[Đối thoại tôn giáo]
Bạn Muslim hẹn tôi quán Cà-phê, “chuyện vui thôi” – bạn nói. Ngồi chưa nóng đít bạn đã thuyết về Kinh Qur’an. Tôi nói:
– Mình thích Kura-ưn và đã đọc nhiều lần rồi…
– Có lẽ anh Sara chưa nắm hết ý nghĩa…
– Bạn biết Kinh Bát Nhã của Phật giáo? – tôi hỏi.
– Không, anh à.
– Bạn chưa biết, lẽ ra mình cần nói cho biết chứ, phải không?
– Nhưng Phật giáo không phải của Cham.
– Đúng! Phật, Bà-la-môn, Islam hay đạo Chúa không phải của Cham…
Chuyển hệ.
– Nếu Cham đều Islam, ta có chung đức tin, Cham sẽ tập hợp được sức mạnh…
– Đúng! Nếu ta hô lên một tiếng mà mọi mọi Cham thành Muslim. Nhưng thực tế đâu diễn ra theo thể điệu duy ý chí ấy được. Sẽ xảy đến xung đột lớn…
Im lặng.
– Bạn thấy đó, tôi chưa thấy Cham Islam hành hương thánh địa Mỹ Sơn, thậm chí lên tháp Pô Klong Girai thôi cũng hiếm…
– Đó là đền thờ thần Bà-la-môn.
– Ngàn năm trước nó là của Cham chung…
Im lặng.
– Ước gì tất cả Cham đều là Muslim… – bạn tiếp.
– Theo hệ Sunni bạn nói thế, bên Shia cũng kêu thế, cả hai có chịu ngồi chung chiếu đâu.
– Vậy là Sara thiếu đức tin vào Allah rồi…
– Không. Tôi tin Aulwah Đấng Tối cao của Islam, tin Pô Ginwơr Mưtri là Shiva được Cham hóa, tin Pô Yang là các vị vua, anh hùng có công với non sông được thần hóa, và cả Muk kei Ông bà Tổ tiên nữa.
– Đó không là đức tin…
– Là đức tin khác với đức tin của bạn. Cần tôn trọng sự khác biệt.
– Vậy phải làm thế nào?
– Không thế nào cả! Cộng đồng Cham hiện chỉ còn dúm nhỏ, nhỏ như thể một chấm mờ trên bản đồ thế giới, nó từng mấy lần tan nát. Để tránh xáo động lớn, tôi muốn “giữ nguyên hiện trường” hôm nay, và Đi tìm sinh lộ cho Cham Ahiêr Awal…
– Là sao?
– Đi vào nó, hiểu đúng bản nguyên nó, rồi cải cách nó thích ứng với xã hội hiện đại. Còn sau đó – tôn giáo, ai muốn theo cái nào, tùy.
Câu chuyện khác. Một ông anh:
– Sara vào Đạo Chúa đi…
– Tôi có đạo rồi anh à.
– Đó chỉ là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên chứ không phải tôn giáo…
– Là tôn giáo, theo quan điểm của tôi. Thờ kính Pô lẫn Yang, là Pô Yang.
– Nhưng nó quá lạc hậu.
– Nó thoái hóa, lạc hậu và nhiều thứ nữa, không sai.
– Đạo gì mà phiền phức và tốn kém quá đi, vứt quách nó không hay sao, nghiên cứu cải cách hay hiện đại hóa chi cho mệt.
– Phiền phức hay tốn kém là do Cham mất nước mà ra, chứ không phải lỗi ở hệ ‘Ahiêr Awal’.
– Là sao?
– ‘Ahiêr Awal’ nguyên bản, chỉ cần lễ vật đơn sơ: 2 trứng, 1 xị rượu, 1 nải chuối, 3 miếng trầu têm cũng đủ cho buổi lễ. Từ đó sinh linh Cham hoặc tự mình, hoặc qua ‘Halau janưng’ tiếp xúc trực tiếp với Pô Yang, mà không lỗi phải gì cả.
Chuyển hệ.
– Anh biết Sara ngại – như nhiều Cham ngại – theo đạo Chúa thì mất Cham. Nhưng có vậy đâu. Tin Lành là tôn giáo tiến bộ. Tín hữu Đạo Chúa vẫn lên tháp, vẫn dạy ‘Akhar thrah’, vẫn trân trọng nhạc cụ và y phục dân tộc…
– Tôi có nói gì đâu!
– Anh biết Inrasara là kẻ sáng tạo. Nhớ đã đọc đâu đó Sara viết cả thế kỉ qua, thế giới Islam lẫn Cộng sản không có sáng tạo lớn cống hiến cho nhân loại. Xem nhé, Tin Lành của Hoa Kì đã góp bao nhiêu nhà văn, triết gia, nhà toán học, nhà kinh tế lớn…
– Ở đây không muốn phán xét ai cả, tôi chỉ nói từ bỏ ‘Ahiêr Awal’, Cham sẽ mất đi thần hồn tâm linh dân tộc, nó làm cho Cham là Cham.
– Sara hiểu thế nào là Cham?
– Tôi đã đề cập nhiều lần rồi, sẽ nói lại ở dịp khác.
– Sara không có đức tin vào Chúa rồi…
– Tôi tin Aulwah, tin Pô Ginwơr Mưtri, tin Pô Yang và cả Muk kei…
Im lặng giây lâu, tôi tiếp.
– Tôi cũng tin Chúa nữa, tiếc là Chúa của tôi khác Chúa của anh.