Thơ & thơ Việt-65. CHÚ THÍCH CHO LOÀI THƠ VỤT HIỆN HẬU KÌ

Tôi viết nhiều thể thơ, thể nghiệm nhiều hệ mĩ học thơ, từ cổ điển cho tận hậu hiện đại.

Từ Freud, Breton cây siêu thực phát rộ thì miễn rồi, riêng quả của nó như loài thơ vụt hiện, lối viết tự động tôi cũng có cắn thử. Ở đó bài thơ “Khóc Tây Tạng” một thời từng gây xôn xao dư luận ở Tiền Vệ, và hôm nay là bài “Thơ vụt hiện hậu kì”.

1. Vụt hiện và tự động, tạm nêu hai bài ở thế hệ trước: “Ngẫu hứng” của Bùi Giáng và “Đường phố” của Hoàng Hưng. “Ngẫu hứng” thì Nguyễn Hưng Quốc bình quá tuyệt, tôi chỉ góp bàn thêm về chữ “bồm gao” ở câu cuối:

“… Bom ha đạn hả bao gồm 

Bồm gao gạo đỏ bỏ gồm gạo đen”

Từ “bao gồm” sang “bồm gao”; nếu ông viết “bôm gào” thì có nghĩa, dễ hiểu, và không dở. Ở đây ông chơi “bồm gao” mới làm nên cái độc đáo của Bùi Thy Sỹ. Thơ tự động kiểu này GS-TS Mã Giang Lân cho là “thơ tâm thần” quả không oan!

“Đường phố” của Hoàng Hưng thì khác. Ra phố, bao nhiêu sự thể bày ra, chúng ám anh, về, ngồi trước trang giấy, các hình ảnh “vụt hiện” đến, và anh ghi xuống. Trong đó câu thơ “Đỉnh vú đi lừng lững” bị nhà thơ Trần Mạnh Hảo chê nát, tôi ngược lại, từng cho đó là câu thơ thiên tài.

Bàn về câu thơ này thôi cần đến một tiểu luận. Ở đây tôi xin gợi vài ý cho Lê Hồ Quang: Con người đồng hóa với bộ phận tự cho là nổi trội nhất của mình, dùng nó thể hiện bản ngã, và đàn áp tha nhân.

2. “Thơ vụt hiện hậu kì” của Inrasara thì hơi khác.

Nó không “chộp bắt” vụ việc ở thì hiện tại, mà là bạt ngàn sự sự với hình ảnh, mảnh vụn ý tưởng thời gian dài giai đoạn của lịch sử Việt Nam hiện đại ẩn sâu tiềm thức tác giả, nay chợt “vụt hiện” tràn ra kí ức hắn.

Bạn Tin Tri cho là nó “hồng nhiều hơn xám”, e là không phải. Đen, xám, hay hồng là tùy cách nhìn, bởi chúng là hiện thực không chọn lọc.

Bạn Lưu Tặng lấn cấn về kĩ thuật, sau còm qua còm lại, có lẽ bạn ấy hiểu.

Bạn Vo Huy Dinh thắc mắc về tư tưởng, qua chat riêng, bạn cũng đã thông.

Bạn Tan Nghia Le cho nó “thiếu” cũng đúng, bởi một cá nhân không thể bao quát lịch sử. Mà có cái người này cho là quan trọng, kẻ khác thì không. Mà nếu có ai khác cho là “thừa” cũng không sai, vì một sự kiện nào đó ám người này sâu đậm nhưng với tâm trí người khác nó chỉ lướt trượt qua không đọng lại.

Dĩ nhiên có nhiều thứ ám tôi, khi ghi lại tôi để rơi rớt, như: “định hướng dư luận” (bạn Chân Bản Tuệ), “hòa giải hòa hợp dân tộc” (Quoc To Cong).

Tinh Levan cho nó “gần như đủ cả rồi”, là ý tưởng lớn gặp nhau. Còn các đề nghị khác, chúng nằm ngoài phạm trù thơ – các chất liệu chưa mang tính phổ quát, và chưa là đặc ngữ hay khả năng biến thành thành ngữ.

Cảm ơn các bạn Trần Can cho nó “độc đáo”, Phi Toan cho nó “hay quá”, hay Doan Nghiep bảo là bài thơ “không đụng hàng”…

Riêng Nguyễn Hạ tìm ra câu thơ đinh của bài thơ là một phát hiện sáng giá: “Bánh mì đặc ruột Sài Gòn hai ngàn một ổ”. Câu này có nội hàm lớn, tạm nêu ba ý:

“Bánh mì đặc ruột” chống lại cái dối trá kim tiền hiện thời: “rỗng ruột”, hay “ruột giả’;

Giữa đêm hôm, tiếng “Sài Gòn” vang lên sang sảng, tự tin như thách thức “Thành phố Hồ Chí Minh” đang được chánh thống sử dụng;

“Hai ngàn một ổ” chân chất và rõ ràng, giới bình dân dễ mua dễ dùng.

3. Thế có phải thơ vụt hiện chỉ thuần tự động?

Không hẳn! Luôn có sự can thiệp kín đáo của lí trí. Ví dụ ở cuối mỗi đoạn tôi đều chọn một chất liệu đắc để tiểu kết, còn…

Câu “Tổ quốc có bao giờ đẹp thế này chăng?” của nhà thơ lớn Chế Lan Viên được Tổng bí thư hôm nay xài lại gần như nguyên văn, được đặt lên đầu.

Ở cuối bài thơ là câu của Chủ tịch Quốc hội: “Anh đã làm được gì cho tổ quốc chưa” diễn lại ý của nhiều nhân vật trước đó, nổi tiếng nhất là từ Tổng thống Mỹ John F. Kennedy trong bài diễn văn nhậm chức năm 1961: “Ask not what your country can do for you – ask what you can do for your country”.

Không đáng sao!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *