Tháng 6&7-2017, tôi có loạt tút: “Khám phá lớn nhất của tôi là khám phá về tình yêu”, với vài tiêu đề: Yêu là biết lắng nghe, Yêu là khai tính, Yêu có nghĩa là biết chăm sóc, dám chiến đấu bảo vệ, Yêu là biết lan tỏa, Yêu & nhập cuộc, Yêu cái gần gũi… cùng những cụ thể: Yêu thơ, yêu tư tưởng, yêu tự do, yêu cây, yêu palei…
Nay, nhân buổi giao lưu về văn học, xin đăng lại một bài.
“Giữa thế giới giàu sang vô độ này, cả nền thơ không thể cứu chuộc chúng ta
trong thế giới nghèo túng cùng cực này, một câu thơ cũng có thể cứu vớt chúng ta”
(Inrasara, Lễ Tẩy trần tháng Tư, 2002)
Yêu thơ, tôi chép thơ, thuộc lòng thơ. Yêu thơ, tôi làm thơ, biên tập, tổ chức thơ cho báo, viết giới thiệu và phê bình thơ, xét hội viên thơ, chấm giải thơ các loại thuộc các cấp. Yêu thơ, tôi nghiên cứu thi pháp thơ, các lí thuyết về thơ.
Yêu thơ, tôi thuyết trình, chủ trì Bàn tròn Văn chương về thơ. Tôi sẵn sàng dấn mình tranh luận bảo vệ thơ, khi thơ bị xâm phạm, bị lợi dụng, bị phân biệt đối xử qua nhiều hình thức khác nhau.
Dù ý thức sâu thẳm thơ không là gì cả, là thứ vô ích nhất trong những thứ vô ích trên trần đời, đã yêu thì phải nhập cuộc hết mình. Nhập cuộc đầy trách nhiệm.
Yêu, có nghĩa là biết/ dám đấu tranh bảo vệ.
Tôi yêu thơ. Thơ tiếng Cham, Việt, Pháp, Anh. Là một sinh linh Cham sống trong đất nước Việt Nam, tôi thường xuyên đi lại với thơ Cham và thơ Việt.
Riêng thơ Việt, là thơ đương đại – nhấn về cái mới. Ở nhiều góc độ, khu vực hay vùng miền: Thơ Bắc Nam trước và sau 1975, thơ trong/ ngoài nước, Dân tộc thiểu số/ đa số, nam/ nữ, là và chưa là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam…
Yêu, đọc thưởng thức vậy thôi. Phải đến khi văn học mạng ra đời và phát triển mạnh vào đầu thế kỉ XXI, tôi mới tập trung [phê bình] “lập biên bản”. Qua đó, có thể nói tôi khá rành thơ Việt đương đại cùng các ngóc ngách sinh hoạt xung quanh nó.
Yêu thơ, tôi cho đi và nhận về. Tôi được nàng ban tặng mươi giải thưởng các loài, được bạn thơ tặng bạt ngàn bản thảo thơ, tập thơ. Tôi quen mênh mông người thơ, và thu về non trăm bài thơ bạn thơ viết tặng.
Thơ là nghệ thuật đỉnh cao. Lẽ ra ở đó diễn ra trận đấu lớn – trận đấu ở những đỉnh cao, trận đấu đầy yêu thương giữa con người khổng lồ, như Heidegger nói – để đưa thơ trở về với yếu tính của nó. Đáng buồn là, ở các trận chiến tôi trải qua, hiếm khi tôi hân hạnh nhận được tâm thế và môi trường đấu chiến đó.
Quanh đi quẩn lại chỉ là mấy va chạm lẻ tẻ, nhỏ vụn đầy hời hợt. Và chơi xấu, và bỏ bóng đá người, và quy chụp, và đủ thứ chuyện ngoài lề. Rất chán!
Dẫu sao, khi có phát ngôn sai bậy về thơ, phi thơ và phản thơ bằng cách nịnh bợ quan thơ, núp lô cốt truyền thống tấn công trù giập suối nguồn tươi trẻ của thơ, dựa hơi quyền lực các loại công phá tinh thần tự do của thơ, làm vẩn đục môi trường hòng cấm cản các loại thơ xuất hiện và có mặt; ở đó một khi kẻ phát ngôn là người viết có danh phận, tôi không thể không phản kháng.
Thẳng thừng, quyết liệt, nên lắm lúc gay gắt. Để phơi bày sự thật.
Yêu, thì không thể khác.