[trích Tự truyện Inrasara, chương 6]
Tôi không ưa báo chí, không bao giờ đọc, và không nghĩ mình viết báo, vậy mà tôi thành một nhà báo, lại là nhà báo… lớn. Không đùa đâu.
Đó là cụm từ tổng biên tập báo Dân tộc & Phát triển biếu tôi.
Ninh Thuận hiếm khi mời tôi dự hội thảo này nọ, mời tôi phát biểu càng hiếm nữa. Tôi được nói ở tỉnh nhà là nhờ… trung ương. Tại Hội trường KS Phong Lan nơi báo Dân tộc & Phát triển tổ chức hội thảo “Báo chí & Vấn đề chủ quyền biển đảo”, trước cử tọa là đại biểu các tỉnh miền Trung, anh Định mời tôi tôi tham luận trước tiên, giới thiệu rất oách:
– Anh Inrasara không chỉ là nhà nghiên cứu, nhà văn nổi tiếng, mà còn là nhà báo lớn. anh viết cho nhiều báo lớn trên thế giới, và là cộng tác viên lâu năm của chúng tôi…(1)
“Lớn”, là thiên hạ gán cho, chứ không phải tôi hô. Tôi tự nhận là kẻ viết nhiều, viết dày, viết cấp tập cho nhiều báo và loại báo khác nhau. Từ báo ngày đến nguyệt san, từ báo giấy đến báo mạng, từ trong đến ngoài nước, từ sáng lập tạp chí để viết cho đến lập website riêng, và cả facebook nữa – đương nhiên.
Tôi viết đủ thể loại, động cập đến rất nhiều đề tài khác nhau. Viết như điên! Đến đoạt luôn 7 giải thưởng… từ báo chí, giải nhất hay duy nhất.
Tút này sẽ lướt qua một vòng, còn chi tiết thế nào và ra sao, sẽ kể ở các bài tiếp theo.
1. Từ biết chữ, tôi không hề biết đến báo, mà là sách.
Sách, phải là sách cỡ nặng, và dày. Như Hemingway, Dostoievski, Nho giáo của Trần Trọng Kim, Việt Nam Văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm, vân vân.
Báo, tôi đọc đặc san – không phải Tuổi Hồng, Tuổi Ngọc dành cho tuổi mới mới, mà là Văn, Văn học nặng trịch. Ngay thời Trung học tôi đã đặt mua hai tạp chí này từ Sài Gòn.
Mãi năm 1987 từ Ban Biên soạn sách chữ Chăm về Chakleng, thấy Trà Vigia suốt ngày cầm tờ Thể thao & Văn hóa, tôi mới đọc ké, thấy nó cũng hay hay, mới mua và tôi đọc báo, từ đó.
2. Sài Gòn là đất của báo chí, với nghề chữ, báo chí lại là nơi kiếm tiền nhanh và dễ. Tôi nghĩ, viết báo – tại sao không? Thế là tôi nhập cuộc.
Vài bài báo đầu tiên của tôi,
“Ariya Bini – Cam, một trường ca bất hủ bị thất truyền”, tạp chí Văn hóa Dân tộc, số 1, 1993
“Ca dao, tiếng hát trữ tình của dân tộc Chàm”, tạp chí Văn học, số 4, 1994
“Phục hồi nghề dệt thổ cẩm Chakleng”, Tuổi trẻ Chủ nhật, tháng 9-1994(2)
“Shiva trong tâm thức người Chăm”, tạp chí Kiến thức Ngày nay, số 209, 1996
Nhớ, Kiến thức Ngày nay và Tuổi trẻ là hai báo trả nhuận bút cao hàng đầu thời đó. Vậy mà ngay từ khởi sự, dù còn vô danh tiểu tốt, tôi đã chọn báo, tạp chí ngon nhất để thể hiện, chả ngán hay tỏ ra khiêm tốn gì cả!
3. Báo, tạp chí nào?
Tôi hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, thêm đóng vài vai có vẻ quan trọng nữa, nhưng tôi hiếm viết cho báo, tạp chí Hội. Bởi ở đó đăng theo chế độ tem phiếu, chứ không xét chất lượng. Biết vậy, để viết nhiều, và bài mình không bị cắt gọt, tôi viết cho các nơi thông thoáng và tự do hơn.
Trong nước là tạp chí Thơ của Hội Nhà văn TPHCM, nhất là Tia Sáng, còn thì chơi trên mạng toàn cầu.
[1] Báo giấy, chỉ kể các báo tôi viết đậm nhất.
Văn là tạp chí của Hội Nhà văn TPHCM, từ tiểu luận đầu tiên “Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo” đăng tháng 11-2004, bài tôi xuất hiện dày đặc, cho đến khi nó… chết.
Tia Sáng cũng vậy, bài tôi đăng liên tục như thể là ưu ái… sắc tộc. Ở đây tôi còn được mời tổ chức hai chuyên đề: Văn học Đông Nam Á, và Văn học Cham nữa.
Văn nghệ Dân tộc & Miền núi, tôi gần như song hành với dịch giả Đăng Bẩy là người phụ trách chính. Tại đất này tôi làm 4 số chuyên đề về Cham, là bước khởi động cho Tagalau.
Quân đội Nhân dân cuối tuần và Bình Thuận cuối tuần, trong 5-6 năm liền gần như tuần nào cũng có bài của tôi, thậm chí có tuần hai bài.
Tạp chí nước ngoài như Thơ, Hợp Lưu (Mỹ), tiếc là khi tôi bắt đầu nhập cuộc thì thời thế thay đổi, báo giấy đang kì chuyển sang báo mạng.
[2] Báo mạng và Đài.
CHAM
Ngay khi website Cham trẻ hải ngoại Chamyouth.com mở, nhận lời mời của Phú Dũng và Chế Mỹ Lan, tôi nhập cuộc ngay, mỗi ngày 2-3 bài đến BBT cho phép tôi edit bài chính và cả comments. Mãi cuối năm 2004, tôi chuyển qua Ilimochampa.com giúp đỡ mạng của thế hệ lớn tuổi hơn. Hai bài tiêu biểu:
“Chú thích về Katê & Rija Nưgar”, Chamyouth, 2004.
“Đại cương văn học dân gian Chăm 3 kì”, Ilimochampa, 5.2005
VIỆT
Tôi vào cuộc sớm, và chơi đậm ở Vanchuongviet.org do anh Nguyễn Hòa-scl sáng lập hoạt động xôm tụ, tại đây tôi còn được anh mời giữ mục Thơ Tuyển [mục Văn Tuyển do bạn Phạm Lưu Vũ phụ trách]. Bài đầu tiên: “Viết ngắn-1. Về lí thuyết” post tháng 12-2006.
Tiếp đến là Tienve.org ở Australia do Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn, và… chủ trương. Bài đầu tiên: “Sáo chộn với Bùi Chát” đăng ngày 21-12-2003
Tôi viết hơn trăm bài cho hai trang mạng này. Sau đó là Talawas.org của Phạm Thị Hoài, bài đầu tiên là: “Thơ dân tộc thiểu số, từ một hướng nhìn động” đăng ngày 12-4-2006. Cả Tapchitho.org, Damau.org, Hopluu.org ở Hoa Kỳ nữa.
NƯỚC NGOÀI
Viết và trả lời phỏng vấn BBC.vietnamese, bài đầu tiên: “Chủ quyền biển Việt Nam qua văn hóa Chăm” đăng ngày 25-3-2014; đến RFA, bài đầu tiên là “Thực tiễn sáng tác hậu hiện đại ở Việt Nam”, Mặc Lâm thực hiện, ngày 3-12-2011.
Trên dưới mươi bài mỗi báo. Ngoài ra tôi còn trả lời phỏng vấn nhiều báo Nhật, Đài Loan, Đài Australia, Ấn Độ, vân vân.
4. Tôi lập báo, website
Lớp Đệ Tứ, chúng tôi làm hai kì báo tường lấy tên “Nguyện”, truyện ngắn và thơ tiếng Cham đầu tay của tôi đăng ở đây. Vào Sài Gòn làm sinh viên, là tạp san “Jalan tal Vijaya”, số đầu tiên các bạn mời tôi viết “tựa” bằng bài thơ dài. Ở Ban Biên soạn sách chữ Chăm, tôi được các bác phân công làm một tờ báo, được một kì thì ngưng.
Làm chuyên đề về Cham trên đặc san Văn nghệ và Miền núi của Hội Nhà văn Việt Nam được bốn kì, tôi rủ thầy Nguyễn Văn Tỷ, Trà Vigia, Trầm Ngọc Lan làm Tagalau, tôi chủ biên và quản tuốt từ A-Z. Đến năm 2014 được 15 kì, tôi chuyển giao hẳn cho cánh trẻ.
Sau đó đầu tháng 7-2007, tôi lập website Inrasara.com và kéo dài đến hôm nay; tháng 6-2013 là facebook: Inra Sara.
5. Thể loại, tôi viết đủ thể loại,
Tiểu thuyết, ví dụ Palei Có Gì Lạ Không Em? đăng Inrasara.com; thơ, truyện ngắn, tạp bút, ngụ ngôn, truyện châm biếm;
Nghiên cứu, tiểu luận và phê bình, điểm sách, bình thơ hay; trả lời phỏng vấn báo chí: báo giấy, báo tiếng và mạng;
Tranh luận và trao đổi học thuật
[chủ yếu trên website]
; thảo luận về các vấn đề xã hội, cả Cham lẫn Việt Nam.
Ngoài ra tôi còn được báo chí mời tổ chức chuyên đề, hay phụ trách chuyên mục, như: Tia Sáng (văn học Đông Nam Á), Văn nghệ Bình Thuận (Cham), Thể thao & Văn hóa (thơ, thơ Đường luật), Phụ nữ Thành phố (bình bài thơ hay), vân vân.
6. Bút danh & giải thưởng
Tôi lấy vài bút danh phục vụ mang tính giai đoạn.
Xuân Hải (thơ), Chế Trầm Sar (văn) chủ yếu làm phong trào cho Cham giai đoạn đầu, T.V.S và Lâm Wũ (tranh luận văn chương Việt) một thời gian ngắn thì bỏ;
Mã Pí Lèng (câu chuyện khôi hài văn giới), Chay Mala (ngụ ngôn xã hội Cham hiện đại) kéo dài lâu hơn và ít nhiều tạo được phong cách;
Còn thì tuyệt đại đa số bài viết tôi kí Inrasara.
Không chủ trương viết báo, không làm báo vậy mà tôi nhận bảy giải thưởng từ báo chí! Giải từ đẩu đâu bất ngờ rơi đến, như thể các tiết mục góp vui trận diễn chữ nghĩa, nhưng không phải vì thế mà không thêm phần thú vị.
Tặng thưởng Bài thơ hay nhất Epoetry (Úc) kí tên Inrasara, cùng lúc họ tặng luôn cho chùm thơ tình hay nhất cho tác giả Trần Thy Thiện Sa, là tên khác của… Sara!
Tặng thưởng Tienve.org (Úc): Work of the Month tháng 9-2006.
Tặng thưởng tạp chí Sông Hương năm 2010; Tặng thưởng tạp chí Sông Lam năm 2015 về tiểu luận, phê bình hay nhất trong năm.
Kỷ niệm chương Vì Thế hệ trẻ năm 2009 do báo Thiếu nhi Dân tộc đề cứ.
Giải thưởng báo chí của báo Dân tộc & Phát triển.
Cũng xôm chán!
_______
(1) Tại đây ở tham luận đầu tiên của hội thảo, và ngay câu đầu tiên, tôi nói:
“Ghur Bini là chứng tích văn hóa biển Việt Nam, tôi nêu vấn đề Ghur Bini không gì hơn là giúp Đảng thấy, và giải quyết vụ việc. Tại sao gọi là giúp Đảng, dù tôi không là đảng viên? – Bởi, không chính quyền nào chấp nhận vài dân tham (một số gia đình Việt) xâm hại đất tập thể (Ghur của Cham Bà-ni) cả. Nếu không ngăn ngừa trước, chắc chắn sẽ xảy ra sự cố. Sự cố dẫn đến thiệt hại: Mất đoàn kết cộng đồng cư dân và dân tộc, mất công hơn và mất nhiều tiền hơn, thậm chí cả mất mạng. Nhà văn thấy trước, lo trước và cảnh báo trước, là vậy”.
Nhắc lại câu nói của mình ngày ấy để làm lời kết bài trả lời phỏng vấn Đài RFA, tháng 3-2014: “Khi trí thức Cham không sợ cái không đáng sợ, họ vẫn có thể làm được nhiều điều cho dân tộc”.
(2) Bài báo kí bút danh Trần Dũng, mãi sau này tôi mới cho Hani biết Trần Dũng chính là ông Sara, viết để quảng bá Cơ sở dệt của người nhà đấy.