Câu chuyện Cham. SỰ CỐ TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI Ở VĂN LÂM-2-3-4

Vụ nhà và đất, khi bàn về “Sổ Đỏ, Chàm mình vẫn còn khờ lắm!” tôi đã giải thích một lần rõ rồi, xin không lặp lại. Cham mình ỉ i, cứ nghĩ nó đã là sở hữu của mình “ai cũng biết” – vội gì! Từ “vội gì” đến không bao gì có, cách nhau có mỗi bước chân! Mãi khi có chuyện ta mới biết mình… khờ.

Đất rẫy đang tranh chấp cũng rơi vào trường hợp ấy, có lẽ. (Sao gọi là “có lẽ” sẽ bàn ở bài 3). Có chuyện, ta làm gì? Chạy ngay đến ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, níu lấy.

Ôn lại vài vụ cũ:

[1] ‘Kut’ Boh Dana, vài bạn mách rằng có Đàng Văn Thoại quen biết chính quyền Huyện Ninh Phước, Thoại nói một tiếng là xong. Sai!

Sao lại nhờ vả đến sự quen biết? Kẻ khác không quen biết thì sao?

[2] Vụ nhà đất ở Hamu Tanran năm 2019, là chuyện cá thể ở địa phương, lẽ ra các trí thức Hữu Đức đứng ra làm, ta lại đi nhờ vả một sinh linh Cham làm to ở Trung ương. Dù vụ việc đã ổn, nhưng đó là lối giải quyết sai!

[3] Vụ “đòi người” ở Sài Gòn, gia đình đã chạy đến Công an Tỉnh cầu cứu, tôi nói tại sao Đại biểu Quốc hội Cham người “chung làng” Hữu Đức bà con không chạy qua “níu váy” ‘dung khan’, mà phải cậy đến công an? Hãy qua nhà Đàng Thị Mỹ Hương, không phải cậy nhờ, mà buộc bà ấy TRÁCH NHIỆM. Bà ăn lương bà con để làm chuyện đó mà!   

Ta không hiểu, nên mãi làm sai.

Đụng việc, AI NÓI? Trích lại nguyên văn bài cũ:

“Cộng đồng Cham nhỏ bé, khi có chuyện, bà con hay ngóng về trí thức, nghĩa là các nhân vật nổi tiếng và các vị khoa bảng.

Nhiều chuyện oan khuất bà con nhờ tôi lên tiếng: Ghur Bini, Kut Boh Dana, thanh niên Cham “tự thiêu”, vân vân dù cá nhân Inrasara chỉ là nhà văn. Tôi hiểu tâm lí ấy: Do không biết kêu ở đâu khi, Đại biểu Quốc hội chỉ được dựng lên cho có, cô chú ở Ban Dân tộc muốn yên thân, còn các vị khoa bảng [cố lắm cũng] chỉ lên tiếng về chuyên môn.

Không biết kêu ai, bà con nhè vào người “nổi tiếng” và người hay lên tiếng.

Dẫu sao mỗi việc đều có địa chỉ của nó.

Liên quan đến xã hội, là: Đại biểu Quốc hội, Cơ quan phụ trách vấn đề Dân tộc, chính quyền các cấp; trí thức chỉ được yêu cầu lên tiếng hỗ trợ. Liên quan đến học thuật, là: dân khoa bảng chuyên ngành và trí thức.

Vụ Đàng Ngọc Thủy, hai bạn trẻ Cham viết đại ý: “Các vị khoa bảng Chàm đâu rồi, hay mấy ông lo phục vụ chế độ?”; “Các trí thức, những người ăn nên làm ra, tiến sĩ và các nhà khoe học đâu hết rồi, hay các ông lo làm nghiên cứu?”

Tiếng nói trí thức là tiếng nói tự nguyện. Chúng ta chỉ có thể yêu cầu họ tiếp sức, chứ không gì khác. Các bạn có thể yêu cầu các chú, các bác đang làm việc tại TPHCM, yêu cầu đích danh, chứ đừng mơ hồ hay ám chỉ.

