Hành trình Cham-49. HỌ CHAM TỪ CỔ ĐẾN KIM-2

[hay: HỌ Trương, Đàng, Phú, Nguyễn… của Cham từ đâu ra?]

1. Nguyễn Văn Luận (Người Chàm Hồi giáo Miền Tây Nam phần Việt Nam, 1974) cho hay, bốn họ Ông, Ma, Trà, Chế chỉ dành cho vua. Quần chúng Cham thì cứ đặt JA (nam) hay MƯ (nữ) trước cái tên, hệt VĂN hay THỊ bên Việt.

Thời gian gần đây, Cham ít dùng hai “họ” này, nghĩ rằng thế thì tầm thường quá. Dẫu sao đã có không ít vị lấy nó đặt bút danh. Ja Mưta Harei (nhà nghiên cứu Thiên Sanh Cảnh), Jalau (thi sĩ Trượng Văn Lầu). Vẫn đẹp và sang trọng đáo để!

Họ tên riêng là vậy, còn chung cho dòng tộc, Cham đặt HỌ cho dòng tộc mình theo tên vua, thần: họ Pô Rômê, họ Pô Gihlau; đặt theo tên loài cây trụ trong ‘‘‘Kut’, Ghur’: họ Gađak (của Inrasara), họ Amil Apui ở Hữu Đức…

Câu chuyện.

“Thời Ngô Đình Diệm, trên xã phái tay thư kí xuống các palei Chakleng điều tra dân số. Bước vào nhà tôi, anh gặp ngay chị Hám là chị cả trong gia đình. Anh hỏi:

– Chị họ gì?

– Tui họ Gaup Gađak, – chị đáp không cần suy nghĩ.

– Là họ gì?

– Thì họ Kut dòng họ mẹ tui đó.

Anh này mở tròn mắt, gõ gõ đuôi bút bi mấy cái lên trán mà chả bật ra thứ gì.

– Chị còn có họ nào khác không?

– Tui họ Bà Boy, chị Nhjau, cô Liên…

– À, biết rồi… biết rồi. Thế họ của chị trong giấy khai sanh là thế nào?

– Thế nào ai mà biết, chú hỏi gì hỏi nhiều thế…

Vậy là uổng công! Chị Hám có biết chữ Quốc ngữ đâu mà hỏi. Giá có biết thì chị là Thị Hám, vậy thôi. Tất tần tật nữ Cham ngày xưa đều “thị” cả. Anh thư kí xã người đàng quê không hiểu chị Hám, tôi thì tôi hiểu. Hỏi quá, thì chị kể tên người bà con trong “dòng họ” mình, là phải rồi.” (trích Những cuộc đi & cái Nhà)

2. Họ Cham Pangdurangga trong khai sanh hiện đại thì sao?

Lẽ nào nữ là “Mư”, nam cứ “Ja” mà kêu, ngó sao đặng! Làm khai sanh thế nào cơ chứ. Thế là các quan Nhà Nguyễn bày ra cái họ cho Chàm. Cùng “họ” với người Việt thì không được. Vậy đào đâu ra đây? À, đây rồi. Cứ lấy họ Tàu mà định. Nhưng không thể sao y bản chánh, giống Tàu hóa ra Chàm đàn anh ta sao? Phải biến đổi nó đi. Vặn vẹo sao cũng được, miễn là phải khác.

Nguyễn Văn Luận: “Năm Minh Mạng thứ 14 (1834), triều đình Huế bắt người Chàm phải theo phong tục Việt Nam. Họ phải chọn lấy một trong những tên họ đọc theo ngôn ngữ Việt Nam, gồm có: Bá, Đàng, Hứa, Lưu, Lựu, Hán, Lộ, Mã, Châu, Ngụy, Từ, Tạ, Thiên, Ức, Vạn, Ưng, Lâm, Hải, Báo, Cây, Dương, Quảng, Qua, Trượng, Tưởng, Lư.”

Họ Cham “hiện đại” từ đó mà ra.

Riêng họ Nguyễn, Cham nào có công với triều đình, thì được đặc ân cho hưởng họ “Nguyễn”. [Công chúa?] Nguyễn Thị Thềm, Nguyễn Tùng.

Còn “Bố” do ‘Pô’. Cham kêu ông Aymonier là Pô Parang: Ngài Pháp. Con ông lấy họ Pô là đương nhiên, Việt gọi trại đi thành “Bố”: Bố Thuận.

3. Lệnh vua ban xuống tưởng yên, nhưng Cham có chịu tốt một bề đâu!

Trích đoạn “Ngụ ngôn hiện đại: Tiếng Cham cao cấp của thầy K”:

Bước vào lớp, K lật sổ điểm danh. Ngay tức thì dưới lớp có vài tiếng cười khúc khích.

– Các em muốn học không nào? – K đập bàn một cái rõ to. Thế là im thít.

– Bắt đầu nè: Đàng Văn Thủi!

– Dạ có.

– Em biết họ “Đàng” của em từ đâu ra không?

– Dạ, nghe nói từ thời Pháp khi người Việt bắt đầu bổ túc chữ Quốc ngữ…

– Sinh viên thời buổi này thuộc bài thì rõ rồi, nhưng tôi hỏi cụ thể từ đâu mà ra…

– Không thưa chú, dạ xin lỗi, à… thưa… thầy.

– Thầy với chú, nó ra lò từ họ “Đường” bên Tàu đó. Mặt mũi cậu mà đòi cùng họ với Đường Minh Hoàng sao? Vậy là: Bây khai sinh cứ đổi “Đường” thành “Đàng” cho ta. “Đường” thành “Đàng”, có nguyên do thế đây, hiểu chưa nào?

– Chưa thì thôi, huỡn đã. Tiếp nè: Lộ Minh Chùn!

– Dạ, có em.

– Em cũng không hay không biết cái “Lộ” ra từ đâu, phải không? Từ “Lỗ” đó. Dỏng tai lên mà nghe, cậu không thể họ hàng với văn hào Lỗ Tấn được. Thay dấu “ngã” bằng dấu “nặng” cho ta, ai kiện ta chịu.

Bộ cô cậu mà có thể cùng họ với người Hoa à? Thế là thay, thay tuốt… Quản thành Quảng, Đồng thành Đổng, Lữ thành Lư, Tôn thành Tồn…

– Vẫn chưa hiểu à? Nữa nè: Trượng Văn Mun!

– Dạ, em họ Trương, thưa thầy.

– Đưa xem căn cước cói. Không, không phải thẻ sinh viên, mà giấy chứng minh kia.

Mun đưa cả hai cho thầy. K ngó ngó và cười cười.

– Thẻ sinh viên thì ổn, còn căn cước, có vết cạo mất dấu “nặng” nè.

Quay sang Mun, K hỏi:

– Em dùng dao lam phải không?

Mun họ Trượng câm như bị cho ngậm cám. Cả lớp Tiếng Cham Cao cấp im lặng như thể có tang. Rồi vỡ cười hệt cả bọn đồng loạt bị kẻ nào thọc léc.

– Im lặng nào. Tiếp đây:

– Báo Văn Mỡ!

– Dạ em họ Bao, có giấy chứng minh, thưa thầy. – Không đợi thầy kêu, Mỡ đưa ra.

– Cậu thành thật khai báo như thế ngó được lắm.

– Cha cậu cũng Bao à?

– Dạ, Bao Văn Da.

– Thế ông ngoại?

– Bao Văn Xương.

– Nhà cậu đích thị cháu chắt mấy đời quan Ngự sử Bao Thanh Thiên với người mẫu cao cấp Bao Tự rồi…

– Thế em ruột của ông ngoại còn sống không?

– Dạ, còn. Báo Văn Cốt.

– Đấy, thấy chưa. Báo Văn Cốt. Báo biến tấu thành Bao, vậy là đích thị ông ngoại của cậu tẩy mất cái dấu “sắc” rồi.

Cả lớp Tiếng Cham Cao cấp cười như vỡ chợ.

– Im đi nào! Phải chuyện tiếu lâm đâu mà nhe răng như khỉ ấy, – K. đập bàn đánh rầm.

– Thông minh, thông minh cực kì. Họ chơi Chàm thì Chàm ta chơi lại, ngán gì. Ta cạo, ta chùi, ta tẩy… Hán trở lại thành Hàn, Lượng phục nguyên làm Lương… Riêng trường hợp Báo cạo thành Bao thì phải công nhận dòng họ nhà này đi trước thời đại.

– Chàm đích thị nòi sáng tạo.

Bài học hôm nay chấm hết tại đây, – K. kết, giơ tay vẫy mọi người, bước khỏi lớp.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *