[nối sinh linh Cham với nhau, Cham và Việt, Cham và chính quyền, VN với ĐNÁ]
Từ đắc Đạo Cham, nhờ phước đức Pô Yang, đụng phải vấn đề nào bất kì, tôi đều có cách hóa giải, và giải rất được. Đời, tôi chịu thua có mỗi… bà xã.
Từ bà lên 55, tôi nói: Mẹ nó nghỉ là vừa rồi, nếu làm thì làm bớt đi; hoặc làm ít thôi, đẹp vào, chất lượng ISO lên. Cuối cùng bà luôn làm ngược lại. 17 năm rồi còn gì, còn gì…
Dù tôi xài đủ bài, thuyết đủ sắc thái giọng điệu cũng chịu. Bà Trời chơi khăm tôi thế chứ! Thế nên lâu lâu tôi đâm nhớ… ông hàng xóm (xem “Giải trí cao cấp. Vợ tôi nghe lời tôi”).
Tôi là sứ giả của HIỂU BIẾT & HÒA BÌNH.
Ở lời nói đầu cuốn Điêu khắc Chăm đẹp và đồ sộ in năm 1988, viện sĩ Phạm Huy Thông viết: “Người Chăm và văn hóa Chăm là cầu nối nối liền nước ta với Đông Nam Á hải đảo”.
CẦU NỐI, chữ vừa chuẩn vừa đầy thi tính. Tôi sáng lên với ý đó, ba lần gợi ý, gợi hứng với “trên” sắp đặt cho tôi sứ mệnh cao với kia. Cả ba lần, cây cầu bị gẫy.
Chuyện kể.
1. Năm 1994, thuở làm ở Trung tâm Việt Nam-ĐNÁ, tình cờ đọc thông báo cuộc thi của Đoàn Thanh niên, đề tài liên quan đến “mở ra thế giới”, hứng lên – tôi viết bài gửi chẳng cần đọc kĩ tin. Tháng sau có thư báo trúng giải. Hôm phát thưởng, vừa ló đầu vào hội trường, một cô sinh viên trờ tới hỏi:
– Thầy ở trong ban giám khảo ạ?
Tôi ngớ đi chục giây, ngó quanh, toàn bọn đầu xanh tuổi trẻ.
– Em thế nào? – Dạ đến xem thôi.
Tôi bước nhanh qua phòng tổ chức, kêu mình có việc gấp. Họ đưa tôi cái bì thư, tôi kí nhận, và biến. Không hiểu ban tổ chức thông báo ra sao sau đó, tôi – buồn cười đến phát ốm. Dẫu sao cũng vớt vát được, tôi kí tên Inrasara, trong khi ở Đại học tôi bị kêu là thầy Phú Trạm!
Năm 1999, nhận thư có dấu đỏ từ Hà Nội với chữ kí Hà Xuân Trường mời ra thủ đô hiệp thương làm lớn. Tôi phone đến văn phòng:
– Có phải làm quan ăn lương không cô?
– Dạ, có lẽ thế. Anh ra sớm nhé…
– Ngoài đó có cái gì như “cầu nối” không? – Tôi hỏi, thứ ghế không chức không lương ấy…
Cô nàng không hiểu, có lẽ, nhưng cũng nói: Vậng, em sẽ trình lại.
Và cái cầu trôi đi mất hút.
Lần thứ ba vào năm 2015, thuyết trình tại Sứ quán Thụy Sĩ – Hà Nội, cũng như hai buổi giảng bài cho Hội đồng LLPB-VHNT Trung ương trước đó ở Ninh Bình và Đồng Nai, toàn bộ câu chuyện của tôi liên quan đến “cầu nối”. Mỗi bận thuyết là mỗi bận tôi được trên nhắc: Tuyệt lắm, nhưng chưa phải lúc, Sara à. Khi tôi hỏi: Bao giờ mới “phải lúc”, thì nín thinh.
Cây cầu gẫy vĩnh viễn, từ đó!
2. Dài dòng này có nguyên do chánh đáng của nó.
Cái tút “Hành trình Cham-40. Sự cố văn hóa tín ngưỡng 7-7. Kết thúc đẹp” vừa lên mạng, bao nhiêu live với love tới tấp, riêng một FBker chat: “Có mỗi anh Sara hốt huê chót” [Ý, mọi kẻ rung thỏ, mỗi ông Sara thộp].
Tôi chả chút ngạc nhiên, bởi chuyến đi Nhật về, có bạn cũng kêu hệt thế. Tôi hỏi:
– Diễn cho quốc tế hiểu về Cham với Dự án nhà máy Điện hạt nhân đòi hỏi 7 ngón võ, theo bạn ai Cham bỏ túi đủ số 7 ấy? Bạn tìm đi, nếu có một nào đó có được 3 thôi, tôi sẵn sàng nhường suất. Ơn ích gì cái nỗi này…
– Mình nói lại ý của người khác thôi.
Tôi hỏi: Sao phải tránh, sao bạn không dám thể hiện chính kiến của mình mà phải quá giang ai khác?
3. Sứ giả của hiểu biết & hòa bình, làm sao tôi dám kêu to thế?
Chuyện Tagalau (kể rồi, xin tóm). Những năm đầu thập niên 1990, tôi mấy lần nói với ông anh ở Sài Gòn, cả Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm ở Ninh Thuận đứng tên làm tạp chí, phần nội dung tôi lo. Họ không làm, tôi mới lặn lội.
Làm, tôi đẩy nhà thơ Nông Quốc Chấn & Hội VHNT các DTTS đứng tên, tôi sắm vai “anh hùng núp”. Chỉ khi Tagalau-2 gặp sự cố, tôi mới ló đầu ra làm chủ biên.
Thành công, tôi có bám ghế không? Dứt khoát là không rồi. Ngay sau Tagalau-7, tôi đã thông tin chuyển giao cho cánh trẻ, để mãi 7 năm sau Anưk Jalau mới chịu nhận.
Sứ giả, về Cham, lấy mỗi Tagalau ra làm chứng, có ai thấy tôi dùng nó chống Cham nào không?
Nguyễn Văn Tỷ qua “Thực trạng xã hội Cham” phê Cham; Trà Vigia với “Mỹ Sơn đường về” và Ts. Nguyễn Phạm Hùng: “Văn học Champa ở đâu?” là phán Việt, đã gây chút chút xì-căng-đan. Rồi ở cả ba vụ tôi đều hóa giải nhẹ nhõm.
Phía Việt Nam, chủ trì Bàn tròn Văn chương của Hội Nhà văn Việt Nam, chủ trì Cà-phê thứ Bảy Văn học nơi ấy gồm toàn “thiên tài”, có sinh linh nào thiếu hiểu biết với khuyết tinh thần “hòa” mà “giải” đặng không?
Tôi còn được phi chính thống mời tham gia 1@5 cố vấn về các vấn đề đất nước nữa, 7 năm liên tục chớ chẳng chơi. Dù ở đó không ghế, không lương – đủ thấy tôi khả năng sắm vai sứ giả của hiểu biết & hòa bình thế nào rồi!!!
4. Tôi phó mình cho Pô Yang
Hôm đi Đài về ghé Hamu Tanran, ông Ò [ông thương tôi tệ] kêu: Giữ mình Trạm nhé.
– Sara không giữ nổi mình, Cham cũng không thể, chỉ có Pô Yang – tôi nói.
Tagalau, tôi muốn nó là nhịp cầu kết nối Cham khắp nơi;
Chủ trì với diễn thuyết, tôi mong làm cầu nối Cham với Việt, Cham với dân tộc thiểu số;
Phản biện xã hội, tôi tự nguyện nằm làm cây cầu đi lại cho sinh linh Cham và chính quyền. Thế thôi, không gì khác.
– Chú chớ lo Sara “phản động” – tôi thêm, có cho vàng ăn hắn cũng không phản động nổi nữa là.
Ừa, chỉ có Pô Yang.
Làm việc với tâm thành và trí sáng nhất có thể, còn lại phó mặc cho Ngài.