Hành trình Katê

Katê-lễ

Katê-lễ tưởng niệm nam thần (thuộc dương) vào đầu tháng Bảy Cham lịch, là lễ nghi tín ngưỡng của dân tộc Cham, không phân biệt tôn giáo, địa phương. Người Cham tạ ơn trời đất, thần thánh, tổ tiên đã gầy dựng non sông, mang no ấm, thanh bình cho dân lành. Các nghi thức chính có thể ghi nhận: Rauk khan aw Po yang/ Lễ rước trang phục, Pơh babbơng yang/ Mở cửa tháp, Mưnei yang/ Tắm tượng thần, Ppa-angwei khan aw ka yang/ Mặc trang phục cho tượng thần, Mưlieng yang/ Cúng thần…

“Kate di bingun Cabbur di klam” / Katê vào thượng tuần, Chabun vào hạ tuần”.
Đối trọng với Katê là Cabbur, lễ tưởng niệm nữ thần (thuộc âm) được tổ chức vào đầu nửa tháng Chín Cham lịch.
Katê, bà con rước vương phục cổ được người anh em Raglai cất giữ, từ làng Trà Nô, xã Phước Hà gánh xuống Hữu Đức – Hamu Tanran, nơi có đền Po Nưgar vào chiều cuối tháng Sáu, để sáng hôm sau mọi người cùng lên tháp đền trong khu vực, hành lễ. Thành kính, kham nhẫn và lặng lẽ. Mới vài mươi năm nay thôi, bởi hoàn cảnh lịch sử đặc thù – rất ít người hay gia đình tham dự. Chỉ những người bbon yang – hứa với thần, lo sắm sửa lễ vật trả nợ thần. Cả vào ngày hôm sau, khi bà con trở về cúng lễ tại làng hay sau đó, tại nhà cũng thế. Katê có thể kéo dài cả tháng, trong không khí yên ắng khiêm cung.
Ở khía cạnh nào đó, Katê còn kém long trọng hơn Rija Nưgar, một lễ được tổ chức vào đầu năm lịch Cham.
Như thế, Katê vẫn chỉ là Katê-lễ.

Katê-hội

Mãi đến cuối những năm sáu mươi, khi đoàn học sinh Trường trung học An Phước (sau là Trường Trung học Pô-Klong) được ông Thành Phú Bá, lúc đó giữ chức hiệu trưởng, dẫn lên tháp Ppo Klaung Garai múa hát góp vui – ba năm thành lệ, tháp trở thành vừa khu đất hành lễ đồng thời một di tích văn hóa để thưởng lãm.

Nữa: khi vào giữa những năm bảy mươi, làng Mỹ Nghiệp – Caklaing mổ trâu tổ chức linh đình Katê ở palei, Katê từ từ lan xa, lan rộng hơn rồi nghiễm nhiên trở thành ngày lễ được xem là lớn nhất của dân tộc. Từ đó nhà nhà ăn Katê, người người đón Katê. Khấp khởi và cả kiêu hãnh. Mọi người chuẩn bị Katê từ rất sớm: tích góp, sắm quần áo mới cho sắp nhỏ, mời bạn bè, in thiệp chúc Katê …
Katê-lễ đã là Katê-hội: Lễ hội Katê!

Nhu cầu sinh hoạt văn hóa: Katê-hội chuyển trung tâm về Hữu Đức, một làng Cham lớn và đông dân nhất khu vực. Hamu Tanran mở vòng tay đón nhận tất cả bà con các làng Cham, khách phương xa cả trong lẫn ngoài nước đến với mình. Katê-hội càng xôm tụ và đông vui hơn khi, cả Ninh Thuận lẫn Bình Thuận đều có Đoàn văn nghệ bán chuyên Cham đến các palei phục vụ góp vui ‘mik wa drei’ sau những tháng ngày làm ăn nhọc mệt.

Nhưng buồn, lịch dùng ba vùng vẫn còn sai lệch, nên mỗi nơi Katê mỗi khác, khác đến một/ một vài tháng! Mãi mùa hè thập niên 1990, với nỗ lực không mệt mỏi của chú bác trí thức tâm huyết, lịch Cham tạm thống nhất, Cham Panrang-Kraung-Parik-Pajai mới được lên Tháp cùng ngày – sum vầy, ấm cúng!
Nói thế không phải chỉ có Hữu Đức mới “ăn Katê” lớn; Hoài Trung – Bauh Bani hay Vụ Bổn – Pabhan, Cauk hay Kacak… vài lần cũng đã làm to rất đáng mặt, rồi Mỹ Nghiệp năm 1998 đã trình diễn “Đêm văn nghệ dân gian” đầu tiên, cũng là một góp công làm cho Katê phong phú đặc sắc. Đi vào phía trong: Kraung – Tuy Phong hơn một lần tổ chức thi đua các trò chơi dân gian khá bắt mắt, Parik – Phan Rí với truyền thống Katê tại nhà Bà Nguyễn Thị Thềm, đã thu hút và lôi cuốn không ít khách thập phương đến với lễ hội dân tộc.

Không thể không nói đến Katê Cham Sài Gòn. Đến hẹn lại lên, Katê chẳng những hội tụ tất cả anh chị em sinh viên Cham mà cả các dân tộc anh em đến với nó. Đây cũng là dịp Hội Đồng hương Cham Ninh Thuận – Bình Thuận trao phần thưởng cho sinh viên tốt nghiệp, học bổng cho tân sinh viên – một hành xử cần thiết, đã làm đẹp thêm nét văn hóa của lễ hội.
Và cả Cham kiều nữa, dù bao nhiêu năm tha hương trên nhiều đất nước xa lạ, đã không một lần quên nguồn cội, vẫn hào hứng đón Katê nơi đất khách quê người. Đáng trân trọng hơn – không ít đứa con trở về cố hương hòa cùng không khí Katê nơi cố quận.
Katê-hội trở thành cao trào khi, vào năm 2001, các tỉnh có cộng đồng Cham sinh sống tụ tập đề huề về Ninh Thuận dự Ngày Hội văn hóa dân tộc Cham lần thứ nhất. Rồi lần thứ hai…

Hành hương Katê
Có lễ hội là có hành hương. Những cuộc hành hương từ các làng Cham Panduranga đến Ia Trang – tháp Po Nưgar chưa một lần đứt quãng, từ năm này sang năm khác, đã thành một truyền thống đẹp, ngày càng cuốn hút hơn. Đặc biệt, năm 2001, cuộc hành hương đầy xúc động của ba mươi bà con Cham Phan Rang dọc dải đất miền Trung qua nhiều khu tháp đến tận Thánh địa Mĩ Sơn, được xem như một kì công. Kì công của lòng tín thành, linh thánh:

Họ là đoàn hành hương cuối cùng
ra đi từ đêm của thế kỷ cũ
ra đi – dù không ngọn gió nào xua đuổi
dọc theo đường biên bóng tối. Ra đi.

Bao nỗ lực đã xóa trắng – họ chậm chạp bước đi
lầm lũi như thế. Dọc thế kỷ cuối cùng của thiên kỷ
tiếng nói bã nát giấu vào túi
đội trên đầu cái thúng rỗng, họ đi
biết mình là kẻ cuối cùng.
(Inrasara, Lễ tẩy trần tháng Tư)

Sau cuộc hành hương linh thánh đầy xúc cảm đó, Trà Vigia đã có bài bút kí “Mĩ Sơn đường về” đặc sắc và hấp dẫn. Nó ghi đậm ấn tượng không quên của lần hành hương đầu tiên trong đời người. Sau đó, Mĩ Sơn còn đón nhận dấu chân hành hương của những đứa con tha phương đất khách quê người trở lại, từ xa lắm: Mỹ, Tây Âu, Canada…
Thường xuyên hơn, bà con Cham đều đặn có những cuộc hành hương về Ia Trang – Nha Trang, kinh đô đầu tiên của vương quốc cổ Champa, nơi có Tháp Bà Ppo Inư Nưgar án ngữ trên ngọn đồi của thành phố Nha Trang đẹp và thơ mộng.

Katê-lễ và Katê-hội. Lễ hội Katê và những hành hương về miền đất Tháp.
Katê của kỉ niệm riêng và nỗi nhớ chung, nó đã đi vào thơ của nhiều nhà thơ chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp. Cả người Chiêm nữ Parik yêu thơ, dù thơ còn thô ráp nhưng vẫn cho ta cảm nhận sự thành kính sâu nặng của mỗi tâm hồn con dân Cham.

Phan Rang 2003.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *