[hay Dòng máu Cham trong huyết quản Việt]
(bài này lẽ ra đăng sau, do sự vụ đang nóng, nên dành chỗ ngồi trước)
Kết “Hành trình Cham-57”, tôi viết:
“Việt Nam “nợ” Cham những gì?
Ngoài dòng máu Cham đang chảy rần rật trong huyết quản dân Việt suốt Bắc Trung Nam; Văn học Nghệ thuật Cham làm đầy tràn nền văn học nghệ thuật Việt Nam; và Hải sử và Văn hóa biển Cham bổ khuyết cho phần thiếu lớn của lịch sử Việt Nam đa dân tộc.”
Là ba luận điểm quan yếu của tôi ở các buổi thuyết trình “Cham đóng góp gì vào nền văn hóa đa dân tộc Việt Nam?” từ 10 năm qua, như là điểu hiển nhiên. Vậy mà sáng nay có bạn FB phản bác, gay gắt nữa – mới lạ.
Xin được hóa giải tuần tự một…
“Ngoài dòng máu Cham đang chảy rần rật trong huyết quản dân Việt suốt Bắc Trung Nam” – nghĩa là trong huyết quản người Việt suốt Bắc Trung Nam có dòng máu Cham.
Tôi là dân hậu hiện đại mang tư tưởng phi tâm hóa các thứ, bởi tôi biết chẳng có gì là thuần. tất cả đều lai tạo, mà thành. Từ văn hóa cho chí tộc người. Champa và Đại Việt giáp ranh, “nợ nần” nhau là không thể tránh.
Trong tôi có bạn, trong anh có em. Đó là sự thật lịch sử. Không có gì phải mặc cảm hay phân biệt đối xử cả. Vậy tốt nhất là BIẾT, để mà SỐNG và YÊU thương nhau…
Xin tạm cho Tây Nguyên hay Nam Bộ vào ngoặc.
[1] Miền Bắc.
Lý Trần Lê, hơn trăm ngàn tù binh Cham ra Bắc. Họ không bị “thiến” [của đáng tội], mà được phân bố ở khu vực riêng. Thế kỉ XIII, Trần Nhật Duật còn cưỡi voi đi thăm các làng Cham và nói tiếng “ngoại quốc” với họ (Tạ Chí Đại Trường).
Yên Sở, Đắc Sở, Ô Chợ Dừa, làng Chèm… là dấu vết người Cham xung quanh khu vực Thăng Long. Còn vết tích kiến trúc, điêu khắc và khác là vô số kể.
Cuối thế kỉ XX, thôn Chàng Sơn, huyện Thạch Thất dân nói tiếng giọng lạ, dấu vết mẫu hệ vẫn còn, đến Nhà nước phải quyết đổi con theo họ cha. “Hiện nay ngay cả các cụ cao niên, nghệ nhân cao tuổi cũng không thể nắm rõ nghề mộc của làng khởi nguồn từ bao giờ, do ai tạo lập vì làng hiện có nhiều ngôi Đình nhưng không Đình nào thờ thần hoàng làng làm nghề thợ mộc.”
Hiện tại, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhà văn Khuất Quang Thụy ở Bắc, nhà thơ Thanh Thảo ở Quảng Ngãi còn nhận mình là Cham. Tạm nêu ba người nổi tiếng, chứ tôi đi khắp, và gặp bạt ngàn người “Việt” nhận mình là Cham.
[2] Miền Trung.
Hồ Trung Tú trong tác phẩm Có 500 năm như thế, khẳng định:”Chúng ta là người Chàm đang nói tiếng Việt bằng giọng Chàm”.
Cư dân Cham ở vùng văn hóa – lịch sử lớn nhất, xây dựng nền văn minh lâu dài và huy hoàng nhất: Amaravari là Quảng Nam ngày nay, họ biến đi đâu? Đâu là Cham? Chúng bị xua đuổi hay sát hại hết chăng? – Đó là chuyện không hề có.
“Người Chiêm Thành nào đi thì cho đi. Người ở lại thì bổ làm quan” – Hồ Quý Ly dù mang tiếng quyết liệt, đã phải ra chính sách dung hòa đó. Không ít người có học ở lại. Số thường dân ở lại càng không ít. Nhất là cánh chị em.
Quý ông quân nhân Việt sau chiến tranh trở thành dân thường, nhu cầu tìm bạn tình là rất lớn. Lớn đến nỗi vua Lê Hiến Tông 28 năm sau Lê Thánh Tông “bình Chiêm” phải ra chiếu dụ với giọng điệu khá cứng: “Kể từ nay, trên từ thân vương, dưới đến dân chúng, đều không được lấy đàn bà con gái Chiêm Thành làm vợ, để giữ cho phong tục được thuần hậu”.
Cả thế kỉ sau khi mất Đồ Bàn rồi Phú Yên, nơi ranh giới Tuy Hòa, “người Chàm nếu có ai ra vào cửa khẩu vùng biên để thăm bà con thân thuộc thì đều phải trình báo rõ ngày giờ với các quan đồn”, theo chính sách mới của ông Bùi Tá Hán.
Sự thể chứng tỏ Cham vẫn ở lại rất nhiều, sau khi chính quyền bỏ thủ phủ chạy vào Nam. Và, ai dám đảm bảo người từ trong ra thăm bà con đã không trốn ở lại? Và để ở lại cho trót, nếu họ “chối mình là Cham” thì chẳng có gì đáng trách cả.
Như vậy, có thể khẳng nhận rằng ở miền Trung suốt cõi Huế, Quảng Nam đến Phú Yên, Khánh Hòa hôm nay, mênh mông Cham đang thở hơi thở tại quê hương mình. Dù họ khai dân tộc Việt, mang họ Việt, hay dù có lắc đầu quầy quậy rằng ta không là Cham, nhưng họ cứ là Cham “đang nói tiếng Việt bằng giọng Chàm”.
Nữa, giới nghiên cứu còn biết đến tên gọi khác của Cham: Cam Ywơn hay Kanh Cụ, Kinh Cổ đang sống tại hai làng Xuân Quang, Xuân Hội thuộc Bắc Bình – Bình Thuận. Là hệ quả của các mối tình Cham – Việt, cả những thanh niên Kinh trốn lính thời chiến tranh nữa.
Mấy năm qua, bà con họ Chế ở Huế, Tây Ninh, họ Trà ở Quảng Nam, vân vân có đến 100.000 người đang nhận mình là Cham. Đó là chưa kể vài nhánh khác.
Chính mang tinh thần hậu hiện đại, mà cuối năm ngoái tôi ra tận Thái Nguyên để tìm làm gia phả họ THUẬN, và tháng 5-2020 vừa qua truy tìm nguồn gốc họ BẠCH Cham, từ Bạch Văn Nguyên, sang Bạch Thanh Chạy – cố Trưởng Ban Ban Biên soạn sách chữ Chăm, đến tận Bạch Văn Thanh bạn thơ tôi. Tất cả hợp lại thành truyện ngắn: “Nhiêu khê họ của người Cham”, dăng tuần báo Văn nghệ Thành phố, 3-2020
Sinh linh nào mang mặc cảm tự ti, tự tôn hay phức cảm dân tộc thì cứ việc, riêng tụi này: KHÔNG! Phải ho, Chế Hoàng Giác, Trà Công Tân…?