Thơ kể & Câu chuyện đời thực Chăm qua ngôn ngữ thơ


* Xe trâu Chăm – Photo Inrasara.

Trích đoạn: Tom Riordan, “Thoughts About Poetry Narrates – Nghĩ về Thơ kể”

… Cuối cùng, “Trâu Khóc” của Inrasara liên quan tới nỗi đau có thực và tưởng tượng chất đầy thời thơ ấu của người kể truyện, tưởng như có ô cửa ma thuật giữa tâm hồn của người kể và nỗi đau của gia đình trâu – tưởng như, một cách mê hoặc, chúng là ghế và ghế. Những sự việc quan trọng cũng xảy ra rõ ràng với và giữa dòng dõi con người như thế, nhưng được biểu lộ qua con trâu.
… Finally, Inrasara’s “The Crying Buffaloes” is about how the real and imagined pain of buffaloes soaked the narrator’s childhood, as if there had been a magical window between the narrator’s soul and the family’s buffaloes’ pain—as if they magically were chair and chair. Important things are clearly happening with and between the people of the family, too, but it only registers via the buffaloes.

Inrasara
TRÂU KHÓC

Những con trâu khóc vào đời tôi. Chàng
Mok hiên ngang một cõi dẫn đàn qua
đồi cọp tát phải mông xe cam nhông
chở về bỏ cỏ nó khóc tin mình

sắp chết, cha đào hố sâu lút đầu
chôn với đám lá, mẹ khóc. Đúng năm
sau cái Jiơng già đứng khóc nhìn cháu
chắt trận dịch sáu hai dắt đi trống

chuồng cô đơn với mấy cu con ngồi
khóc. Cu Pac sừng dài oanh liệt mỗi
mùa cạ gẫy hai đầu cày, cha qua
ngoại cậu út hú mấy chú trói đè

ra cưa mất gần nửa sừng trái, nó
khóc điên dại giẫy đành đạch như hôm
bị thiến, còn hơn thiến trông chả giống
ai, cha về nó khóc. Bạn đi cặp

nàng Pateh mãi khóc cho dáng đẹp rất
đực của mình, cha bắt kéo xe đỡ
riết thành quen, chúng bạn quên mất nó
cái, có mỗi nó nhớ mình cứ trinh

dù đã qua đi sáu mùa rẫy, nó
khóc không nước mắt. Những con trâu khóc
ướt tuổi dại tôi.

The Crying Buffaloes

The crying buffaloes entered my life.
The male buffalo Mok, proudlly in his
land, led the herd across the hill; a tiger
slapped on his butt, and a truck carried

him back. He refused to eat grass, cried, and
believed that he was dying. My dad dug
a pit deeper than my height, and buried
him with branches full of leaves; my mom cried.

Exactly a year later, the old female
buffalo Jiong stood crying, watched her
grandchildren being led away by the ’62
epidemic, and felt the loneliness

in the hollow stable, where her few offspring
sat crying. The bull Pac with long horns
gloriously rubbed and broke two wings of
the plow yoke every season. When my

dad went out to his mom, my youngest uncle
howled and with my other uncles tied the
bull, then sawed away half of his left horn;
the bull cried madly, shook as fiercely as

the day he had been castrated, and as worse
than being castrated for looking like nobody.
When my dad came back home, the bull cried. His
companion, the female Pateh, cried endlessly

for her quasi-masculine beauty. My
dad made her help pull the wagon, and
her peers forgot that she was a female
buffalo; only she remembered that

she was still a virgin and that over
six farming seasons she cried without tears.
The buffaloes cried and wetted my naïve years.

Translated by Phan Khế

Diễn giải của tác giả
Tác giả không nên và không cần giải thích tác phẩm mình, tôi thường nói vậy, khi nhà báo hay nhà phê bình hỏi về thơ tôi. Trừ phi, thơ đó được sáng tác bằng thủ pháp hay hệ mĩ học mới lạ. Nói về hệ mĩ học như cách đưa sợi dây dẫn độc giả đi vào chính tác phẩm đó.
Chuyện 40 năm mới kể & 18 Bài thơ tân hình thức là vậy. Nó đòi hỏi vài diễn giải [mang tính mĩ học] cần thiết. Ở đây tác giả thử kết nối “thơ kể” vơi chuyện thực, như là một mảnh của diễn giải.
Tất cả câu chuyện trong tập thơ là “chuyện thực trong đời thực” ở quê tôi. Chuyện của thời thơ ấu tôi, ám tôi không dứt. Chúng bị khúc xạ qua kí ức tôi, tâm tưởng, và nhất là ngôn ngữ tôi. Chúng lại được kể qua thủ pháp hậu hiện đại và tân hình thức.
Chuyện “Trâu khóc” là một trong những.
Trâu khóc là chuyện của Chăm trong xã hội Chăm, nhưng có lẽ ít người Chăm cảm nhận được khi đọc “Trâu khóc”. Lí giải rốt ráo sự thể này đòi hỏi một tiểu luận khác. Biết rằng, trong một bức thư điện tử gởi cho tôi, nhà thơ Khế Iêm (người khởi xướng phong trào tân hình thức Việt) đã bảo ít chú ý đến bài thơ này, mặc dù nó đã được hai người dịch, đã đăng trên website tanhinhthuc; mãi khi đọc lời giới thiệu của nhà thơ Hoa Kì Tom Riordan (phần trích), anh mới nhận ra ý nghĩa của nó.

Câu chuyện ở đây có 4 con trâu khóc, bên cạnh một con người khóc.
Con đầu tiên là chàng Mok. Đây là tên con trâu đực đẹp và khỏe nhất chuồng của dì tôi – dì Mơi, em kế mẹ. Nhà dì sở hữu bầy trâu có hạng trong làng. Sau mùa cày, dân quê Chăm Caklaing có thói quen đuổi trâu lên ppadơng (thả) rừng Hamu Ganraung cách làng 15-20 cây số miệt núi Chà Bang. Cả trăm chủ như thế. Lũ trâu tự tổ chức bảo vệ nhau. Nhất là buối tối, chúng tập trung quanh krưc (hồ nước lớn trong rừng). Đám nghé nằm phía trong cùng, rồi tới bầy trâu cái, sau rốt là những trâu đực to khỏe nằm vòng ngoài. Mỗi mươi ngày hay nửa tháng, bà con phân công nhau lên núi thăm. Thói quen này chỉ chấm dứt khi chiến tranh lan tràn, trâu thường đạp phải mìn, vừa phiền lính tráng vừa thiệt nông dân. Năm 1962, trâu Mok không đạp mìn mà bị cọp “tát” bị thương. Nó khỏe, nên đã kịp quay lại thủ thế cho đến hai ngày sau có người thấy, báo tin. Gia đình dì thuê xe lam chở nó về. Lúc bà con xẻ thịt nó lấy da, dì khóc.
Bạn đi cặp với nó không ai khác là nàng Pateh (tiếng Chăm nghĩa là mùa Thu). Chuồng trâu nhà dì oách thế nhưng không đẻ được chú đực nào ra hồn. Dượng thấy Pateh to đẹp, bèn dùng kéo xe tạm (trâu xe phải to cao mới có thể kéo nổi xe trâu). Tưởng chơi, ai dè nó làm được. Rồi sự thể đã xảy ra với nó như trong thơ kể. Đau nhất là từ đó không còn ai nhớ nó là ‘nữ’. Việc dùng sức quá mức đã làm mất nữ tính đồng thời lấy đi chất dịch ‘nữ’ là thứ lôi cuốn giống đực của nó. Chỉ mỗi nó biết nó còn trinh, trinh cho đến cuối đời. Mà nó có xấu gái gì cho cam!
Lại có nỗi đau khác, trớ trêu không kém, là cái đau của chàng Pac mà cha sinh mẹ đẻ lỡ cho nó mang cặp sừng chạng dài bè ra. Chính cặp sừng oai phong lẫm liệt kia đã làm hại nó. Bắc vào ách, nó đi cánh hữu, sừng trái mãi cạ vào phần đầu cái cày. Chưa hết nửa mùa, đầu cày kia mòn và bị gẫy. Cha thì hiểu và thương (cả mùa cha không xài hết chiếc roi dong là vậy), chớ chú Bững thì miễn. Cha đi vắng, chú hú đám thanh niên trai tráng đè nó ra mà cưa. Trời đất, nam nhi có mỗi cặp sừng mà bị lấy đi còn trông ra nỗi gì. Không khóc mới lạ(1).
Cuối cùng là Binai Pajiơng, con nái chủ chuồng ppo wal theo chế độ mẫu hệ. Đang quản mấy chục con cháu chắt bốn, năm đời đột nhiên dịch ập tới cướp chúng đi làm trống chuồng. Đó là trận dịch năm 1962. Số trâu làng mất hết ba phần còn một. Nhà dì Mơi không là ngoại lệ. Cái Pajiơng già thì dường bị dịch chê, bỏ qua. Sao không chết người trai chiến sĩ, mà chết người em nhỏ hậu phương?… Còn đau nào đau hơn?

Toàn bộ câu chuyện trong Chuyện 40 năm mới kể… đều như thế.
Không chút ẩn dụ hay siêu thực bí bức. Chúng gồm toàn câu chuyện đời thường xảy ra trong cuộc sống thường nhật của xã hội nông thôn Chăm được kể bằng ngôn ngữ đời thường qua thi pháp đời thường. Thơ ở đó mà không đâu xa!(2)

________________

(1) Cách người Chăm thiến trâu như sau. Trước tiên họ đào hố sâu vừa với thân trâu, buộc chặt bốn cẳng, sau đó đẩy nó vào hố, cho nguyên bụng ngửa lên trời. Tiếp, người ta buộc thít thật chặt chỗ hai dái nối liền với phần bụng sau; rồi dùng cây vồ đập cho nát hai hòn dái. Cuối cùng chỗ hòn dái sưng vù kia được “ướp” bằng thuốc lá cây giã với muối. Một tuần sau thì lành. Dù bị thiến, nó vẫn theo cái, vẫn làm cho mấy mẹ thụ tinh; dĩ nhiên nó hết hăng như thuở ban đầu.
(2) Ý của Thanh Tâm Tuyền.

One thought on “Thơ kể & Câu chuyện đời thực Chăm qua ngôn ngữ thơ

  1. “Những câu chuyện đời thường xảy ra trong cuộc sống thường nhật của xã hội nông thôn Chăm được kể bằng ngôn ngữ đời thường qua thi pháp đời thường.”?
    Nhà thơ đã đi trước thời đại mình một quãng khá xa!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *