Đối thoại Cham-10. VĂN CHƯƠNG ĐI GIỮA LỊCH SỬ VÀ HUYỀN THOẠI

[Đối thoại lịch sử]

Lịch sử history là câu chuyện quá khứ được kể lại, bởi một hay nhóm kẻ đại diện cho cộng đồng nào đó. Dù là quá khứ của một dân tộc, một tập thể hay cá nhân. Nó chỉ là hi[s/er-]story, như cách chơi chữ của một tác giả Tây phương.

– Pô Bin Thôr có phải là Chế Bồng Nga không cei? Sao cháu thấy công trạng hai nhân vật này giống nhau mà sính cách nhau đến hơn 30 năm sao?

– Trả lời câu hỏi này, tạm dẫn triết gia Nhật (D.T. Suzuki, Cốt tủy của Đạo Phật, Trúc Thiên dịch, NXB An Tiêm, Sài Gòn, 1971, tr. 116.117):

“Đối chiếu với tư tưởng Phật giáo: “Nghiên cứu Adiđà, nhiều người ghép ngài vào dòng sử; trên quan điểm sử học, họ coi sự tích Adiđà như hoàn toàn hoang đường không đáng chú ý, hơn thế nữa, không có một giá trị (…). Với những học giả ấy, người Phật giáo có thể hỏi: thế nào là sử? Thế nào là nhân vật lịch sử? (…). Thử hỏi năm 1946 có thật hơn năm zéro không, hoặc năm vô phương kể? (…). Hơn nữa, trên mặt hiện thực, họ còn thấy Adiđà là nguồn sinh lực và hứng khởi, và chấp nhận lời nguyện của Adiđà  với tất cả ý nghĩa sống động và cao cả nhất”

– Vậy thế hệ con cháu sẽ học sử ra sao?

– Có hai loài lịch sử: Lịch sử chính thống (chính sử) và ngoại sử (dã sử, biệt sử, huyền sử). Cham có: XakkaraiDamnưy. Damnưy về Pô Nưgar ông bà Cham kể có thể thiếu chuẩn “khoa học” hiện đại, nhưng nó hợp lí khi nhìn qua con mắt huyền sử.

Có lịch sử giáo khoa (tương đối chuẩn, ổn định), có lịch sử được nhìn qua văn chương. Chiến tranh Nga Pháp, bên cạnh sách sử chính thống, nó còn được hóa thân trong tiểu thuyết sử thi Chiến tranh và Hòa bình của L. Tolstoi. Một nhà văn vĩ đại có thể chuyển dịch cách nhìn về lịch sử của người đọc. La Quán Trung đã làm được như vậy khi viết Tam quốc chí. Hiện nay ta nhìn các nhân vật này theo Tam quốc chí, chứ ít khi biết họ [Tào Tháo chẳng hạn] theo sử chính thống! Văn học lợi hại là vậy.

– Cei giải quyết tình trạng này thế nào?

– Câu hỏi hay lắm! Không theo kiểu La Quán Trung, bẻ cong cách nhìn về nhân vật, cũng khác với Tolstoi, mà theo kiểu Sara.

Ngày xưa văn triết sử bất phân, chỉ sau này học theo tinh thần Tây phương ta mới rạch ròi. Tôi ý định đưa chúng trở về truyền thống cũ. Có mấy cách:

[1] Đi đến tận cùng sự thật và lập hồ sơ. Cứ xem việc tôi xử lí vụ ‘Kut’ Raglai ở Chakleng cũng đủ thấy, sau tai nghe là mắt phải thấy.

[2] Việc Tiến sĩ sử học Nguyễn Văn Huy ở Đại học Paris VII nhận thông tin sai rồi viết bậy về Cham, tôi đã bỏ ra cả tháng thực địa, sau đó viết bài phản bác để gỡ danh dự và tránh nguy hại cho vài Cham. Tiến sĩ sử học [ngoại] chỉ biết tắt đài!

[3] Về vụ bắn trâu. 27 thanh niên Cham bỏ quê hương “nao ngak ia” chỉ qua đêm đã mất 12 mạng. Nhà sử học xem đó chỉ là con số, còn với người “chịu đựng lịch sử” thì đấy là biến cố bi thương. Tôi đi gặp nhân vật sống sót, tìm đến phỏng vấn các thân nhân, qua Cambodia thực địa, đọc hồ sơ… rồi viết. Nó bổ khuyết cho lịch sử chính thống. 

[4] Kể thế nào? Với tâm thế yêu thương. Như vụ mấy chục sinh linh Cham bị giết oan thời Việt Minh, tôi không né tránh, mà kể với tinh thần “Biết, để giải sân hận”.

[5] Cuối cùng, nhân vật Les Cosem với Cham Pangdurangga chỉ như một huyền thoại. Sau ba tháng làm việc, tối đã làm nên tiểu thuyết “Đi tìm hồ sơ một Huyền thoại”.

Nó đảm bảo 3 thứ:

Lịch SỬ sự kiện (hồ sơ) + VĂN chương (tiểu thuyết) + TRIẾT (tinh thần giải sân hận). 

Tôi gọi đó là văn chương đi giữa lịch sử và huyền thoại!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *