CHÚ THÍCH CHO MỘT VẤN NẠN LỊCH SỬ: ĐẤT THÁNH YA TRANG-02

[Đặt Nền Triết Học Đạo AHIÊR-AWAL.V: Dọn đường cho XAKARAI LUẬN]

Sắp đặt và diễn ngôn từ sự kiện lịch sử.
1. Các triều đại và kinh đô Champa
– Giai đoạn đầu: Sau khi Champa lập quốc 192, tranh chấp giữa vài dân tộc tại khu vực Bắc Champa, lúc thì Cham làm vua, lúc thì người Tàu, khi thì người Phù Nam…
– 605-757 (152 năm): kinh đô Simhapura Thành Sư Tử [Trà Kiệu] gần Mĩ Sơn;
– 757-805 (118 năm): kinh đô dời xuống Virapura Hùng Tráng thành, phía Nam Phan Rang;
– 875-982 (107 năm): kinh đô vương quốc lại dời ra Indrapura gần Đồng Dương hiện nay;
– 1000-1471 (472 năm): kinh đô Champa lần nữa chuyển đến Vijaya [Đồ Bàn].
Chú ý: Đây là 4 “kinh đô” chính thức của Champa được sử sách ghi nhận: nó thuộc 3 vùng văn hóa lịch sử lớn. Câu hỏi đặt ra, khi Champa đóng đô ở Vijaya, hỏi “kinh đô” của “Vương quốc Vijaya” đóng ở đâu? Ta vẫn có thể đặt câu hỏi tương tự tiếp với các “kinh đô” của tiểu vương quốc khác.
Câu hỏi không có câu trả lời thỏa đáng, ngoại trừ từ “Tiểu quốc Pangdurangga”.

2. Triều đại Vijaya có mấy điểm đáng chú ý:
+ Đây là triều đại kéo dài nhất, thời kì Champa bị xâu xé kinh khủng nhất, hết Khmer (1145-1149, 1190-1192) đến Xiêm La, đó là chưa kể đến 3 triều đại Đại Việt (Lý – Trần – Lê), để phải chấm dứt khi Lê Thánh Tông chiếm và phá hủy Đồ Bàn năm 1471.
+ Ở đây Champa phải trải qua nửa thế kỉ chiến tranh với Khmer (1166-1220); đến năm 1190 Champa bị chia đôi; và rồi năm 1192 Suryavarmadeva từ Pangdurangga mới thống nhất đất nước, để sau đó khi vị vua này đi mất, Champa bị Khmer đô hộ (1203-1220).
+ Chính trong giai đoạn này, Tiểu quốc Pangdurangga mới thể hiện thế đứng có một không hai của mình.

3. Thế đứng của Pangdurangga như một Tiểu quốc đúng nghĩa, thể hiện ở:
– Kháng cự quyết liệt nhiều lần chính quyền trung ương [văn bia Cột đá tháp Pô Klōng Girai)
– Thay mặt cả nước chống ngoại xâm (Khmer) [văn bia Patau Tablah].
– Độc lập: 1190 Champa chia hai là vậy. Sự thể này thể hiện ở Tiểu quốc này từng triều cống Trung Hoa như là một đất nước độc lập.
– Có công thống nhất đất nước.
– Sau đó, Tiểu quốc Champa-Pangdurangga còn lập một niên biểu lịch sử riêng cho mình nữa: Dak Rai Patao Cham (xem: Po Dharma, Sđd).

4. Giải minh góc khuất lịch sử
– Nhầm lẫn 1. Vua Champa & vua huyền sử/ vua Champa-Pangdurangga.
PD đã rất chí lí khi nêu lên sự nhầm lẫn của các tác giả khi đồng hóa Dak Rai Patao Cham Biên Niên Sử này với lịch sử Champa. Ví dụ, nhầm lẫn “Pô Klōng Girai là vị vua thật trị vì vào năm (1151-1195) với Jaya Indravarman IV vua của liên bang Champa (1147-1160); đồng hóa Pô Binthôr (1316-1361 hay 1328-1373) với Chế Bồng Nga (1360-1390) là quốc vương của Champa đóng đô ở Ðồ Bàn.
Ông viết: “Tiếc rằng, trong tác phẩm Biên niên sử, Pô Klōng Girai chỉ là vua huyền sử, một vị thần linh tự sinh (êngkat) và được xếp vào triều đại thứ 5 trong danh sách các vua huyền sử này. Sau mấy năm trì vị ở trần gian, ngài trở về trời (nao mưrūp).”

– Nhầm lẫn 2. Harơk Kah Harơk Dhei.
Từ tìm ra nguyên do sự nhầm lẫn trên dẫn đến việc PD xác minh lại rằng, điểm đầu của Champa lâu nay người ta cứ nghĩ rằng nó ở Quảng Bình, trong khi Harơk Kah Harơk Dhei chỉ là cực Bắc của Tiểu quốc Champa-Pangdurangga, tức ở Ia Ru Tuy Hòa.
Nhìn từ góc độ Tiểu quốc Champa-Pangdurangga là đúng, chắc chắn thế! Tôi cũng biết thế từ lâu (1994, Văn học Cham khái luận).
Nhưng khi PD cho các sinh linh Cham – khi họ phóng chiếu địa danh Harơk Kah Harơk Dhei lên tầm vương quốc Champa rằng nó ở tận Quảng Bình – là “hoàn toàn phi khoa học”, thì anh hơi hàm oan người thiên hạ. Dân Pangdurangga đã từng thống nhất đất nước [Quảng Bình đến Nam Bình Thuận ngày nay], nên chuyện họ đưa điểm đầu vương quốc đến tận Quảng Bình là điều rất bình thường.
Nhiều thế hệ Cham [Pangdurangga] đã nghĩ và viết như thế, ĐÓ LÀ SỰ THẬT. Sự thật kéo dài từ 200 năm trước chứ không ít. Mới nhất, từ nhạc sĩ Đàng Năng Quạ ở cuối thập niên 1960 ngược lên Lâm Nài, Dohamide, Thiên Sanh Cảnh cho đến tận tác giả Ariya Pô Parang viết từ giữa thế kỉ XIX.
Tác giả của thi phẩm nổi tiếng này còn cho Harơk Kah Harơk Dhei ở đâu tận Hà Nội nữa kia! Câu 108:
Halei dahlak ô ka nau bbôh tal
Libik Harơk Kah nan pak nưgar Hanôi
Tôi đâu chưa có đi thấy đủ
Chốn Harơk Kah đó ở xứ Hà Nội
.
Họ có quyền “phóng chiếu”. Tôi lặp lại: Không phải họ đã từng thống nhất Champa một lần rồi là gì!

Kết. Tôi nhất trí cao với PD về khoa học lịch sử, nhưng tôi:
– vẫn chấp nhận HUYỀN SỬ bên cạnh lịch sử;
– hậu hiện đại còn dạy tôi chấp nhận Oral-history (chuyện kể lịch sử) bên cạnh History chính thống.
Như vậy mới ra CHAM.
[Ví dụ dễ hiểu nhất: Đất Ghur palei Bumi bị vài gia đình Việt chiếm, và đã làm sổ đỏ từ lâu, nên không ai có thể tranh chấp được (về mặt khoa học hành chính); nhưng cộng đồng Cham Bumi vẫn giữ trong thẳm sâu kí ức mình rằng, NÓ LÀ CỦA CHAM, với câu chuyện kể “đầy sử tính” của Oral history đặc thù].
“[Với Cham] huyền sử quan trọng ngang bằng lịch sử. Nó chính là “dòng suối tiềm ẩn bên trong” mang đầy ý nghĩa sử tính mà “chối đi con người sẽ cảm thấy thiếu một cái gì và dân tộc thiếu đi mối dây ràng buộc thiêng liêng rồi sẽ đi tới chỗ băng hoại”. Nói như thế không phải chúng ta từ chối những truy tìm mang tính lịch sử – sự kiện mà là chúng ta chỉ chối bỏ “óc duy sử chỉ chấp nhận hiện tượng bên ngoài” mà không nhìn nhận những gì tồn tại bên trong nó. (Văn học Cham khái luận, 1994)

5 thoughts on “CHÚ THÍCH CHO MỘT VẤN NẠN LỊCH SỬ: ĐẤT THÁNH YA TRANG-02

  1. Anh Inrasara viết: “Giai đoạn đầu: Sau khi Champa lập quốc 192, tranh chấp giữa vài dân tộc tại khu vực Bắc Champa, lúc thì Cham làm vua, lúc thì người Tàu, khi thì người Phù Nam…”.

    Và theo một số nhà nghiên cứu sử trong và ngoài nước về điểm mốc sử lập quốc: “192 – Khu Liên làm vua Lâm Ấp” và tấm bia xưa nhất Võ Cạnh để tìm hiểu.

    Chúng ta tạm gọi là những đấu chỉ quan trong nhất trong tiến trình lịch sử Chăm-pa, để từ đó xử lý “mọi chuyên ngành khoa học” nhằm tìm lại những dấu ấn xa xưa hơn nữa:

    – Theo chinh sử Trung Quốc (có chỉnh sửa theo ý đồ thể chế chính trị nhưng về mặt sự kiện thông thường là chính xác, kể cả Sử ký Tư Mã Thiên cũng vậy): Khu Liên là con một Hào trưởng lập nước Lâm Ấp (theo tên dịch từ chính sử trên) vào năm 137.

    – Trước 137, chính sử Trung Quốc, về cách hiểu hiện nay và cách trình bày của chính sử Trung Quốc thì Lâp Ấm thuộc quận Nhật Nam, trong đó Nhật Nam là lãnh thổ cũ của nước Nam Việt.

    – Do vậy, tất có thái thú Trung Quốc tại sở trị Nhật Nam, vấn đề thái thú và sở trị của quận Nhật Nam này hoàn toàn phi logic trong những giai đoạn đầu sử tức nếu tính từ khi nước Nam Việt vào tay Tây Hán 111 TCN cho tới Khu Liên 137 SCN, một khoảng trống kéo dài 248 năm, tương ứng đã trải qua 10 đời người.

    – Quận Nhật Nam ở trên, dù không thuộc hoặc thuộc Tây Hán thì rõ ràng, Chăm-pa nằm trong một bộ của Nam Việt, còn trước đó là Âu Lạc và Văn Lang… để từ đó, chúng ta tra lại chính sử, huyền sử… thấy rằng, đấy là bộ Việt Thường và cần chứng minh.

    – Nếu Nhật Nam độc lập với Tây Hán, trong lịch sử cũng thấy có là Ai Lao – Lào, Thái Lan, MIến Điện vẫn độc lập với Tây Hán sau khi Nam Việt bị lệ thuộc, điều này cho thấy Tây Hán lấy được Giao Chỉ tức kinh đô Âu Lạc/ Văn Lang là được xem là đạt được mục đích. Sự kiện này cũng giống như Tần Thủy Hoàng tấn công tới Giao Chỉ vậy!

    – Tất nhiên, mỗi bộ của Văn Lang/ Âu Lạc/ Nam Việt đều có bộ chủ và trung tâm đóng đô của mỗi bộ, có nhiều châu của các dân tộc trong mỗi bộ… và nói về sự thống nhất tập trung về kinh đô Văn Lang tại Phong Châu phải thể hiện các đặc trưng văn hóa chung như trầu cau, thờ tổ tiên… đặc biệt, đó là Trống Đồng minh chứng cho quyền lực của Bộ Chủ được trao từ kinh đô Văn Lang.

    – Khu vực có Trống đồng Đông Sơn bao quát cả Đông Nam Á và Nam Trung Quốc, xa tới tận cả Timor Leste nằm sát nước Úc.

    – Cương vực bộ Việt Thường/ Chăm-pa trước Khu Liên (tạm gọi thế), tạm nhận định từ Quảng Bình tới Bình Thuận và lên tới dãy Trường Sơn, cao nguyên Miền Thượng: nhưng từ Quảng Bình tới Quảng Nam là chắn chắn!

    – Đặc biệt, tiền cổ Chăm-pa, có tại cả Phù Nam (Campuchia) hình chim trĩ trắng và các thời điểm tiến cống Trung Quốc đều có cống vật là chim trĩ đã xác định được chỉ dấu này. Do vậy, Việt Thường trogn vai trò là một Bộ Văn Lang đã được lấy chim trĩ trắng giao hảo nhà Chu khoảng 1000 TCN là chính xác. Chim trĩ trắng được trình bày trên 1 bộ trống đồng Âm Dương quan trọng nhất là Hoàng Hạ và Ngọc Lũ.

    – Về các cuộc chiến giữa Chăm-pa/ Nhật Nam và Tây Hán, Đông Hán… đó là mục đích then chốt của các tiền nhân với mục đích lấy lại Đất Tổ – bộ Phong Châu của Văn Lang, các vị đều biết vì sử chép trên giấy… tại thời điểm đó còn đầy đủ, sau này chúng ta bị “lạc lối nhận định” theo cách trình bày “ngôn từ” trong chính sử Trung Quốc mà chưa thấy cái “linh hồn” của nó. Đất Giao Chỉ màu mỡ, cung cấp lương thực cho cả nhiều tỉnh thời Tây Hán và cũng là trung tâm văn hóa, lễ nghi tối quan trọng, cũng như là một địa thế chiến lược phương Nam…

    – Bình Kendi là một đặc trưng của Chăm-pa, trước đó thời Âu Lạc… Lạc Hồng đã có nhưng kiểu khác, “Bình nước” được khắc trên trống đồng thời Âu Lạc có tại Quảng Bình, nhằm tiên tri về một thời kỳ sau này, do vậy có thể thấy người xưa còn biểu tượng hóa Bình Nước cho bộ Việt Thường trên trống đồng sau chim trĩ trên những chiếc trống ban đầu.

    – Đặc trưng vùng đất bộ Chăm-pa còn là khuyên tai hai đầu/ ba đầu sao la, con sao la chỉ có trên dãy Trường Sơn mà thôi! Do vậy, sao la cũng có trình bày trên mặt trống đồng và các đồ đồng tế khí khác nữa của thời Âu Lạc – Nam Việt. Người xưa rất cao siêu, họ đã lưu trữ mật mã trên cổ vật đểu sau này có thể tìm ra!

    – …

    Tạm một vài ý như vậy…

  2. Tôi bổ sung thêm ý quan trọng để xác định luôn:

    Theo chính sử Trung Quốc thì cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng có sự ụng hộ của quận Nhật Nam (tạm cho là Nhật Nam thuộc Tây – Đông Hán), Hai Bà thống nhất quốc gia cũ tức Âu Lạc/ Nam Việt vùng phía Bắc của Giao Chỉ, vậy hiểu như thế nào, chúng ta cần nằm rõ cổ vật thời kỳ này:

    – Bà Trưng lên ngôi Hoàng đế Lĩnh Nam, lấy quốc hiệu Âu Lạc. Về mặt lý thuyết, bao gồm cả quận Nhật Nam, do đó phải có cổ vật thời kỳ này làm bằng chứng.

    – Biểu tượng trống đồng Lạc Hồng là có tượng ếch chồng nhau, trống kiểu Ly – Hỏa tượng trưng phương Nam, quận Nhật Nam hầu như không có. Rất quan trọng.

    – Biểu tượng trâm đồng cài tóc của đội quân nữ anh hùng, có ít.

    – Kiếm ngắm hoặc dài cán có hình tượng Hai Bà, hầu như chưa phát lộ…

    – Đền thờ Hai Bà Trưng và tướng lĩnh từ Quảng Bình trở vào Nam, chưa thấy xuất hiện.

    Điều này cho thấy, quận Nhật Nam về thực chất, đã độc lập trước thời Hai Bà hay hiểu có thể hiểu là “phân rã” sau khi Nam Việt thuộc Tây Hán giống như các bộ khác Ai Lao – Thái – Miến – Java…, tuy nhiên khả năng Nhật Nam vẫn ủng hộ cuộc khởi nghĩa Hai Bà vẫn có với xác suất 50%, phải cần tìm hiểu thêm cổ vật và các di chỉ khảo cổ của Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế và Quảng Nam nhất là Trà Kiệu.

    Rất then chốt!

  3. Theo chính sử Trung Quốc thì cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng có sự ụng hộ của quận Nhật Nam (tạm cho là Nhật Nam thuộc Tây – Đông Hán), Hai Bà thống nhất quốc gia cũ tức Âu Lạc/ Nam Việt vùng phía Bắc của Giao Chỉ, vậy hiểu như thế nào, chúng ta cần nằm rõ cổ vật thời kỳ này:

    – Bà Trưng lên ngôi Hoàng đế Lĩnh Nam, lấy quốc hiệu Âu Lạc. Về mặt lý thuyết, bao gồm cả quận Nhật Nam, do đó phải có cổ vật thời kỳ này làm bằng chứng.

    – Biểu tượng trống đồng Lạc Hồng là có tượng ếch chồng nhau, trống kiểu Ly – Hỏa tượng trưng phương Nam, quận Nhật Nam hầu như không có. Rất quan trọng.

    – Biểu tượng trâm đồng cài tóc của đội quân nữ anh hùng, có ít.

    – Kiếm ngắm hoặc dài cán có hình tượng Hai Bà, hầu như chưa phát lộ…

    – Đền thờ Hai Bà Trưng và tướng lĩnh từ Quảng Bình trở vào Nam, chưa thấy xuất hiện và cẩn kiểm tra lại, cũng như đền thờ các vị tổ tiên khác.

    Điều này cho thấy, quận Nhật Nam về thực chất, đã độc lập trước thời Hai Bà hay hiểu có thể hiểu là “phân rã” sau khi Nam Việt thuộc Tây Hán giống như các bộ khác Ai Lao – Thái – Miến – Java…, tuy nhiên khả năng Nhật Nam vẫn ủng hộ cuộc khởi nghĩa Hai Bà vẫn có với xác suất 50%, phải cần tìm hiểu thêm cổ vật và các di chỉ khảo cổ của Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế và Quảng Nam nhất là Trà Kiệu.

  4. Tuyệt đỉnh anh Inrasara.

    Đã xuất hiện dao găm có cán tượng Trưng Vương tại di chỉ Cồn Ràng, Huế.

    Trở lại hiện vật Cồn Ràng
    Đăng ngày 15/12/2011 lúc 8:06 am
    Cách đây 10 năm, khi kết qủa 3 lần khảo cổ học tại di tích Cồn Ràng (thôn Phụ Ổ, xã Hương Chữ, huyện Hương Trà) được công bố, các nhà khảo cổ học cho rằng: Ngoài quần thể di tích Cố đô và Nhã nhạc cung đình, Thừa Thiên Huế có thêm niềm tự hào với những khu mộ chum lớn nhất thuộc văn hóa Sa Huỳnh, có niên đại cách nay hơn 2000 năm.

    Hầu hết hiện vật Cồn Ràng sau khi được khai quật, hiện đang được bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng. Đó là những ngôi mộ chum bằng gốm với nhiều kiểu dáng và kích thước khác nhau. Sau hàng ngàn năm tồn tại trong lòng đất, khi khai lộ, phần lớn các mộ chum không còn nguyên vẹn. Qua bàn tay của các nhà khảo cổ, một số trong đó đã được chỉnh lý, trở về hình dáng nguyên thủy của nó.

    Bí ẩn những ngôi mộ cổ

    Cùng với 200 ngôi mộ chum được tìm thấy là hàng ngàn di vật tùy táng bằng nhiều chất liệu như sắt, đồng, đá, thuỷ tinh, gốm, phản ánh đời sống sinh hoạt, tâm linh, tín ngưỡng của con người trong một thời điểm lịch sử xa xưa, từ vũ khí như giáo, lao, dao găm, kiếm; công cụ lao động như liềm, đục, búa, rìu … cho đến đồ trang sức bằng kim loại, mã não, đá… Với diện phân bố rộng, mật độ hiện vật dày đặc, Cồn Ràng được xem là dấu tích văn hóa Sa Huỳnh lớn nhất được tìm thấy từ trước đến nay ở miền Trung. Cùng với các đợt khai quật trước đó tại Cồn Dài và Cửa Thiềng, đây là cơ sở quan trọng để các nhà nghiên cứu đi đến một kết luận: Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm văn hóa Sa Huỳnh chứ không đơn thuần chỉ là vùng đệm giữa văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc và văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung như những nhận định trước đây.

    Khuyên tai hình đầu thú tìm thấy tại Cồn Ràng có mô típ đầu bò, đầu trâu xuất hiện trên quan tài người Cơ Tu

    Ngoài mảng hiện vật gốm phong phú về chủng loại, hình dạng và hoa văn, các nhà khảo cổ học đã bất ngờ tìm thấy hai hiện vật đồng tại di tích Cồn Ràng trong đó có một cán dao găm minh khí, hình khối tượng người có vai nở, bụng thót, mông bành. Đặc biệt, khối tượng bé nhỏ này thể hiện rõ phần tai đeo đồ trang sức, bên trái đeo khuyên tai hình vành khăn, bên phải đeo hoa tai hình hoa rau muống. Theo các chuyên gia khảo cổ, lần đầu tiên, hoa tai hình hoa rau muống được tìm thấy trong các địa điểm văn hóa Sa Hùynh. Trước đó, chúng chỉ được phát hiện ít ỏi trong văn hóa Đông Sơn. Phát hiện quý giá này là cơ sở để các nhà khảo cổ học đi đến một giả thiết có tính khoa học, cho thấy mối quan hệ giữa văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Đông Sơn ở Cồn Ràng.

    Một trong những mộ chum được chỉnh lý từ các mảnh vỡ

    Khá nhiều hiện vật trang sức bằng đá, mã não, thủy tinh đã được tìm thấy trong các ngôi mộ chum trong quá trình khai quật. Thú vị ở chỗ, những chuỗi trang sức bằng mã não này được chế tác khá tinh xảo. Đến nay, chưa ai trả lời đựơc là bằng cách nào, cách đây hơn 2000 năm, con người có thể đục những lổ nhỏ li ti xuyên qua những hạt mã não bé nhỏ bởi với độ cứng của nó, công việc này ngày nay phải nhờ cậy đến những mũi khoan đặc biệt bằng kim cương.

    Cán dao minh khí hình người, tai đeo khuyên hình hoa rau muống
    lần đầu tiên được tìm thấy ở các địa điểm văn hóa Sa Huỳnh

    Sau hơn 2000 năm tồn tại, đến nay, một điều chưa thể khẳng định, rằng ai là chủ nhân của những ngôi mộ cổ tại Cồn Ràng. Theo thư tịch cổ và điều tra dân tộc học, người Chăm cổ rất tài giỏi trong nghề đi biển, thạo nghề luyện sắt và ưa chuộng đồ trang sức bằng mã não. Trong khi đó, cách Cồn Ràng 2.500m, tại xã Hương Xuân hiện có nhà thờ họ Chế có gia phả từ 14-16 đời. Tại đây còn lưu giữ nhiều huyền tích như miếu bà Yàng, điện thờ bà Lồi. Theo các nhà khảo cổ, đây là cơ sở để nghĩ đến con đường phát triển văn hóa Sa Huỳnh lên văn hóa Chăm cổ ở Thừa Thiên Huế.

    Ở mảng hiện vật trang sức được tìm thấy tại Cồn Ràng, đã phát hiện khuyên tai hai đầu thú, rất gần với mô típ đầu trâu, đầu bò xuất hiện ở đuôi và đầu quan tài của người Cơ Tu ở A Lưới. Sự giao thao văn hóa này thực sự là một ẩn số về tiến trình phát triển lịch sử của các tộc người ở Thừa Thiên Huế mà theo giới chuyên môn, cần được đầu tư nghiên cứu sâu hơn, cả phương diện tư liệu trong lòng đất, thư tịch cổ và các cuộc điều tra dân tộc học ở Huế nói riêng và miền Trung nói chung.

    Những đề xuất bỏ ngỏ

    Với giá trị đặc biệt gắn với di tích Cồn Ràng, tại báo cáo khảo cổ học cách đây 10 năm, rất nhiều đề xuất nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Sa Huỳnh tại Huế đã được đề xuất.

    Giới nguyên cứu và khảo cổ cho rằng, cần tiến hành lập hồ sơ di tích để đề nghị xếp hạng Cồn Ràng là di tích cấp quốc gia. Cần có kế hoạch khoanh vùng bảo vệ và phát huy giá trị, xây dựng bảo tàng ngoài trời, làm điểm tham quan du lịch tại đây. Với nguồn hiện vật phong phú, hoàn toàn có thể lập phòng trưng bày chuyên đề về di tích Cồn Ràng ở Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng. Đặc biệt, những kết quả thu được tại Cồn Ràng là minh chứng rõ ràng về một giai đoạn văn hóa Sa Huỳnh ở Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề khoa học đặt ra như cư dân Cồn Ràng cư trú ở khu vực nào, qui mô, nguồn gốc và quá trình phát triển ra sao? Điều này đòi hỏi phải có những kế hoạch tiếp tục khiển khai nghiên cứu.

    Tuy nhiên, sau 10 năm công bố kết qủa khảo cổ, những giải pháp tiếp theo cho di tích Cồn Ràng hầu như chưa có gì, ngoại trừ một phần hiện vật được trưng bày khiêm tốn trong khuôn khổ chuyên đề khảo cổ học ở Thừa Thiên Huế trong không gian còn khá đơn sơ tại Di Luân Đường. Trong khi đó, trong quá trình phát triển, 2/3 di tích Cồn Ràng với diện tích 5000m2, đã nằm gọn trong lộ giới đường tránh Huế. Điều này càng đòi hỏi cấp thiết hơn giải pháp khoanh vùng bảo vệ phần di tích còn lại của di tích Cồn Ràng, để bảo tồn và phát huy giá trị.

    Theo Kim Oanh – Báo Thừa Thiên Huế

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *