[hay: Cham hiện nay có khuynh hướng lấy HỌ nào?]
Qua phân tích, ta thấy Cham có 4+1 “kiểu” HỌ.
[1] HỌ dòng tộc như họ Pô Rômê, họ Pô Gihlau, họ Gađak (của Inrasara), họ Amil Apwei ở Hữu Đức… dường chưa ai dùng đặt cho mình cái tên cả!
Coi như các vị này được yên vị.
[2] JA (nam) hay MƯ (nữ) trước cái tên, thì gần như đi vào lịch sử rồi.
Ja Mrang (Huỳnh Ngọc Sắng), Ja Mưta Harei (nhà nghiên cứu Thiên Sanh Cảnh), Jalau (thi sĩ Trượng Văn Lầu).
Nhìn qua VĂN hay THỊ bên Việt, hiện nay ít ai xài đến nó.
Mẹ tôi: THỊ Chiều, chị cả tôi THỊ Hám, còn em gái tôi lại là PHÚ Thị Những.
Trương Thị Đào, Kiều Thị Hồng Vân, Nguyễn Thị Mai…
Vậy là THỊ bị đẩy xuống sắm vai phụ, dùng làm chữ LÓT. Dĩ nhiên không ai cấm nó đứng biệt lập ngang tàng cả, nếu bụng nó đã ưng: Ja Phương, JaBilot, MưNhơ…
[3] Họ vua chúa xưa ra mòi đang vượng. Ở đây có 2 chi:
[3.1] HỌ tiếng Cham [đúng hơn là Sanskrit]
JAYA, như Jaya Panrang (Lưu Quý Tân); INRA, như Inrasara; PUDRA, như Putra Jatrai, Son Putra (chơi ngược, sáng tạo chán).
[3.2] HỌ vua chúa xưa được phiên âm:
ÔNG và MA ít thấy Cham nào xài, dù nó cũng rất xứng đáng
CHẾ vẫn còn có mặt trong truyền thống Cham, cả Việt cũng đang mang nó, xài lại là rất đáng hoan nghênh.
Chế Quốc Minh, Chế Lưu Phương (Đàng Năng Quạ), Chế Mỹ Lan, Chế Viên, Chế Trâm, Chế Hoàng Giác, Chế Viết Sơn…
Lạ, đồng chí TRÀ mất dấu trong cộng đồng Cham nhưng lại tồn tại khá đông ở Việt [luôn nhận mình là Cham]: Trà Công Tân, Trà Toại, Trà Thanh Toàn.
Cham hiện đại cũng có lấy HỌ này làm bút danh: Trà Vigia, Trà Ma Hani (kết hợp cả Trà lẫn Ma), Trà Yến…
[4] Cuối cùng là HỌ Minh Mạng ban, cũng phân hai nhánh:
[4.1] Giữ nguyên dạng, là: Bá, Đàng, Hứa, Lưu, Lựu, Hán, Lộ, Mã, Châu, Ngụy, Từ, Tạ, Thiên, Ức, Vạn, Ưng, Lâm, Hải, Báo, Cây, Dương, Quảng, Qua, Trượng, Tưởng, Lư, Phú, Thông, Mai…
[4.2] và bị BIẾN TẤU qua “dao lam” (xem Ngụ ngôn hiện đại ở tút-2]
Trương từ Trượng, Đặng từ Đàng, Hàn từ Hán (Cả sư bác tôi là Adhya Hán Bằng, còn Paxêh con bác mới lên Baic năm 2020 là Hàn Văn Hàm!]
[5] Và cả YANG, PO và tên VUA nữa?
Ở tút “Hành trình Cham-48”, tôi viết: Po Dharma (Quảng Văn Đủ), Yang Neh (Đàng Năng Giáo), Musa Porome (Thành Công Thỏa)… có xúc phạm thần linh Cham không? Và trả lời: Tuyệt không, nhìn từ ngoài Cham – theo chỗ tôi biết! ‘Po, Yang, Inra, Jaya, Rudra’, hay lấy tên/ họ vua nào đó tạo ra tên mình, không có gì ghê gớm cả. Nhân loại khắp nơi vẫn làm…
Dẫu sao Cham nhìn khác. Rất, rất nhiều người kêu: Không nên ‘ông khin’!
‘Pô’ có 4 cấp bậc: Tối cao là “đấng” Pô Aulwah, dưới xíu là “vua thần”: Pô Klong Girai, Pô Rômê…, thấp nữa là “giáo chủ một khu/ làng”: Pô Adhya, Pô Gru, cuối rốt là “ngài, chủ”.
[Còn ‘Pô, Nai, Cei’ trong các lễ Rija thuộc nhánh khác. Xem, Inrasara, Văn hóa – Xã hội Cham, Nghiên cứu & đối thoại, tái bản lần 4, 2019).
Lấy “họ” Pô ghép vào tên mình, là HÚY. Cham nghĩ thế, chứ không phải tôi.
Tạm kết [bởi vụ này chưa thể có hồi kết, nên kêu “tạm”]
Bá, Phú, Đàng, Lưu, Hán, Từ, Vạn, Lâm, Hải, Báo, Quảng, Qua, Trượng… là các HỌ phổ biến trong Cham non hai thế kỉ qua. Ừa, tạm được. Dẫu sao, Cham cho đó chỉ là “họ” Minh Mạng đặt, chứ không phải “truyền thống”.
Tút này còn chưa bàn đến vụ Cham theo chế độ gia đình mẫu hệ, con cái làm khai sinh theo họ cha, ngoài ra còn kèm nhiều món cho thêm nỗi rối rắm. Rối rắm với nhiêu khê, còn hơn là không.
Vậy, bạn chọn “họ” nào đặt tên cho mình hay con, tùy nghi nhé.