Katê. BẢO HÀNH MÓNG TAY, BẢO HÀNH THƠ & BUỒN VUI KATÊ …

Katê, bố cáo cho bà con vụ sưng móng tay để thêm gia vị Katê vui cửa vui nhà, ai dè có chuyện: Anh bạn xa xưa “tưởng rằng đã quên” từ Australia gửi ngay 200 đô-la Úc “cho Sara sửa chữa và bảo hành… móng tay”.

Vui chớ bộ! Nhớ, đầu mùa Đại dịch Covid-19, e rằng tôi dao động chi đó – ông anh thân yêu ở Mỹ nổi hứng hứa [và] biếu luôn mỗi tháng 100usd để tôi bảo hành Inrasara.com.

Cái này mới ghê…

Thông tin cũ, kể bổ sung: Anh bạn nhà thơ tận xứ sương mù túi rủng rỉnh tiền chả biết tiêu vào đâu bèn gửi tặng Inrasara bảo hành… thơ. Sau đó anh còn chơi hai bận nữa, cả thảy hơn 2.000 bảng Anh chớ chẳng ít. Rồi tắt. Dăm năm qua chả biết anh bạn già chưa thấy mặt ấy sống chết ra sao nữa.

Tôi vẫn còn được yêu chớ bộ, đâu phải như bạn trẻ Cham kia mấy tháng trước phao tin đồn thất thiệt rằng “Cham có ai ưa cei Sara nữa đâu”.

Katê – xin nói tiếng: Karun, karun, đại… karun!

Chuyện kể rồi, nhắc lại để chuyển tông…

Năm 1993, đang soạn Từ điển ở Đại học, tôi được người bạn đồng hương nhạc sĩ Ca Lê Thuần nhờ môi giới làm sô ngắn nhạc Cham. Có bà xã múa thêm ông anh hát, là đỉnh rồi. Mà anh vừa vào Sài Gòn đang đói nữa. Tôi phon, anh cho con đến tức thì. Dặn kĩ ngày giờ chưa an tâm, tôi dùng phiếu Từ điển ghi thêm địa chỉ cho chắc ăn.

Thế là sinh chuyện…

Non tiếng sau đứa con mang thư chạy đến. Nội dung, [1] Tầm anh mà đi hát “chào hàng” thổ cẩm ư? [2] sao lại dùng miếng giấy nhỏ viết thư, xem thường nhau vừa vừa thôi, [3] chưởi…

GIÚP người mà bị nạn là thế. Hai năm sau anh xin lỗi tôi về vụ hiểu sai chữ “chào hàng”, còn “phiếu từ điển” chỉ là cái cớ thêm cho nặng đô.

Chuyện mới diễn ra năm ngoái và LỜI NHẮN.

Một chị không quen ở Mỹ mà rành Inrasara hết biết. Chị kêu dạo qua nhiều hiệu sách, thư viện Hoa Kỳ không thấy tác phẩm Inrasara đâu, liền nẩy ý khắc phục “thiếu sót lớn” đó. Chị đặt mua, và kêu cả em gái mua toàn bộ tác phẩm tôi hiện có, mỗi đầu sách một cuốn, giá 180usd nhân đôi lên thêm điểm săc tộc = 400usd.

Được người đọc xa lạ hiểu, thích và hỗ trợ, sướng rên đi!

Sướng cấp số nhân, khi chị muốn tái bản toàn bộ tác phẩm Inrasara, “in đẹp, tặng bà con Cham, còn người Việt nào muốn thì hét giá thật cao vào cho tôi”. Mỗi năm 2-3 cuốn. Chat đi chat lại qua MESSENGER, chị yêu cầu, tôi khởi động bằng gửi Văn hóa – Xã hội Cham, Nghiên cứu & Đối thoại cho chị biên tập, qua EMAIL. Tôi hẹn “Sara về quê dòng họ Nhập ‘Kut’ mươi ngày về xem nhé”.

Vào Sài Gòn tôi chat hỏi tin, vắng hoe. Mở email thì nhận ngay thư… chưởi! Ý rằng ông không phép lịch sự tối thiểu, thiếu tôn trọng người muốn GIÚP mình. Rằng tại sao không qua EMAIL mà qua CHAT! Chat là cái thứ…

Tôi nói, Sara chơi cả 3 chốn: Email, Messenger, và Tin nhắn điện thoại. Với mọi cấp, mọi lứa tuổi, nghiêm túc đáo để. Công việc mấy năm qua đa phần diễn ở MESSENGER. Nhất là thế hệ @. Một bài viết dài in đậm, nghiêng đủ kiểu gửi qua messenger mất hết dấu vết, vậy mà họ cứ chơi kiểu ấy. Tôi cũng chiều, dù là họ nhờ GIÚP.

Nếu chị nhắc một lần rằng mình chỉ làm việc trên EMAIL, thì hay xiết bao!

Đằng này… Thôi ấy muốn hát bài ca chia ly mùa hè, tôi cũng chiều luôn.

Dẫu sao đôi ta vẫn còn nợ nhau. Hai thùng sách chị dặn sẽ cho người qua nhận vẫn còn nguyên kiện đặt góc nhà đầy trang trọng.

Xin đa tạ, và mong xí xóa cho nhau mùa Katê và Covid-19!

P.S. ẢNH.

Còn nhiều, rất nhiều sinh linh trên trái đất này tin yêu Sara. Từ nhà thơ lão thành Nông Quốc Chấn-Tày 1996 qua Sam-India 2007, nghệ sĩ Quang Dũng thằng em Chakleng 2014, cho đến Luận-Pabblap 2015, Chế Hoàng Giác-Champa 2018, vợ chồng trẻ Vũ-Pajai + Thanh-Pacam Katê 2020, và nhất là cánh trẻ yêu văn chương: Nguyễn Ngọc Minh Châu và nhiều nữa.

[Hành cử quàng hay móc tay là cách biểu lộ sự tin yêu sâu đậm]

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *