Hành trình Cham-12. CHAM TỰ NHÌN MÌNH

[Đàng Năng Quạ, Nguyễn Văn Tỷ & Inrasara]

Dân tộc biết tự phản tỉnh là dân tộc đã khôn lớn. Vậy Cham nhìn khuyết điểm của mình thế nào? Dù không là đại diện chính thức, với vị thế và uy tín của họ, tôi xin tạm nêu ba tật xấu của Cham do hai vị thuộc thế hệ đi trước đề cập trong tác phẩm của mình.

1. Jhaak hatai’, ‘lô kanjah hatai

Câu kết ca khúc “Khik Bhum Pachai” của nhạc sĩ Đàng Năng Quạ:

“Nưmmưk drei lihik, pajeh drei karaang, kaywa Cham drei lô kanjah hatai tian”. Tạm dịch là: “Di sản mình mất, giống nòi mình tổn hao, bởi lòng dạ Cham mình LẮM NHỎ NHEN”. (Nưmmưk: nghĩa đen là “dấu vết. di tích”, ở đây nên hiểu là di sản).

Jhaak hatai, Nguyễn Văn Tỷ viết:

“Tôi xin nhấn mạnh đây là bản chất chứ không phải hiện tượng. Nó kiềm hãm bước tiến xã hội rất lớn bởi vì mọi người lại ưa tị hiềm nhau, người này muốn dìm người kia, và tự dìm lẫn nhau”.

Bình.

Lòng dạ lắm nhỏ nhen” là ca từ trong ca khúc, nhạc sĩ nêu lên tật xấu Cham làm câu kết, nghĩa là ông muốn nhấn mạnh. Nghĩa từ điển: Nhỏ nhen là hèn mọn vụn vặt, chả đáng.

Như A viết bài đấu tranh cho cộng đồng, B vốn thù A từ lâu; B thấy bài viết của A có lỗi ngữ pháp nhỏ, B bắt bẻ lỗi đó rồi tấn công cả con người B, mà quên rằng làm thế, A dễ nhụt chí rồi bỏ cuộc, từ đó thiệt cho cộng đồng.

Bạn hữu đang cùng gánh vác một việc, khi C thấy D có vẻ nổi trội hơn mình, C liền tìm cách xuyên tạc D, để chỉ có riêng mình bật lên, mà không biết rằng đó là cách nhanh nhất làm phân tán lực lượng. Đây là hèn mọn vụn vặt.

Jhaak hatai’ mang nghĩa tương tự ‘Kanhjah hatai’ ở mức độ nhạt hơn. Đồng dao “Kwik Kwak” thể hiện khá chuẩn tinh thần “xấu tâm”, đố kị, kèn cựa:

Kwik điik cabbaak – Kau luak giloong

Kwik hu koong – Kau hu karah

Kwik hu brah – kau hu jiên…

(Kwik leo cổng, ta chui rào/ Kwik có còng, ta có nhẫn/ Kwik có gạo, Ta có tiền…)

Kwik Kwak chung làng cùng nghiệp thì vậy, chứ vài sinh linh ngành nghề không liên quan gì nhau vẫn cứ ‘Jhak hatai’, mới lạ.

2. ‘Chơơk karơơk (dốc phách, thiếu khiêm tốn), Nguyễn Văn Tỷ.

“Nếu Jhaak hatai kiềm hãm bước tiến xã hội thìChơơk karơơk’ tác hại gấp đôi! Người Việt có câu “Muốn biết thì hỏi, muốn giỏi thì học”đầy khiêm tốn và khôn ngoan, còn Chăm rất ngại hỏi người khác vì sợ người ta biết mình dốt, khinh mình!”

3. Háo danh

“Háo danh khác tham vọng. Nếu tham vọng muốn đạt được cái gì đó cao hơn trong mục đích phục vụ cộng đồng thì háo danh chỉ mong thỏa mãn ước muốn thấp hèn của bản thân, bất chấp khả năng mình ra sao”.

Các phân tích và nhận định thẳng thừng trên của Nguyễn Văn Tỷ bị một bộ phận cộng đồng phản ứng dữ, đến tôi phải đính chính ở Tagalau 5, mới yên.

Bình

Chơơk karơơk biểu hiện rõ hơn cả ở cách Cham ứng xử với ‘Xakawi’ (Lịch) & ‘Akhar thrah’ (chữ viết). Biết ‘Xakawi’, không để làm gì cả, mà thể hiện ra cho làng trên xóm dưới biết ta biết, thế là làm. Chỉnh sửa chút đỉnh cho khác người kia là thành ‘Xakawi’ CỦA mình.

Còn ‘Akhar thrah’, vài vị mới qua lớp tiếng Cham căn bản đã đòi soạn tự học tiếng Cham; vị khác thì phải tranh cãi với ai đó càng nổi tiếng càng tốt để chứng tỏ ta cũng ngon lành như ải như ai. Tội hơn cả là, diễn. Không biết hay biết qua loa cũng diễn.

Đó là chuyện liên quan đến nhận định của hai vị trí thức khả kính. Tôi có cái nhìn khác.

Inrasara nhìn Cham thế nào?

Phần tôi, dịu dàng với yểu điệu hơn. Trong Văn hóa – Xã hội Cham, nghiên cứu & đối thoại (NXB Văn học, 2002) tôi “điểm danh 10 khuyết tật Cham” và phân tích với dẫn chứng mà không phê phán.

Chơơk karơơk

[trong đó có một phần kiêu ngạo]

, nhìn ở khía cạnh nào đó, tôi cho là một đức tính, chứ không phải tật xấu Cham. Ở “15 câu hỏi ngắn dành cho Inrasara”, tôi viết:

Đức tính ông yêu thích nhất nơi người Cham? – Kiêu ngạo.

Còn tật xấu? – Kiêu ngạo không ra trò.

Đó là chuyện cũ, xin cho vào ngoặc. Theo tinh thần “Hiểu thì yêu hơn”, tạm kê ba thiếu khuyết chính của Cham hôm nay, như là đối trọng tinh thần Cham xưa. Nhấn về sinh hoạt văn hóa – xã hội.

[1] Phiêu lưu, nhưng chưa đủ

Cham xưa phiêu lưu đáo để.

Thời hiện đại, tôi chứng kiến vài sinh linh Cham phiêu lưu lang bạt, dọc ngang trời đất. Ví như Dũng đồng hương tôi, từ một anh y tá tỉnh lẻ bỏ vào Sài Gòn phát huy tài năng thiên bẩm của mình và làm nên, là một điển hình. Dẫu sao hiện tượng đó không nhiều. Tinh thần phiêu lưu ở Cham sụt giảm trông thấy.

Lĩnh vực nghiên cứu, sao cứ nhè kiến trúc với điêu khắc, tôn giáo với phong tục tập quán, mà không là âm nhạc? Sao mãi hôm nay thế hệ Cham vẫn chưa trình ra thế giới bộ “Âm Nhạc Cham”? Nghề nghiệp, sao ta cứ kĩ sư, bác sĩ đến nhà giáo mà không là gì khác? Sao không là nhà báo, đạo diễn điện ảnh,…?

[2] Ham hiểu biết, nhưng vẫn là tín đồ của Triết lí hổng chân

So với cả nước, và với điều kiện ít thuận lợi, mặt bằng học thức Cham như hôm nay khá cao. Tôi thấy nhiều Cham giỏi, thông minh, tháo vác nhưng… chưa đủ.

Ta ưa nhận định này nọ trong khi ta chưa rốt ráo. Chưa rốt ráo mà ta cứ tranh cãi, không là môn đệ của Triết lí Hổng chân sao? Đâu phải cứ biết đọc mặt chữ là có thể bình luận về tác phẩm văn chương. Biết đọc mặt chữ, bạn có thể đọc hiểu một bài báo, một tiểu luận, còn văn chương thì khác. Có năng khiểu thẩm định văn chương đã đành, bạn còn theo dõi tiến trình văn học Việt Nam và [phần nào đó] thế giới. Nữa, bạn cần nắm căn bản các lí thuyết văn học, chỉ khi đó thôi bạn mới cơ may nhận định văn bản văn chương nào đó có thể gọi là nghe được. 

[3] Thiếu nền tảng dẫn đến thiếu tự tin

Thiếu tự tin, nên ta ưa bình luận chê bai sau lưng; đến khi ra diễn đàn, thì tắt.

“Trai khôn chọn vợ chợ đông/ Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân” – người Việt nói thế.

Nhớ, mùa Hè 1993, đọc qua bản thảo Từ điển Chăm – Việt, rất nhiều vị cho “thằng Trạm sai hết” (dĩ nhiên nói sau lưng), đến lúc mở Hội nghị Góp ý Từ điển tại Phan Rang trước non 200 Cham lẫn Việt, Hội nghị lại do Cham là Thiết Ngữ chủ trì, vậy mà rất ít ý kiến được nêu ra, dù tôi dành một buổi cho hội trường nêu cái sai, “chỉ cái sai của bản thảo thôi” (xem thêm Hàng Mã Kí Ức, 2011).

RẤT ÍT ý kiến được nêu ra trên hội trường, bởi thiếu tự tin. Sợ hỏi sai, sợ bị hố trước ba quân. Còn ở thời buổi chữ nghĩa mạng, không ít người kí nick phê phán này nọ cũng là biểu hiện sự thiếu tự tin ở cấp độ khác.


Trích: Nguyễn Văn Tỷ nêu trong đặc san Tagalau 4, 2004.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *