Không biết, hay biết mơ hồ mà nói, hỏng hóc là điều khó tránh.
Biết từ nghe nói, hay biết thuần qua đọc sách mà nói, lệch lạc đã đành; ngay mắt thấy tai nghe như vụ “Nồi cơm Nhan Hồi”, nhận định chưa chắc đã đúng; thậm chí quen thân lâu ngày, đưa ra lời xét nét lắm khi còn trật.
Vụ bạn thơ Trầm Ngọc Lan nhìn Sara, là một trong những…
Kể lại chuyện này, chủ yếu để giải-thành kiến cho hai bạn trẻ: “Không rượu bia thì không thể thâm nhập cộng đồng được”, “Nếu cei Sara ‘biết’ uống rượu, cei sẽ là người Cham toàn diện nhất”!
Tháng 2-2014 cận Tết năm con Ngựa, lai rai tại nhà Trà Vigia, bạn thơ TNL kêu: Về kiến thức sách vở Sara nhà ta là siêu, tiếc là thực tiễn xã hội Cham còn hạn chế…
Khi ấy tôi đã qua 3 lon, nên xin kiếu, xin khất cả vụ phản biện.
Vài ngày sau, tôi viết “Thư gửi bạn: “Có phải Inrasara thiếu thực tiễn xã hội Cham?” đăng trang nhà, nay xin tóm.
Kẻ làm “Hành trình Cham” mà thiếu thực tiễn, thì còn ngón nào mà hành? Thử xem nó ra sao nào…
Sara-thơ mây gió mơ màng với mơ hồ thì hẳn;
Sara-nghiên cứu làm cụ non đóng cửa phòng văn hì hục viết, hay Sara-diễn giả có thể cao giọng dạy đời, bất cần biết đời ngoài kia nóng lạnh ra sao cũng không lạ;
Chớ Sara-nhà báo mà thiếu thực tiễn xã hội thì khá kẹt;
Kẹt hơn nữa, cái ông Sara-nhà tổ chức.
Tôi đã tổ chức gì? Mở website Inrasara.com, chủ trì Bàn tròn Văn chương, chủ trì Cà-phê thứ Bảy Văn học, sáng lập và chủ biên Tagalau suốt 15 năm, tổ chức ra mắt sách, vân vân, lẽ nào tôi cứ ta là ta mà không biết có ai khác?
Tôi từ 12 đến 18 tuổi đã lang thang khắp palei Cham Pangdurangga sắm vai “thi sĩ hát rong” kể bạt ngàn câu chuyện Cham; đất nước mở cửa tôi phiêu bạt tận Phú Yên, An Giang, Tây Ninh rồi Cambodia; kẻ cả chục lần tổ chức “Hội thảo chiếu dài” tại palei mời hàng trăm nhân sĩ, trí thức dự cuộc, vân vân.
Rồi Sara-Cham luôn ở điểm nóng thời cuộc: Kế toán trưởng HTX Nông nghiệp thí điểm, Ban Biên soạn sách chữ Chăm, Tổ trưởng biên soạn Từ điển Cham, rồi còn bị lôi vào “chiến trường Akhar thrah”, bao nhiêu thứ mà không tiếp xúc với sinh linh Cham, hỏi ngó có đặng không?
Cuối cùng, Sara-xã hội dấn vào hơn 20 vụ lớn bé của cộng đồng, từ vụ to cồ như Ghur Raneh đến việc nhỏ như Bất công tại Trường Dân tộc Nội trú Ninh Phước, từ Sự cố Văn hóa NTT cho đến cá thể Cham vô danh nào đó mất tích, chớ hắn ở trên mây mà tìm biết, rồi bày ra hướng giải quyết mà bà con tin được sao?
Đùa!
Dự án Nhà máy Điện hạt nhân chẳng hạn, để biết rõ món này, tôi đã phải đọc cả khối tài liệu, tìm hiểu bạt ngàn quan điểm, gặp gỡ bao nhiêu con người từ phía chính thống đến phe phản biện, trong lẫn ngoài nước, trẻ hay già, Cham với ngoài Cham. Tất cả.
Tôi phải va chạm, đấu chiến thường trực; và chấp nhận và chịu đựng nỗi mất và được, với cá nhân và tập thể, với chính quyền lẫn quần chúng, bạn hữu cũng như kẻ nghịch. Các dấu vết kia đều được tôi thể hiện đủ đầy qua “Tiếng nói Nhà văn” 3 tập, nếu mang ra in dễ đến ngàn trang chớ chẳng chơi.
Nhập cuộc cỡ ấy, mà thiếu thực tiễn Cham, mới lạ!
Nhập cuộc từ nhiều lối, bằng lắm thể điệu bạn mới mong tiếp cận vấn đề Cham. Hôm nay, bạn trẻ nào có thể làm như thế? Và hơn thế…