Ám chỉ hay mỉa mai, ta tự làm suy yếu lực lượng ngay từ vòng một.”

Trở lại vụ đất Văn Lâm hôm nay, lẽ ra từ đầu bà con chạy ngay qua Đại biểu Quốc hội, không được thì tìm các cơ quan liên quan, không xong nữa mới tới trí thức trong palei rồi trí thức Cham các nơi.

Họ hiểu Pháp luật, biết rộng về các vấn đề xã hội để giải thích cho bà con. Nếu ta SAI, thì chấp nhận; còn ta ĐÚNG mà bị oan, họ có cách chỉ dẫn ta ĐẤU TRANH.

Giờ, sự cố đã xảy ra. Làm gì?

Câu chuyện Cham. SỰ CỐ TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI Ở VĂN LÂM-3

[Thiếu “tinh thần thủ kho”, Cham thiệt thòi lớn!]

Có bạn trách tôi sao cứ dài dòng mà không bàn thẳng vào vụ việc. Có nguyên do của nó. Chuyện cũ:

[1] Đất Pô Riyak ở Vĩnh Trường, Cham biết dã sử, chứ hồ sơ hoàn toàn không(*). Dẫu sao đó là đất Cham đang hành lễ, vậy mà do tư tưởng cục bộ và ích kỉ, ta đã để mất.

Vụ này tôi bàn vài lần, không nhắc lại [có bạn nào “Hãy thử làm anh hùng một lần” ở đây không!?]

[2] Vụ Cty đào lấy đất khu vực tháp Pô Rômê năm 2017, lúc đó đang Cambodia nghe tin, tôi yêu cầu làm hồ sơ với số đo cụ thể đưa lên mạng, thế thôi mà không ai làm được. Thì làm sao có cơ sở nói chuyện?

[3] Vụ ‘Ghur’ Raneh, bà con có hồ sơ đầy đủ, nên việc đấu tranh không khó. Vấn đề ở đây là ta bắt đầu từ đâu, và làm thế nào.

[4] ‘Kut’ Boh Dana, lẽ ra chính trí thức palei đứng ra đảm nhiệm, do vài khúc mắc mà vụ việc ngưng trệ, bà con các nơi nhờ đến, tôi mới vào cuộc. Để hiểu, tôi phải qua Boh Dana nằm vùng ba ngày [khi ấy có đám tang chủ Tiễn tôi dân Chakleng lấy vợ Chất Thường], rồi mới làm.

[5] Vụ đất rẫy 73 hộ ở Phước Nam, bạn thân tôi Báo Mang Xoài là người trong cuộc cho biết thông tin kèm hồ sơ đủ đầy.

Tất cả, nếu thiếu HỒ SƠ thì ta không biết đâu là lần.

Vụ hôm nay thế nào? Đâu là hồ sơ?

Mảnh đất nằm khu vực nào, bao nhiêu mẫu [cần số đo tương đối]? khai hoang năm nào? Tên người, hiện thực canh tác và cư trú… Chỉ khi nắm đầy đủ hồ sơ cụ thể, anh chị em mới có cơ sở “làm việc”. Còn không, thì chịu.

Nói thêm về nỗi niềm SỔ ĐỎ ở Việt Nam: Tùy nghi và tùy tiện đến mênh mông!

Chuyện ở thành phố đích thị trớ trêu: Ai có hộ khẩu mới được quyền mua đất, mà kẻ có đất mới được cấp hộ khẩu! “Có đất nào như đất ấy không?” – Tú Xương. Vậy mà Việt Nam ta chơi kiểu ấy, mới ẹ.

Tôi sống Sài Gòn 8 năm, có KT3, có lô đất. Vậy mà muốn sở hữu căn hộ, tôi phải nhờ con [đã có hộ khẩu] đứng tên cất nhà, sau đó “tặng nhà” đó lại cho cha mẹ. Có nhà, chính quyền địa phương mới làm cho cái hộ khẩu. “Có đất nào như đất ấy không?”

Chuyện ở quê…

Sau 1975, dân biết Luật pháp [Cham có mấy đâu!] đã lai rai chạy sổ đỏ, và việc được cầm cái sổ đó cũng không khó. ‘Kut’ Gađak dòng họ tôi ở Chakleng là ví dụ: năm 1990!

Khoảng 2005 Chakleng được trên thông báo đợt làm sổ đỏ nhà ở, qua tháng là xong, đại trà, phí chả bao nhiêu. Chỉ hộ nào lơ là hay mắc thói trì hoãn, sau đó mới khó khăn hơn. Gia đình tôi là ví dụ, bà xã chủ hộ không chịu lên xe đò về quê làm, mãi trù trừ để phải mất ba năm mới được, phí tăng nhiều lần! Ai bảo?

Nhà là vây, đất thì sao?

Đất rẫy sở hữu trước 1975, kiếm cái sổ đỏ thì dễ. Đất rẫy nhà tôi vẫn là của nhà tôi, sau Jaka làm Homestay Thang Tông, xin chuyển qua đất thổ cư mới khó, 6 năm hồ sơ vẫn chưa giải quyết.

Dẫu sao mình ĐÃ CÓ HỒ SƠ nộp lên – là điều rất quan trọng.

Ngược lại nếu khu vực đó dân đã cất nhà ở đông, thế nào Nhà nước cũng chiều theo mà “chuyển mục đích sử dụng”. Đất ruộng hai bên đường lộ vào Chakleng là điển hình.

Đất rẫy KHAI HOANG SAU 1975 mới khó. Vì lúc này đất đai đã “thuộc quyền sở hữu của toàn dân”. Cũng không quá khó, nếu ta làm sớm, và có hồ sơ nộp lên. Đó chính là cơ sở để nói chuyện, hoặc THƯƠNG LƯỢNG. Đằng này, tuyệt đại đa số Cham không [biết mà] làm. 

Làm gì?

*

Minh triết Cham, nhà xuất bản Tri thức, 2016:

“Cham không quen ghi chép, không quen cất tư liệu, rất thiếu tinh thần thủ kho.

Câu chuyện. Anh Mạnh ở Cwah Patih kể chuyện liên quan đến mảnh đất thờ Po Riyak ở Vĩnh Trường – nơi Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sắp xây dựng. Sau Rija Nưgar 2015, bà con xuống Vĩnh Trường sớm để phát quang khoảnh chùm-lé nơi

[nghe đồn]

có Hòn Đá Linga tượng Po Riyak; được một hồi mà chẳng thấy chi. Thế là bà con đành “thỉnh” hòn đá tạm về cạnh đường mòn, hành lễ.

Đó là chuyện thực, chuyện đời mới gay.

Kể rằng một số người Việt địa phương bảo họ đã từng thờ Cá Ông sát cạnh nơi bà con Cham thờ Po Riyak. Có vị còn nói như đinh đóng cột rằng, mảnh đất đó thuộc của họ, chứ không riêng gì của Cham. Cắc cớ và tréo ngoe thế. Cả mẫu đất nay bị ép chỉ còn chưa đầy sào. Từ cụ già đến con nít Cham biết chắc mảnh đất đó là sở hữu của mình, cả hơn chục palei Cham liên quan đều đến mảnh đất thiêng cúng kiếng mỗi năm. Ai cũng biết thế, nhưng làm sao cãi? Và lấy gì chứng thực?

Sử liệu – không, chuyện kể – không, hồ sơ (sử liệu hiện đại) cũng không nốt.

Trong khi để chứng thực một vùng [mảnh] đất nào đó thuộc về mình, cần:

Sử liệu, nghĩa là tài liệu cổ, của mình và người ngoài viết về nó. Ở đây, Po Riyak không có được đặc ân đó.

Chuyện kể, bởi nếu chỉ biết bám vào sử liệu, ta thành duy sử mất; thế một dân tộc chưa có chữ viết hay chưa có truyền thống chép sử thì sao? Chuyện kể cần thiết là vậy. Mảnh đất sở hữu càng nhiều câu chuyện kể về mình càng tốt. Từ người già đến trẻ con đều biết đến chúng. Po Riyak ở Vĩnh Trường khuyết chuyện kể của/ về mình, đã dựa hơi vào Damnưy Po Riyak.

Dẫu sao, đó vẫn là cách sở hữu đất độc đáo nhưng đầy sơ hở của Cham.

Câu chuyện Cham. SỰ CỐ TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI Ở VĂN LÂM-4 (cuối)

[Sự cố cộng đồng Cham và tôi. Trí thức palei Ram có thể làm gì?]

Về các sự cố liên quan đến cộng đồng Cham và tôi, có 4 trường hợp:

[1] Tôi biết, chủ động vào cuộc, thường là thành công.

[2] Người trong cuộc yêu cầu tôi hỗ trợ. Có thành công, bên cạnh vài thất bại. Bà con đang nghe lời tôi thì nửa chừng giở chứng tùy tiện làm, nên bất thành. Vụ ‘Kut’ Boh Dana và Trường PTCS Mai Thúc Loan ở Phước Nhơn, hay “Cháu Nghĩa mất tích” là ví dụ.

[3] Người ngoài cuộc biết, bởi là sự vụ khó, đã phải nhờ đến tôi. Mấy vụ này ít khi tới cùng, bởi còn lệ thuộc vào người nhà. Việc người nhà của BVT không cho mổ tử thi xét nghiệm là rất điển hình.

[4] Sự cố nóng giả, tôi biết Cham sai, nếu đẩy tới sẽ hỏng – tôi từ chối ngay từ đầu. Vụ Acar-Quỳnh và Côngan-Nam, là một.

Phản ứng tiêu cực của vài sinh linh Cham về tôi. Vài gương tối tiêu biểu:

Đấu tranh vụ thay đổi CMND từ Bà-ni sang Hồi giáo được 100% bà con ủng hộ, riêng bạn học LVL còm: “Sara có phải người Bà-ni đâu mà đau cho Bà-ni”. Hàm nghĩa tôi nhảy vào là có ý đồ! Tôi giải thích, bạn hiểu và im lặng. Sau đó gặp, anh bạn cười trừ và hai tôi vẫn tốt với nhau.

Lên tiếng về Đốt nhang trong tháp và Trường Nội trú Dân tộc Ninh Phước, cả Cham đứng sau lưng Sara, cá biệt bạn thơ TNL còm: “Ông có lên tiếng cho Cham này nọ chỉ do mưu lợi cá nhân ông thôi”. Tôi còm trả lời, bạn im lặng – không một lời xin lỗi.

Năm 2017, giải minh về nguyên nhân thành công về các vụ việc, HF người Văn Lâm cũng là bạn học hiện cư trú ở Malaysia còm: “Ông Inrasara tự khoe khoang”.

Mới nhất, tháng 8-2020, đăng tút “Cham, đấu tranh, tại sao thất bại?” phân tích để chỉ cho Cham biết làm bài học kinh nghiệm, bị một FBker kêu: “Ông Inrasara chuyên chê Cham”.

Cham không chịu học bài học kinh nghiệm thành công lẫn thất bại, hành xử sai, và thiệt thòi luôn thuộc phần mình.

Làm việc cộng đồng, nói TÔI SỢ là vậy.

Sợ, tôi vẫn làm! Khi lương tri tôi, hay “chính chủ” yêu cầu hoặc cần đến.

Còn vụ việc đất đai hôm nay, sau 3 bài giải minh, phân tích với ví dụ cụ thể cùng bài học đắt giá, tôi tạm chuyền bóng cho các trí thức palei Ram. Văn Lâm nhiều người hiểu biết, và chuyện liên quan trực tiếp đến dân làng, tôi tin anh chị em tường tận vấn đề hơn, hỗ trợ sẽ hiệu quả hơn – chắc chắn thế.

Karun & thug siam!

One thought on “Câu chuyện Cham. SỰ CỐ TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI Ở VĂN LÂM-2-3-4

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *