[hay Văn học Nghệ thuật Cham làm đầy tràn nền văn học nghệ thuật Việt Nam]
Chưa kể nghệ thuật kiến trúc – điêu khắc mà ở đó Cham đã lập bao nhiêu là Guiness Đông Nam Á.
Thánh địa Mỹ Sơn có thời gian xây dựng và thờ phượng dài nhất: thế kỉ IV-XIV; Đồng Dương là quần thể kiến trúc lớn và độc đáo nhất (Ngô Văn Doanh); tháp Dương Long cao nhất: 42m; tượng Apsara Trà Kiệu, tượng Shiva tháp Pô Klong Girai được xếp vào hàng đầu Đông Nam Á.
Và nhiều nữa. Thử hỏi nếu Việt Nam vắng bóng chúng! Không đáng cho tất cả hãnh diện sao?
Tút này xin nhấn về văn học, lĩnh vực còn “vô danh” với Việt Nam.
“Cham đóng góp gì vào văn học Việt Nam?” là tham luận của tôi tại Hội nghị dịch thuật giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài của Hội Nhà văn Việt Nam, Hạ Long, tháng 1-2010. Trích đoạn cuối:
Văn chương không chủ ở số lượng. Nếu hôm nay bạn góp thêm một Sử thi Akayet Dewa Mưno hay một Trường ca Ariya Glang Anak mới vào kho tàng văn chương Cham, thì nền văn học đó không vì thế mà sáng giá thêm. Và Cham, nếu thêm một Truyện Kiều hay một Hồ Xuân Hương mới, nó chẳng tác động tích cực nào đến sự phát triển của văn học Việt Nam cả!
Vấn đề là cái KHÁC, sự độc đáo. Vậy Cham có cái gì khác?
Không kể thể loại truyện cổ hay truyền thuyết, ca dao hay tuc ngữ dân tộc nào cũng có; chưa kể tới các trường ca triết lí như Ariya Nau Ikak (Thơ đi buôn) hay các trường ca thế sự như Ariya Po Parang, vân vân rất độc đáo; riêng về hình thức: ‘Ariya’ lục bát Cham chẳng hạn.
Đây là thể thơ như lục bát Việt, nhưng nó linh hoạt trong cấu trúc hơn, nên khả năng sáng tạo lớn hơn. Đến hôm nay vẫn chưa có nghiên cứu nào có thể xác minh ai có trước ai hay dân tộc nào vay mượn dân tộc nào. Chỉ biết rằng ariya – lục bát có đó, làm phong phú nền văn học Cham và Việt xưa và nền văn học đa dân tộc Việt Nam hôm nay. Bởi cấu trúc ngôn ngữ khác nhau (đa âm tiết/ đơn âm tiết là một), nên lối phát triển hai dòng thơ đã có khác biệt nhất định.
Về nội dung và đề tài: 250 minh văn Champa được sáng tác từ thế kỉ III đến thế kỉ thứ XV bằng cả tiếng Phạn lẫn tiếng Cham cổ là cái được kể đầu tiên. Đây là điều mà lịch sử văn học Việt Nam chưa hề có, nhưng chỉ chưa đầy mười phần trăm minh văn đó được dịch sang tiếng Việt, chủ yếu là để phục vụ cho nghiên cứu chứ chưa có tuyển chọn mang tính văn chương.
Năm Sử thi ‘akayet’ Cham có xuất xứ từ/ mang âm hưởng Mã Lai/ Ấn Độ là sáng tác thành văn đặc trưng Cham, một hiện tượng không có trong văn học sử Việt Nam. Nữa, khác với các dân tộc Tây nguyên như Êđê hay Bana… sử thi Cham đã được văn bản hóa từ thế kỉ XVI.
Cuối cùng, ba trường ca trữ tình nổi tiếng mà nội dung mang chở sự đối kháng quyết liệt giữa Islam – Bà-la-môn giáo dẫn đến đổ vỡ và cái chết, cũng là một dị biệt khác. Bới đối kháng ý thức hệ lớn chưa hề diễn ra trong văn học cổ điển người Việt.
Vân vân…
Thử hỏi có ai trên đất nước non trăm triệu dân này rành tiếng Cham để có thể thưởng thức mấy đặc sắc kia? Hoặc có nhà văn nào hôm nay chịu “tìm trong di sản” độc đáo đó của ông bà để rút ra kinh nghiệm sáng tạo bản thân? Truyền thống với bản sắc, dân tộc tính với sự đậm đà, chúng ta chưa học tập mình, chưa học tập người anh em thì làm sao nói đến học thế giới?!
Vấn đề dịch thuật cần được đặt ra, cấp thiết hơn bao giờ.
Dịch từ tiếng Cham sang tiếng phổ thông (tiếng Việt), Văn học Cham-1994 đã làm xong công đoạn đó. Từ năm 2000, tôi tiếp tục chủ biên công trình mới, nâng cấp nó thành “Tủ sách văn học Cham” 10 tập khoảng 5.000 trang. Đây là đóng góp thực sự có ý nghĩa, làm nên tính toàn vẹn của nền văn học đa dân tộc Việt Nam.
Theo tôi, văn học Cham rất xứng đáng cho độc giả thế giới tìm đến thưởng thức. Tại sao không? Như thế, việc giới thiệu chúng ra ra bên ngoài biên giới Tổ quốc hình chữ S này cũng là điều cần thiết.
Cuối cùng… Tại sao không sáng tạo? Nếu chỉ khám phá mình như là mình thì đã đủ chưa? Nếu chỉ biết để bảo tồn, chúng ta sẽ làm kẻ giữ kho của tổ tiên, không hơn. Tiếp thu và sáng tạo. Tiếp thu mình và thiên hạ để làm ra cái mới. Nhìn truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc như là cái gì bất di bất dịch là cái nhìn tĩnh, thụ động.
Vì ngay cái gọi là bản sắc hay truyền thống cũng là một sáng tạo trầm tích qua nhiều thế hệ. Đó là tiếp thu và sáng tạo được ông bà ta chia ở thì quá khứ. Thế hệ đến sau cũng sẽ gọi là bản sắc cái chúng ta đang dốc sức sáng tạo hôm nay. Bản sắc và truyền thống không chịu dừng lại ở những gì đã có, không cứ mãi vuốt ve lòng kiêu hãnh qua những gì người xưa để lại mà phải dám sáng tạo cái mới, có những đóng góp mới.
Hôm nay, bạn phải làm khác. Chính cái khác này quyết định sinh phận của văn chương ngày mai.