[2] Tư duy biển lớn. Người Cham và văn hóa Champa với ‘ý thức về đại dương, biển lớn’ (chữ dùng của Tạ Chí Đại Trường, 2009, Bài sử khác cho Việt Nam, NXB Văn Mới, Hoa Kì, tr. 23) sớm và mạnh, đã để lại dấu ấn đậm nét trên một vùng biển Đông Nam Á rộng lớn.

Cham làm một với Việt Nam hơn hai thế kỉ qua, trong khi quần chúng miền Trung mang dòng máu/ ảnh hưởng tinh thần Cham, đã phiêu lưu tận hải phận Philippines, Indonesia đánh bắt cá, riêng cấu trúc thượng tầng – Việt vẫn chưa chịu học. Học sớm, ta đã đi trước [như lập hồ sơ, kết giao mang tính chiến lược…] Trung Quốc mấy bước dài rồi [bởi chính Tàu cũng thiếu “tư duy biển lớn”] chứ đâu phải muộn màng như hôm nay để phải chịu trận. Làm sao sửa chữa sai lầm lịch sử?

[3] Cuối cùng là tinh thần sáng tạo Cham.

Ở bề sâu lịch sử và tính cách, tố chất nổi trội hiếm có của người Việt là “tinh thần quật khởi”. Nữa – người Việt còn học thêm món mưu mô [xảo quyệt] từ Tàu. Cham thì khác, đẫm tinh thần Shiva: Phá hủy và [để, là] sáng tạo.

Sáng tạo, Việt chả làm gì ra hồn, ngược lại với tố chất “quật khởi”, ta không phải lo lắng chuyện người Việt bị đồng hóa hay đất nước Việt Nam bị thôn tính.

Dân tộc này được cấu trúc bằng bộ gien kì lạ! Triều đại thay đổi vùn vụt, Đinh Lý Trần Lê hay Mạc Trịnh Nguyễn Tây Sơn hoặc Cộng Sản gì gì sớm muộn cũng đổ, riêng tổ quốc Việt Nam còn lại.

Mỗi Việt Nam là muôn năm. Với trái đất này cùng vũ trụ này.

Phần sáng tạo, cả ở quá khứ lẫn tương lai, Việt Nam cần đến Cham.

Cham không chỉ là “gạch nối nối liền nước ta với Đông Nam Á hải đảo” (Viện sĩ Phạm Xuân Thông, “Lời giới thiệu”, Điêu khắc Chăm, NXB Khoa học Xã hội, 1988), mà còn khả năng làm đầy tràn yếu tố [cần và đủ] để biến Việt Nam thành cường quốc. Thứ thiệt!

Mỗi sinh linh Cham cần nhận biết tố chất ấy của mình, mà thi triển. Việt cần nhận biết nó hơn bao giờ, để đừng phải lo sợ “Cham đòi nước”, mà biết tạo cơ hội và điều kiện cho Cham phát huy tối đa tố chất của mình. Chung tay cho tương lai đất nước này.

Không tuyệt sao!?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *