[Tại sao viết báo? – trích Tự truyện Inrasara, chương 6]
Albert Camus viết đại ý, Nếu nhà văn […] sống trong thời đại chúng ta, ông sẽ không chút hối tiếc nếu – thay vì đóng cửa phòng để viết tác phẩm vĩ đại, ông sẽ lao vào thời cuộc để làm một nhà báo.
Tại sao tôi viết báo? – Đơn giản, bởi Cham chưa có nhà báo.
Lăn xả vào lòng đời, nói lên sự thật, có chủ kiến độc lập, và lôi cuốn người đọc tỏ thái độ.
Giai đoạn “chủ hộ”, viết báo là ưu tiên ba trong hoạt động của tôi [ưu tiên một là kinh doanh, hai là sáng tác và nghiên cứu]. Ưu tiên ba, như thể một cách đốt năng lượng thừa, vậy mà nó vẫn tràn năng suất!
1. Tại sao viết báo?
Vấn đề mà tiểu thuyết, thơ hay phê bình không thể nói được, báo chí nói. Báo chí chạm trực tiếp sự kiện thời sự nóng, cụ thể, và nhất là trực diện. Không qua bất kí lăng kính tu từ nào, báo chí là tỏ thái độ dứt khoát, không được phép nước đôi hay mơ hồ.
“Ngôn ngữ quẩn quanh hàng rào sự thật
Trăm ngõ ra chẳng lấy một lối vào“
(thơ Inrasara)
Báo chí là sự thật, bạn né tránh sự thật, đi vòng hoặc chỉ chạm đến một phần, thì nó không còn là sự thật. Thái độ của bạn thành hời hợt, lờ nhờ; ngôn ngữ bạn không khiến kẻ tiếp nhận tỏ thái độ. Để rồi tất cả trôi tuột đi, không để lại dấu vết!
Báo chí là môi trường, diễn đàn mở. Bạn có thể mở cuộc chiến công phá vào sự giả, cái sai, điều xấu, ví dụ: “hội thảo giả”, “phê bình mù”, “nghiên cứu gà mờ”. Và bạn luôn tư thế đón nhận những cú phản đòn từ đối phương.
Để tìm SỰ THẬT viết hoa.
2. Với nhà văn, báo chí là phương tiện khác
Tôi là nhà văn, nhà phê bình đồng thời là con người hoạt động xã hội, báo chí là phương tiện khác để diễn. Nhất là khi ta không tự hạn định ở khu vực chính thống, biết nhìn ra vùng ngoại biên, và cả diễn đàn ta tự dựng, để nói lên tiếng nói độc lập của ta.
Một tiểu luận dài hơi hay một tác phẩm lí luận phê bình thật khó đến với công chúng, báo chí làm thay công việc đó. Viết báo, để nói rõ ràng và cụ thể hơn quan điểm văn chương, hay bày tỏ chánh kiến.
Viết, để bảo vệ luận điểm của mình được thể hiện trước đó qua tác phẩm. Cái mới trong sáng tác văn học nghệ thuật, trào lưu mình đang cổ súy: hậu hiện đại là một.
3. Viết thế nào?
Tôi viết nhiều, rất nhiều nữa là khác. Từ năm 2000 đến 2017, mỗi năm trăm bài báo, những bài báo đáng cho độc giả trung bình đọc. Website cá nhân, từ 2007 đến 2012, mỗi ngày 1 bài riêng kèm 1-2 bài bạn văn cộng tác. Và khi lập FB, mỗi ngày tôi đăng ít nhất 1 tút, thậm chí với vấn đề nóng – có ngày 3 tút.
Viết, ngoài số rất ít được báo chí đặt hàng, đa phần là phản ứng thời cuộc, như Sự kiện Hoàng Sa – Trường Sa, Điện hạt nhân, Formosa, hoặc tôi tự bày ra chủ đề: sanh sự thì sự sanh. Mỗi chủ đề được viết thành serie gồm nhiều bài, có chủ đề lên tới trăm bài.
“Cham có thông minh không?”, “Bạn có yêu palei bạn không”, “Cham vẫn có thể làm giàu”, “Tinh thần Đất của Cham”, “Đi tìm sinh lộ cho Cham Ahiêr Awal”, chẳng hạn.
Qua đó, ý tưởng nẩy sinh ý tưởng khác kéo dài đến không muốn dứt. Viết kiểu này còn có cái lợi, bạn đọc theo dõi mang tính hệ thống, tham gia phản hồi, để rồi khi kết thúc, tôi gom chúng lại, gạn đục khơi trong để làm thành một tác phẩm.
Minh triết Cham, Những cuộc đi và cái Nhà ra đời từ các serie ấy.
Và nhiều cuốn khác nữa!